Đã có rất nhiều ngôi sao nổi tiếng hay người tham gia chơi trong các phần thi thử thách của game show truyền hình bị thương nặng thậm chí là tử vong.
Mới đây, một người chơi trong game show Wipeout của mạng truyền hình TBS (Mỹ) đã đột tử sau khi hoàn thành một trong những phần thi vượt chướng ngại vật đặc trưng của chương trình.
Cụ thể, người chơi này đã yêu cầu chăm sóc y tế sau khi hoàn thành phần thi của mình hôm 18.11. Lực lượng cấp cứu tại chỗ sau đó đã chuyển người này tới bệnh viện nhưng đã không qua khỏi.
“Chúng tôi rất đau buồn khi biết một người chơi đã qua đời và chúng tôi muốn chia buồn với gia đình”, đài TBS nói với People. Trước đó Wipeout được phát sóng trên kênh ABC của Mỹ từ năm 2008 đến 2014. Tháng 4 năm nay show này được quay tiếp và phát sóng trên TBS.
Wipeout là show truyền hình nổi tiếng của Mỹ đang tiến hành ghi hình cho mùa thứ 7 sau 6 năm gián đoạn với sự dẫn dắt của diễn viên John Cena, Nicole Byer và Camille Kostek. Chương trình tập trung vào một nhóm thí sinh tham gia thử thách vượt chướng ngại vật, mỗi thử thách chia làm 3 vòng thi với nhiều yêu cầu khác nhau. Show này có nhiều yếu tố hài hước nên được cả người lớn và trẻ em yêu thích.
Đây không phải là tai nạn đầu tiên xảy ra tại một game show. Trước đó, vào tháng 11.2019, làng giải trí Trung Quốc bàng hoàng trước thông tin Cao Dĩ Tường bị đột quỵ khi đang ghi hình show Chase me. Mặc dù thể trạng sức khỏe của anh không đảm bảo, khá yếu ớt, thậm chí anh liên tục nói: “Tôi sắp không thở được nữa rồi” và sau đó gục ngã nhưng ê-kíp vẫn tiếp tục ghi hình và đội ngũ y tế xuất hiện quá muộn.
Trước đó, nhiều khách mời lẫn thành viên chính thức xảy ra chấn thương và kiệt sức với các thử thách đến từ chương trình này. Một số người còn trẻ như: Phạm Thừa Thừa, Tất Văn Quân bị choáng váng, thậm chí nôn mửa trong quá trình ghi hình. Lý Chấn Ninh thì phải ngừng quay để lên xe cứu thương thở bình dưỡng khí. Thành viên nhóm NCT – Lucas bị ngã và gặp chấn thương nghiêm trọng.
Từ tai nạn của Cao Dĩ Tường, giới giải trí Trung Quốc đã phải rà soát lại hàng loạt gameshow vận động để có những biện pháp phòng tránh các tai nạn tương tự.
Những trường hợp này cũng xuất hiện trong các game show Hàn. Nữ ca sĩ IU suýt chết đuối khi tham gia một tập chương trình thực tế Running Man, nơi cô lặn sâu xuống nước nhưng quên mất mình không biết bơi. Hay như nam ca sĩ Minho của nhóm Shinee bị gãy mũi trong lúc ghi hình chương trình Dream Team mùa 2 năm 2010.
Ở Việt Nam, các chương trình game show như Cuộc đua kỳ thú, Không giới hạn – Sasuke Việt Nam, Chạy đi chờ chi – Running man bản Việt, Mỹ nhân hành động… cũng đang hấp dẫn được số đông người tham gia và cả khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ.
Để tham gia những thử thách yêu cầu thể lực cao như leo núi, chạy mô tô vượt địa hình, đu dây vượt thác, các thí sinh đều phải vượt qua các bài khảo sát thể lực, tập luyện dài ngày. Tuy nhiên, sự nguy hiểm không chỉ tiềm ẩn trong các chương trình vận động mà với các gameshow giải trí đơn thuần như Người bí ẩn, Song đấu, Kỳ tài lộ diện, 100 giây rực rỡ, Vietnam’s Got Talent.
Dư luận từng xôn xao về việc hai thí sinh đổ máu trong chương trình Song đấu. Hai thí sinh “đối đầu” này là võ sư Kim Tuấn (54 tuổi) lột dừa khô bằng răng và cô bé Mỹ Linh (16 tuổi) lột dừa bằng cây nằm (vật dụng giống như dao nhưng có mũi chĩa thẳng lên trời, được làm bằng thép). Trong quá trình thi đấu, anh Tuấn bị gãy một chiếc răng, còn Linh bị cây nằm đâm vào tay chảy máu.
Cũng trong chương trình Song đấu, màn “đối đầu” “hơi ai dài hơn” giữa người thổi sáo Tấn Vũ và chàng thợ lặn Hữu Thời khiến khán giả vô cùng lo lắng. Anh Thời nín thở bằng cách ngụp mặt trong một chiếc chậu bằng kính. Do nín thở quá lâu, khi màn thi đấu kết thúc, anh ngã về phía sau, chiếc chậu rơi xuống và bị vỡ. Ngay lập tức, nhân viên của chương trình phải ra sân khấu để giúp thí sinh có thể thở lại bình thường.
Điểm qua các gameshow trên sóng truyền hình thời gian gần đây, khán giả dễ dàng nhận thấy có nhiều màn biểu diễn rất nguy hiểm, ghê rợn. Và các tiết mục nguy hiểm ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Chẳng hạn như chương trình Vietnam’s Got Talent, khán giả không khỏi thót tim khi xem các màn biểu diễn nuốt rắn, cầm thương nhọn đâm vào yết hầu, dao xuyên qua mũi, dùng đầu đập đinh vào trán, nuốt lưỡi cưa vào cổ... Thí sinh chương trình Vietnam’s Got Talent đã từng uống nhầm cốc axit vì tưởng đó là cốc nước, phải nhập viện để điều trị vì bị bỏng đường ruột.
Hay trong chương trình Cuộc đua kỳ thú, các đội chơi phải trải qua những thử thách vô cùng nguy hiểm... Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng nguyên nhân là do chương trình thực tế càng mạo hiểm thì càng “ăn” khách.
Không chỉ có những người chơi thông thường mà nhiều nghệ sĩ khi tham gia gameshow cũng đăng tải những hình ảnh tay chân bị bầm dập. Cụ thể, Lý Nhã Kỳ từng bị bầm tím nhiều chỗ sau khi chơi Nhanh như chớp, hay DJ Mie phải bị bầm và trầy xước tay chân sau khi chơi trong chương trình Sao hỏa, sao kim.
Cho dù hiện nay chưa có trường hợp tử vong nào xảy ra trong các gameshow tại Việt Nam nhưng vẫn ẩn chứa rủi ro cao với các trò vận động bạo lực, giành giật, lôi kéo. Chính vì vậy cần có sự cẩn trọng, chủ động rà soát trong các chương trình có yếu tố vận động mạnh là cần thiết, nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho người tham gia.