Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.

UB Kinh tế: Xử lý trách nhiệm, làm rõ nghi vấn lợi ích nhóm trong xuất khẩu gạo

23/04/2020, 10:31

Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.

Thường trực UB Kinh tế Quốc hội kiến nghị xử lý trách nhiệm ở việc xuất khẩu gạo vừa qua - Ảnh minh họa

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hạn hán và xâm nhập mặn và việc cử tri, doanh nghiệp có phản ánh về những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xuất khẩu gạo và bảo đảm an ninh lương thực trong giai đoạn hiện nay.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu lương thực, thực phẩm trên thế giới tăng mạnh, và nhu cầu tăng dự trữ tại nhiều quốc gia nên trong thời gian qua thị trường gạo rất sôi động, giá gạo thế giới tăng.

Vụ Đông Xuân 2020 được mùa, giá gạo xuất khẩu khá cao, hàng vạn nông dân trồng lúa đang có cơ hội bán lúa với giá cao, cải thiện thu nhập, trả nợ ngân hàng, thanh toán nợ vật tư nông nghiệp, các doanh nghiệp cũng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nâng cao năng lực, chiếm lĩnh thị trường.

Để đảm bảo lợi ích của người nông dân trồng lúa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo và bảo đảm yêu cầu an ninh lương thực quốc gia trong thời gian dịch bệnh, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cần phân tích, đánh giá, dự báo kỹ sản lượng gạo của Việt Nam trong năm 2020, nhất là 2 vụ sản xuất lúa chính Đông Xuân và Hè Thu, trên cơ sở đó tính toán lượng gạo dự trữ quốc gia cho phù hợp với tình hình dịch COVID-19 và đặc điểm thế mạnh về nông nghiệp của Việt Nam.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến dịch COVID-19; tình hình cung - cầu gạo của các nước trên thế giới, nhất là các nước có lượng gạo xuất khẩu lớn như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… Từ đó, đánh giá, phân tích thị trường gạo thế giới trong giai đoạn hiện nay và dự báo trong thời gian tới để có giải pháp điều hành công khai, minh bạch, có lộ trình cụ thể về xuất khẩu gạo năm 2020, tránh tình trạng bị động, manh mún, giật cục, gây thiệt hại, bị động cho nông dân và doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị cho phép xuất khẩu trở lại ngay mặt hàng gạo nếp và các mặt hàng gạo hữu cơ là các mặt hàng chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, ít tiêu thụ trong nước và không thuộc danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia.

Qua vấn đề xuất khẩu gạo, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần rà soát những mặt hàng, lĩnh vực khác bị tác động của dịch làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia để chủ động trong chỉ đạo điều hành trong thời gian tới.

Đối với việc xuất khẩu gạo giai đoạn vừa qua, Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.

Đề nghị nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong giai đoạn vừa qua như phải bồi thường hợp đồng hoặc tăng chi phí lãi vay, chi phí cho việc lưu kho, bãi do bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng xuất khẩu gạo.

Khẩn trương có biện pháp cho thông quan ngay đối với các lô hàng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đã được kê khai và đang nằm tại cảng trước ngày 24.3.2020, khắc phục thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối phó với dịch. Sau khi giải quyết hết số lượng gạo tồn đọng này mà vẫn còn chỉ tiêu xuất khẩu thì mới mở tờ khai tiếp để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai vào lúc 0 giờ ngày Chủ nhật 12.4.2020 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không, đã tuân theo đúng quy định tại Điều 18 Luật Quản lý ngoại thương hay chưa?

Khoản 2, Điều 18 Luật Quản lý ngoại thương quy định: Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan về số lượng, khối lượng, trí giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần sử dụng các biện pháp trong điều hành xuất khẩu gạo theo quy luật thị trường, có lộ trình hợp lý, công khai, minh bạch để không gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.

Trường hợp tạm dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì cần phải có giải pháp tổng thể, hữu hiệu nhằm tránh gây thiệt hại đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình xuất khẩu gạo và kiến nghị của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất và báo cáo Chính phủ trong tháng 6.2020. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung vụ việc. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất chính sách liên quan theo thẩm quyền.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
33 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
UB Kinh tế: Xử lý trách nhiệm, làm rõ nghi vấn lợi ích nhóm trong xuất khẩu gạo