12 năm đã trôi qua kể từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm (2006) cho đến khi ông từ trần, vẫn còn đó những câu hỏi đau đáu của nền kinh tế Việt Nam.

Những câu hỏi chưa có lời đáp từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải đương nhiệm

19/03/2018, 17:35

12 năm đã trôi qua kể từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm (2006) cho đến khi ông từ trần, vẫn còn đó những câu hỏi đau đáu của nền kinh tế Việt Nam.

Tầm nhìn của Thủ tướng Phan Văn Khải với nền kinh tế Việt Nam cần được hiện thực hóa hơn bao giờ hết - Ảnh: Internet

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần vào ngày 17.3 ở tuổi 85. Ông là một trong những người có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam sau mở cửa, là người định hình những nền tảng quan trọng nhất cho nền kinh tế bao gồm các thỏa thuận thương mại lớn và sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng đã 12 năm trôi qua kể từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải nghỉ hưu (2006) cho đến khi ông từ trần, vẫn còn đó những câu hỏi đau đáu của nền kinh tế Việt Nam.

Một trong những thành tựu quan trọng nhất khi nhắc đến Thủ tướng Phan Văn Khải là khoảng thời gian đương nhiệm của ông (1997-2006) cũng là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam phát triển nhất, xét trên nhiều góc độ. Tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế khi đó luôn đạt khoảng 7%. Nếu bỏ đi 2 năm 1998-1999 kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á dẫn đến tăng trưởng thấp (lần lượt là 5,8% và 4,8%) thì 8 năm còn lại trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải không có năm nào tăng trưởng dưới 6,8%. Trong đó có 3 năm nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 8,2% và 3 năm trên 7%.

Mức tăng trưởng trung bình của nền kinh tế Việt Nam dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ thấp hơn một chút so với người tiền nhiệm là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng cao hơn hẳn so với giai đoạn sau đó khi bình quân tăng trưởng chỉ còn khoảng 6%.

Ngoài ra, các cải cách quan trọng đối với nền kinh tế cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ của ông, điển hình như luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 mở rộng cánh cửa cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ông cũng được xem là người đã mở đường cho quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Các thỏa thuận thương mại đầu tiên lớn nhất và quan trọng nhất đều được thực hiện trong nhiệm kỳ của ông, đó là Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) vào năm 2001, nền tảng quan trọng để Việt Nam gia nhập WTO năm 2006. Hai sự kiện đó được đánh giá là mở toang cánh cửa cho quá trình hội nhập của Việt Nam sau này thông qua việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại quan trọng khác.

Nhưng vẫn còn những câu hỏi đau đáu mà có lẽ Việt Nam vẫn chưa tìm ra câu trả lời khi nhìn lại những thành tựu của ông Phan Văn Khải. Đó là sự nhận thức về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và ảnh hưởng của các hiệp định thương mại quốc tế.

Thủ tướng Phan Văn Khải là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng sống còn của khu vực tư nhân với nền kinh tế Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà ông được biết đến với danh hiệu “Thủ tướng của doanh nghiệp”, không chỉ có luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 1999 để thay thế luật Công ty (1990) và luật Doanh nghiệp tư nhân (1992), ông còn bãi bỏ phân nửa số giấy phép con mà các bộ ngành đang áp lên doanh nghiệp. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người đã lấy ngày 13.10 hàng năm làm Ngày doanh nhân Việt Nam, một sự kiện khiến không ít doanh nhân rơi nước mắt khi cuối cùng họ đã có được sự công nhận từ phía Nhà nước và xã hội về nghề nghiệp của mình.

Nhưng kể từ sau khi ông nghỉ hưu (2006) thì đó quả là khoảng thời gian mà các doanh nghiệp Việt Nam phải trải qua một giai đoạn... "khác".

Đầu năm 2000, khi Thủ tướng Phan Văn Khải cắt 158 quy định kinh doanh và giấy phép con thì nền kinh tế Việt Nam mới chỉ có tổng cộng khoảng 400 quy định kinh doanh. Trong khi tính đến cuối năm 2016, con số 400 đã vượt lên thành 6.000 và phải rất khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới cắt giảm được khoảng phân nửa con số này. Mà cho dù như vậy đi nữa thì con số hơn 3.000 quy định kinh doanh và giấy phép con còn lại vẫn gấp hàng chục lần con số 400 ngày nào.

Lẽ ra một nền kinh tế ngày càng phát triển thì những quy định cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh càng phải được bãi bỏ mới gọi là... "đúng quy trình".

Đáng nói nữa là trong khi trước đó, nguyên thủ tướng đã biết rõ ràng rằng tương lai của nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể dựa trên 2 động lực quan trọng là các doanh nghiệp tư nhân và hội nhập thương mại với nền kinh tế thế giới thì phải mất đúng 10 năm sau khi ông nghỉ hưu, Việt Nam mới chính thức coi khu vực doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân đã phải chịu nhiều sức ép hơn sau đó. Chỉ đến khi các hệ quả đã trở nên quá rõ ràng, khi khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày càng yếu kém còn nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI, Việt Nam mới chịu coi doanh nghiệp là động lực quan trọng của nền kinh tế... như một cách sửa sai?

Mọi thứ cũng bắt đầu quay trở lại quỹ đạo, khi Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ để tạo thuận lợi cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân, cũng như những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc theo đuổi các hiệp định thương mại chất lượng cao như CPTPP. Có vẻ như tầm nhìn của Thủ tướng Phan Văn Khải từ cuối những năm 1990 đã bắt đầu được hiện thực hóa, dù có muộn màng và phải trải qua nhiều nước mắt. Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phải dựa trên hai trụ cột quan trọng là tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước và các hiệp định thương mại quan trọng và có chất lượng cao.

Hãy để ông yên nghỉ với những thành tựu lớn mà ông đã tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam. Và hãy nhắc đến danh hiệu “Thủ tướng của doanh nghiệp” của ông như một sự tri ân, thay vì một sự nhắc nhở ngầm cho những nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai.

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những câu hỏi chưa có lời đáp từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải đương nhiệm