Các chuyên gia cho rằng niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện, cộng với nhiều yếu tố vĩ mô khác có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sôi động hơn.
Thị trường và chính sách

Niềm tin của nhà đầu tư dần trở lại, TPDN kỳ vọng sôi động hơn

Lam Thanh 07/02/2024 17:30

Các chuyên gia cho rằng niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện, cộng với nhiều yếu tố vĩ mô khác có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sôi động hơn.

Số liệu từ FiinGroup cho thấy, tính đến ngày 5.2, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 4 giao dịch phát hành với tổng giá trị 6.450 tỉ đồng.

Trong tháng 1.2024, thanh khoản bình quân trái phiếu riêng lẻ đạt 3.400 tỉ đồng/phiên (giảm 31% so với bình quân tháng 12.2023). Mặc dù quy mô giao dịch thứ cấp trên HNX còn nhỏ, nhất là với TPDN phi ngân hàng. Tuy nhiên, phân tích của FiinGroup đã cho thấy bước đầu có sự phân hóa khá rõ về giá trái phiếu thông qua các số liệu về tỷ suất lợi tức đến ngày đáo hạn.

Dù vậy, FiinGroup vẫn cho rằng triển vọng cho kênh huy động TPDN năm 2024 sẽ sôi động hơn năm 2023.

Theo đơn vị này, ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn. Mặc dù nhóm ngành này chưa công bố hết kế hoạch, nhưng hầu hết các ngân hàng sẽ có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức TPDN trong năm nay, nhằm mục tiêu bổ sung nguồn vốn nợ nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 (dự kiến 15% trên toàn hệ thống cho cả năm 2024) cũng như các năm tiếp theo.

tp.jpeg
TPDN "sáng cửa" trong 2024

Thêm nữa, việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của ngân hàng cũng sẽ gia tăng vốn cấp 2 và góp phần đáp ứng tốt hơn các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro của NHNN, ví dụ yêu cầu về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Môi trường lãi suất thấp cũng thuận lợi cho huy động vốn dài hạn. Để tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, hầu hết các đợt chào bán trái phiếu hiện nay đều có cơ chế lãi suất thả nổi và neo theo lãi suất tham chiếu của các ngân hàng lớn.

Theo FiinGroup, môi trường lãi suất trong nước được dự báo vẫn được duy trì thấp như hiện nay, đồng thời lãi suất quốc tế có xu hướng giảm trong những năm tới. Đây sẽ là yếu tố xúc tác rất lớn cho các ngành và doanh nghiệp có nhu cầu vốn dài hạn có thể tính toán đến việc phát hành trái phiếu, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là khi bối cảnh kinh tế vĩ mô đã có sự phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm 2023.

Một lý do nữa là việc mở rộng nguồn cung trái phiếu. Không chỉ các ngân hàng thương mại, các chuyên gia cho rằng các công ty tài chính tiêu dùng cũng sẽ bước vào giai đoạn mới tăng trưởng trở lại sau một năm 2023 suy giảm, do các vấn đề thực hành thu hồi nợ của nhiều đơn vị đã được xử lý.

Ngoài ra, các thị trường bất động sản có thể cần thêm thời gian để có thể chứng kiến sự hồi phục mạnh trở lại nhưng những biện pháp tháo gỡ pháp lý, nhất là đối với phân khúc trung và thấp cấp sẽ làm tiền đề cho việc giảm rủi ro pháp lý dự án để các chủ đầu tư có thể khôi phục hoạt động huy động vốn tín dụng, trong đó có kênh TPDN.

Cuối cùng, đơn vị này cho rằng niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy 7% trong tổng số hơn 300 tỉ trái phiếu riêng lẻ chào bán thành công năm 2023 đã được mua bởi nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Tuy là mức rất khiêm tốn so với mức trên 30% những năm giai đoạn 2019-2022, đây cũng là dấu hiệu đáng mừng về sự khôi phục niềm tin và sự chấp nhận rủi ro khi đầu tư sản phẩm này theo những quy định mới của Nghị định 65 về trái phiếu riêng lẻ.

Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia kỳ vọng cơ sở nhà đầu tư vào TPDN cần được mở rộng hơn nữa thay vì chủ yếu là các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư cá nhân như hiện nay.

Các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư của họ hiện đang quản lý khoảng 35 tỉ USD nhưng còn rất hạn chế tham gia vào TPDN, nhất là sau khi Luật Kinh doanh Bảo hiểm đi vào hiệu lực từ đầu năm 2023 không cho phép các đơn vị này đầu tư vào trái phiếu có mục đích cơ cấu lại nợ.

"Ngoài ra, cần cải thiện những quy định hiện nay để có thể tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư trái phiếu và các định chế đầu tư được cấp phép và hoạt động có thể mở rộng tham gia vào kênh TPDN như các thị trường trong khu vực", báo cáo nêu.

tp-2.jpeg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng các nhóm chính sách được ban hành vừa qua đã phát huy hiệu lực tích cực đối với TPDN, trong đó nhiều quy định chưa có tiền lệ tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP. Theo đó, thị trường đã tạm thời bước qua giai đoạn khó khăn nhất.

Cũng theo ông Thịnh, việc xử lý vi phạm trên thị trường trái phiếu thời gian qua cũng như việc rút ra các bài học kinh nghiệm, thị trường TPDN sẽ phát triển theo hướng lành mạnh hơn. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng vì trái phiếu là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp, giúp giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Dù vậy, ông Thịnh cũng cho rằng áp lực trái phiếu đáo hạn còn rất lớn trong năm 2024-2025 và quá trình tái cơ cấu không chỉ trong ngày một ngày hai, mà cần quá trình dài hơi. Do đó, việc thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường cần được đặc biệt chú ý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm tin của nhà đầu tư dần trở lại, TPDN kỳ vọng sôi động hơn