Tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội lớn độc đáo trên khắp đất nước, từ lễ hội Gò Đống Đa ở Hà Nội, Bình Định; đến lễ hội chùa Hương; lễ hội Đền Trần Nam Định,…

Những lễ hội lớn trên khắp cả nước trong tháng Giêng

09/02/2019, 14:07

Tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội lớn độc đáo trên khắp đất nước, từ lễ hội Gò Đống Đa ở Hà Nội, Bình Định; đến lễ hội chùa Hương; lễ hội Đền Trần Nam Định,…

Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn, Bình Định

Vào chiều mồng 4 và mồng 5 tết âm lịch, người dân Bình Định và du khách náo nức đón chào lễ hội Đống Đa - Tây Sơn để tưởng nhớ người anh hùng áo vải Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đánh 29 vạn quân Thanh xâm lược. Đây là một trong những ngày hội lớn nhất cả nước vào dịp đầu xuân.

Lẽ hội Đống Đa - Tây Sơn - Ảnh: Baobinhdinh

Ngoài nghi thức truyền thống, ngày hội còn có những hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, đua thuyền, hát tuồng, tái diễn các trận đánh lịch sử như ngày vua Quang Trung ra trận…

Lễ hội Gò Đống Đa, Hà Nội

Lễ hội diễn ra mùng 5 hằng năm tại Hà Nội cũng để tưởng nhớ chiến thắng của vua Quang Trung. Trong sáng nay, lễ hội đã diễn ra với sự có mặt có nhiều lãnh đạo, trong đó có thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông đã trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt "Gò Đống Đa" tại lễ hội.

Vào 230 năm trước, nơi đây là một chiến trường đẫm máu. Đêm mùng 4, rạng mùng 5 tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30 tháng 2 năm 1789) đồn trại giặc ở Khương Thượng bị phá huỷ khiến tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại đây. Gò Đống Đa đã trở thành một di tích lịch sử vẻ vang của nhân dân ta kể từ đó, đồng thời còn là một chứng tích về sự thất bại nhục nhã của kẻ thù phương Bắc xâm lược.

Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra sáng nay - Ảnh: TTXVN

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất, tái hiện lại chiến công vẻ vang khi xưa. Sau những nghi thức trang trọng là đến các trò chơi và biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rồng, đầu vật, cờ người, chọi gà.

Lễ hội chùa Hương, Hà Nội

Trong những ngày đầu năm, đi trẩy hội ở chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) được là hành trình về miền đất Phật.

Lễ hội chùa Hương - Ảnh: Hanoimoi

Lễ hội chùa Hương diễn ra trong 3 tháng, từ mùng 6 tháng Giêng tới tháng 3 âm lịch, đỉnh cao ngày lễ trong khoảng rằm tháng giêng tới 18 tháng 2 âm lịch.

Theo “Truyện Phật Bà chùa Hương” thì chùa Hương là nơi tu trì và trác tích của đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được Việt hóa và danh xưng là Phật Bà chùa Hương, nghĩa là: Dấu vết thơm tho.

Mỗi năm, cứ đến mùa lễ hội, chùa Hương lại tấp nập du khách thập phương về tham quan và du xuân.

Lễ hội chùa Hương được tổ chức gồm lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc chạy đàn, hai vị tăng ni múa rất dẻo và đẹp mắt qua những động tác ít thấy ở mọi nơi.

Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh

Bắt đầu từ mồng 9 tháng Giêng tới hết tháng 3 âm lịch, khách thập phương lại nô nức tới Quảng Ninh đi trẩy hội Yên Tử. Cùng với lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử cũng là một trong những lễ hội lớn của miền Bắc và cả nước.

Lễ hội Yên tử - Ảnh: TTXVN

Hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân hằng năm.

Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương về đất Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Các triều đại vua chúa xếp Yên Tử vào hạng "danh sơn" của nước ta. Đây là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt thuở trước, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm. Trong quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp. Chùa Ðồng ở trên đỉnh cao nhất 1.068 m (so với mặt nước biển).

Hàng năm không chỉ Phật tử mà hàng ngàn du khách đến đây dâng hương vãn cảnh. Trên đường đi du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi chùa, ngọn tháp ẩn nấp bên những con suối, rừng cây.

Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng. Quần thể kiến trúc đồ sộ này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng trải dài gần 20km tạo thành Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử mang tầm quốc gia.

Lễ hội đền Trần, Nam Định

Lễ khai ấn đền Trần, Nam Định, tổ chức từ ngày 14 tháng Giêng hàng năm. Ngày hội được tổ chức nhằm tri ân công đức của 14 vị Vua Trần.

Lễ khai ấn Đền Trần

Lễ Khai ấn Đền Trần bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm) ngày rằm tháng Giêng hàng năm. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp lễ hội để xin, mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.

Sau lễ khai ấn sẽ tới những nghi thức quan trọng như rước nước, tế cá. Ngày hội còn tổ chức xen kẽ nhiều hoạt động truyền thống như hát chèo, mùa rồng, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật…

Lễ Khai ấn trước hết là một nghi lễ tế tổ tiên có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, lễ Khai ấn trở thành một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.

Hội cầu ngư, Huế

Theo thông lệ, cứ 3 năm Lễ hội cầu ngư mới được tổ chức một lần ở Thái Dương Hạ, Thuận An, thành phố Huế vào ngày 12 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ công ơn người đã khai canh, lập làng Trương Quý Công và các bậc tiền nhân.

Đua thuyền trên Phá Tam Giang - Ảnh: Internet

Lễ hội xuất hiện từ hơn 500 năm trước, lễ hội truyền thống cầu ngư “tam niên đáo lệ” của làng Thai Dương Hạ có mục đích là cầu cho mưa thuận, gió hòa và cầu cho ngư dân ra biển làm ăn gặp nhiều may mắn.

Lễ hội tái hiện lại sinh động và hấp dẫn các trò chơi truyền thống trên sân khấu cạn như múa hát truyền thống, đoàn tàu ra khơi đánh cá, cảnh buôn bán trên bờ.

Lễ hội núi Bà Đen, Tây Ninh

Lễ hội núi Bà Đen được xem một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất ở khu vực phía Nam và cả nước, diễn ra từ mồng 4 đến hết tháng Giêng hằng năm.

Người người hành hương lên núi Bà Đen - Ảnh: Internet

Lễ hội thu hút sự tham gia của hàng triệu du khách từ TP.HCM và các tỉnh khác lân cận khác đổ về hành hương, lễ bái và thăm quan du lịch tại núi Bà Đen.

Núi Bà Ðen bắt nguồn từ truyền thuyết, một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và qua đời ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”.

Những người hành hương lên núi Bà thường với mục đích cầu xin sức khỏe và may mắn trong làm ăn. Họ sẽ thường xin những gói giấy đỏ, bên trong đựng một nhúm gạo hoặc tiền lẻ như nhận lộc Bà với hy vọng một năm làm ăn phát tài, phát lộc…

Minh An (T.H)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
10 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lễ hội lớn trên khắp cả nước trong tháng Giêng