Việc cấp cứu người tại bang Alaska (Mỹ), nơi phần lớn là vùng hẻo lánh không có đường đi, cực kỳ khó khăn. Điều này được giao cho Vệ binh quốc gia Mỹ.
Binh lính thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ ở Alaska cùng các cơ quan khác thường phải thực hiện những cuộc cấp cứu khó khăn tại Alaska, nơi không có các cơ sở hạ tầng y tế như ở 48 bang nước này. Alan Brown là người phát ngôn của Vệ binh Alaksa, cho biết họ đã thực hiện 14 chuyến cấp cứu như vậy trong năm 2023.
Alaska là bang lớn nhất Mỹ, diện tích lớn gấp đôi bang Texas, có nhiều bờ biển hơn cả 48 bang kia. Alaska với khoảng 730.000 dân, là một bang hẻo lánh, trải dài và thường phải chịu thời tiết khắc nghiệt.
Vì thế, các thành viên Vệ binh Alaska đều nắm vững những kỹ năng cứu sinh; các phi đội tìm kiếm-cứu hộ 210, 211, 212 của lực lượng này được giao thực hiện những vụ tìm kiếm-cứu hộ.
Nhờ thường xuyên luyện tập, lực lượng tìm kiếm-cứu hộ đã quen xử lý những nhiệm vụ phức tạp khi thời tiết xấu, vị trí cần cứu hộ quá xa, hoặc địa hình khắc nghiệt của toàn khu vực.
Vừa rồi, hôm 3.4, phi đội cứu hộ của Vệ binh Alaska đã bay gần 660 dặm (1.062km) để cứu một phụ nữ có thai sống trên đảo Diomede Nhỏ, chỉ cách đảo Diomede Lớn (thuộc Nga) 3km trong eo biển Bering lạnh buốt. Có một ranh giới quốc tế tưởng tượng ngăn cách hai đảo này.
Thiếu úy Sara Warren thuộc Vệ binh Alaska cho biết trong chuyến bay cấp cứu mới nhất hôm 3.4, có tổng cộng 40 người tham gia công tác cấp cứu. Họ được báo người phụ nữ mang thai bị đau nặng ở bụng dưới, sống tại Diomede, một làng ở phía tây đảo Diomede Nhỏ.
Làng Diomede có 80 dân Eskimo dòng Ingalikmiut chuyên săn hải cẩu, gấu Bắc cực và cua xanh. Trên đảo Diomede Nhỏ không có người nào hành nghề y dược.
Warren cho biết việc cấp cứu gặp khó khăn không chỉ vì sương phủ dày trên biển băng giá, mà còn vì đảo Diomede Nhỏ không có điện.
Người dân làng phải từng giờ gọi điện thoại đến bệnh viện gần nhất ở thị trấn Nome cách làng 209 km, để biết thông tin mới về tình hình sức khỏe của nữ bệnh nhân, rồi ngắt máy nhằm... tiết kiệm điện.
Một bác sĩ ở Nome cũng chuyển thông tin cập nhật đến các đồng nghiệp ở căn cứ Elmendorf-Richardson tại thành phố Anchorage, thủ phủ bang Alaska.
Tại căn cứ, sĩ quan trực công tác tìm kiếm-cứu hộ hôm ấy là nữ thiếu úy Warren theo dõi mọi hoạt động cứu hộ.
Có một tổ y tế dân sự trực ở Nome, nhưng họ không thể dùng máy bay trực thăng của họ do thời tiết xấu, nên Vệ binh Alaska phải lấy một trực thăng chuyên tìm kiếm-cứu hộ từ Anchorage bay đến đảo.
Do đảo Diomede Nhỏ không có đường băng sân bay cho máy bay hạ cánh, nên một máy bay tìm kiếm-cứu hộ tầm xa đảm trách khảo sát điều kiện thời tiết, bay hướng dẫn chiếc trực thăng tránh các cơn bão, qua các hẻm núi của rặng Alaksa.
Máy bay nói trên còn nhiều lần thực hiện việc tiếp nhiên liệu cho chiếc trực thăng trong chuyến bay dài 5 tiếng đồng hồ đến đảo Diomede Nhỏ.
Máy bay Nga thường bay gần eo biển Bering, nhưng Warren cho biết tổ cấp cứu áp dụng mọi biện pháp để tránh bất kỳ xung đột nào, nhất là giữ tuyến bay chỉ nằm trong không phận Mỹ.
Cô kể rằng tổ cấp cứu đã đưa nữ bệnh nhân đến bệnh viện ở Nome bình an, không gặp bất kỳ sự cố nào, hiện sức khỏe của người bệnh đã ổn định.