Đài CNN ghi nhận sự chia rẽ giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với đội ngũ chỉ huy quân sự ngày càng công khai sau nhiều bất đồng về tình hình chiến sự.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economist giữa tuần trước, Tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Zaluzhnyi đánh giá cuộc chiến rơi vào bế tắc, rất khó để đạt bước đột phá.
Phó chánh văn phòng Tổng thống Igor Zhovka ngày 4.11 lên tiếng nhắc nhở cuộc phỏng vấn sẽ bị phía Nga đọc, xem xét cẩn thận và rút ra kết luận. Ông cho biết quan chức một số nước đối tác đã “hoảng loạn” liên lạc để hỏi liệu chiến sự có thực sự bế tắc hay không.
“Có lẽ đây là kế hoạch chiến lược rất sâu sắc và chúng ta sẽ đạt được một số thành công theo cách này. Nhưng thành thật mà nói tôi cảm thấy rất ngạc nhiên”, ông Zhovka phát biểu trên sóng truyền hình.
Tổng thống Zelensky cũng không hài lòng với phát ngôn của Tổng tham mưu trưởng Zaluzhnyi. Nhà lãnh đạo Ukraine nói trong cuộc họp báo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen: “Mọi người đều mệt mỏi và có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi nhấn mạnh là tình hình không bế tắc”.
“Tất cả chúng ta cần cùng nhau giải quyết vấn đề, làm việc với các đối tác về công tác phòng không, phong tỏa vùng trời và cho phép binh sĩ thực hiện hoạt động tấn công”, theo Tổng thống Zelensky.
Trong cuộc phỏng vấn riêng biệt của tạp chí Time, Tổng thống Zelensky tuyên bố rằng ông có niềm tin vào chiến thắng dành cho Ukraine. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh đang trỗi dậy ở Mỹ lẫn châu Âu, xung đột Israel - Hamas làm chuyển hướng chú ý nên cộng đồng quốc tế không còn nhiệt tình hỗ trợ Kyiv nữa.
Chia rẽ không chỉ thể hiện qua loạt phát ngôn phản bác nhau, mà còn qua thay đổi nhân sự. Tổng thống Zelensky cuối tuần qua bất ngờ thông báo bổ nhiệm chỉ huy mới cho lực lượng đặc nhiệm. Người bị thay thế chỉ biết tin qua truyền thông và cũng chẳng rõ lý do thay đổi.
Ukraine triển khai phản công từ đầu tháng 7, ban đầu thành công giải phóng không ít vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đà tiến quân của quân đội nước này đang bị chững lại ở cả phía đông lẫn phía nam do phòng tuyến dày đặc bãi mìn, pháo binh cùng tên lửa chống tăng. Ngoài ra, Nga còn sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công phương tiện chiến đấu vô cùng hiệu quả.