Trước đây, sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ được xem là loại phế thải, không có giá trị nên bỏ đi. Những năm gần đây, rơm rạ bỗng nhiên “đổi đời” trở nên có giá trị, được nhiều người tìm mua để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Nông dân miền Tây tăng thu nhập từ rơm rạ

Trần Khải 25/03/2024 10:38

Trước đây, sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ được xem là loại phế thải, không có giá trị nên bỏ đi. Những năm gần đây, rơm rạ bỗng nhiên “đổi đời” trở nên có giá trị, được nhiều người tìm mua để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, bà con nông dân ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) đang bước vào chính vụ thu hoạch vụ lúa đông xuân 2023 - 2024. Vụ mùa năm nay, bà con trúng mùa, được giá nên nên ai nấy đều rất vui mừng. Đáng chú ý, hiện nay nhu cầu sử dụng rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp tăng cao nên sau khi thu hoạch lúa, nông dân còn có thu nhập từ việc bán rơm rạ. “Rơm rạ bây giờ “lên đời” rồi. Ngày xưa, không mấy ai chú trọng đến giá trị của rơm rạ nên sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường đốt bỏ. Giờ rơm được nhiều người đến tận ruộng thu mua với giá khoảng 150.000 đồng/1 công. Người mua tự thu gom rồi vận chuyển”, một nông dân ở huyện Phước Long chia sẻ.

rom.jpg
Vận chuyển rơm rạ đi tiêu thụ - Ảnh: Trần Khải

Theo nông dân này, rơm rạ được thương lái thu mua rồi bán lại cho người có nhu cầu sử dụng dùng để trồng hoa màu, trồng nấm rơm, bỏ xuống vuông tôm tạo nơi có bóng mát để thủy sản tránh trú vào mùa nắng nóng, ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng, làm thức ăn cho trâu bò…

“Hồi đó, đâu ai nghĩ rơm rạ bán được, nhưng giờ có người sống bằng nghề thu mua rơm rạ. Trước đây, sau khi thu hoạch lúa, nông dân chúng tôi rất vất vả trong việc thu gom, cải tạo đồng ruộng. Còn hiện nay, khi lúa bắt đầu chín là có thương lái đến hỏi mua rơm, khi mình thu hoạch xong là họ đem máy móc đến gom rơm rạ, cuộn thành bó rồi chở đi. Giờ sử dụng máy móc hiện đại nên làm gì cũng nhanh gọn”, một nông dân khác cho biết thêm.

rom-3.jpg
Rơm rạ giờ đây đã "đổi đời" có giá trị nên không còn là loại bỏ đi - Ảnh: Trần Khải

Vụ đông xuân này, ông Lâm Thanh Mến, nông dân ngụ xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long không chỉ bán được lúa giá cao mà còn có thêm khoản tiền nhờ bán rơm khô. “Tôi không bán rơm cho thương lái, sau vụ lúa tôi thuê máy cuộn thu gom lại rồi đem về nhà vựa lại để bán cho những hộ làm rẫy, trồng nấm. Với 0,5ha đất trồng lúa, nhà tôi thu được khoảng hơn 400 cuộn rơm, mỗi cuộn bán được 20.000 đồng. Có năm rơm được giá còn lên đến 25.000 - 30.000/cuộn”, ông Mến nói.

Tại một số tỉnh miền Tây như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh…, hiện nay sau khi thu hoạch lúa, bà con nông dân còn có thêm khoảng thu nhập từ loại phế phẩm là rơm rạ. Có người còn tận dụng rơm rạ để trồng nấm, trồng hoa màu, làm phân bón hữu cơ và phục vụ nhiều hoạt động sản xuất khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

rom-2(1).jpg
Mỗi cuộn rơm hiện được bán với giá từ 20.000 - 25.000 đồng - Ảnh: Trần Khải

Anh Võ Văn Hoạch, người có kinh nghiệm trồng nấm rơm nhiều năm ở xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết, sau vụ thu hoạch lúa, anh Hoạch đã thuê máy thu gom rơm lại thành từng cuộn để bán và dùng để sử dụng trồng nấm rơm. Với anh Hoạch, nấm rơm trồng được quanh năm kể cả mùa mưa hay nắng. Trung bình một cuộn rơm sử dụng trồng nấm sẽ cho khoảng 2kg nấm, với giá bán nấm hiện khoảng 80.000 đồng/kg. Đặc biệt, do không phải mua rơm nên lợi nhuận thu được cũng cao hơn những hộ khác.

Ngoài sử dụng rơm để trồng nấm, người dân còn cho trâu bò ăn. Bên cạnh đó, có không ít hộ dân ở tỉnh Bạc Liêu còn tiết kiệm được một khoảng chi phí khi dùng rơm để phủ đất làm rẫy (thay màng phủ có giá bán trên thị trường rất cao). Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ông Cao Ngọc Ẩn ở xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu bắt đầu thuê máy cuộn thu gom rơm để phục vụ cho việc trồng màu của gia đình. Theo ông Ẩn, việc dùng rơm rạ phủ đất canh tác khi trồng rau màu được khá nhiều nhà nông áp dụng.

rom-4.jpg
Sử dụng máy móc thu gom rơm rạ thay sức người, giúp nông dân tiết kiệm chi phí cải tạo đất - Ảnh: Trần Khải

“Dùng rơm rạ phủ đất canh tác sẽ giúp hạn chế xói mòn, giảm nhiệt độ mặt đất, tăng độ hấp thu nước, giảm bốc hơi thoát hơi nước giúp rau màu phát triển xanh tốt hơn”, ông Ẩn cho biết.

Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long cho hay việc đốt bỏ rơm rạ trên đồng vừa lãng phí, vừa tạo ra khói bụi gây ảnh hưởng xấu cho môi trường. Rơm là nguồn phân hữu cơ dồi dào, dùng che đậy, giữ ẩm cho đất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhiều loại cây trồng như rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng. Ðây cũng là nguồn thức ăn có thể trữ lâu dành cho trâu bò. Đồng thời, rơm rạ còn để che chắn, bảo vệ trái cây khi vận chuyển đi xa hay sử dụng trong một số lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, dùng làm hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng.

“Tiền công cuốn 1 cuộn rơm là 8.000 đồng, giá bán 1 cuộn rơm tại ruộng hơn 20.000 đồng. Ngoài ra, những chủ ruộng không có nhu cầu lấy rơm thì bán nguồn rơm lại với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/công giúp nhiều nông dân tăng thêm thu nhập”, ông Hiền cho biết thêm.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân miền Tây tăng thu nhập từ rơm rạ