Là một nghệ sĩ lớn, đứng trên sân khấu ngót nghét cũng gần 30 năm nhưng ngoài đời, NSƯT Hữu Châu lại giản dị đến bất ngờ. Anh giản dị từ bên trong con người của mình, trong từng câu nói, từng câu chuyện cho đến vẻ bề ngoài chân chất của một người nghệ sĩ. Giản dị là thế, nhưng Hữu Châu không hề dễ dãi trong công việc, anh cho rằng "nghệ sĩ đôi khi cũng cần phải biết từ chối"...
Gặp Hữu Châu tại nhà riêng trong một buổi chiều cuối tuần, anh khéo léo giao hẹn với tôi rằng chỉ nói chuyện công việc và không nhắc đến những chuyện xoay quanh cuộc sống của anh, nhất là những câu chuyện trước đây.
NSƯT Hữu Châu luôn sống cùng nhân vật của mình, khóc cùng nhân vật của mình trên sân khấu. |
Suốt đời là nghệ sĩ sân khấu
- Trong khi rất nhiều các nghệ sĩ trẻ bây giờ làm mọi cách để tung hô đời sống cá nhân của mình trước giới truyền thông, nhưng hình như lớp nghệ sĩ cũ như anh lại rất e dè về chuyện đó?
Chuyện của tôi, gia đình tôi lâu nay báo chí đã khai thác quá nhiều, khán giả hầu như ai cũng biết và đó là những câu chuyện buồn, rất buồn. Nhắc đi nhắc lại chỉ khiến bản thân mình thêm đau, thêm buồn. Tôi không muốn lợi dụng lòng thương của khán giả, không muốn khán giả nghĩ đến tôi là nghĩ đến những chuyện đau thương đó. Tôi muốn khán giả biết và yêu quý mình bằng chính những vai diễn, những cống hiến của tôi dành cho nghệ thuật.
- Nhắc đến nghệ thuật, anh nhận định thế nào về chỗ đứng của sân khấu kịch nói ở thời điểm hiện tại khi mà có quá nhiều những hình thức giải trí khác nhau?
Trong tình hình hiện tại, thực sự mà nói, khán giả đến với sân khấu kịch bây giờ không thể được như trước kia, vé bán ra rất khó. Vé bán không được, không có vốn để đầu tư những vở hay hơn, lớn hơn. Về cơ bản, kịch vẫn đang cố gắng để tồn tại giữa một rừng những thứ giải trí khác chứ không phải "sống".
- Anh có thể giải thích thêm cho khán giả hiểu, tại sao kịch bây giờ chỉ tồn tại mà không phải sống?
Ví dụ như kịch Tết, trước đây, kịch Tết từng được khán giả mong đợi và luôn trong tình trạng thiếu vé thì đến giờ khán giả cũng không còn mặn mà như trước. Kịch Tết bây giờ chỉ "sống" trong đúng dịp Tết, được một thời gian ngắn rồi biến mất. Trong khi các vở cũ trước đây diễn đi diễn lại hàng trăm lần vẫn đông khách. Một điều lạ nữa là, đến tận thời điểm hiện tại, dù không thể so sánh với trước kia nhưng khán giả đến xem các vở kịch cũ vẫn đông hơn các vở kịch mới.
- Ngoài lý do có quá nhiều những thứ giải trí khiến khán giả sao lãng, ít mặn mà với sân khấu kịch, anh có cho rằng bản chất của các vở kịch ngày nay cũng không còn hấp dẫn như trước đây?
Khán giả bây giờ rất tinh ý, kịch bản phải hay thì họ mới xem, mà kịch bản hay thì hiếm. Thêm nữa, về cơ sở vật chất, vì không có vốn nên các sân khấu bây giờ cũng không được đầu tư kĩ lưỡng, bao nhiêu năm nay vẫn thế. Trong khi, một vở kịch hay được quyết định bởi nhiều yếu tố chứ không chỉ nội dung. Âm thanh, ánh sáng, sân khấu...rồi đến cả chỗ ngồi cho khách cũng phải thật thoải mái. Về diễn viên cũng vậy, tính đi tính lại, mỗi sân khấu giờ trụ được cũng chỉ có vài người, anh em giờ vì miếng cơm manh áo cũng phải đi nhiều, sắp một vở kịch cũng khó.
Tôi cũng phải đi diễn hoài, bởi thực sự mà nói, đồng lương của diễn viên sân khấu khó mà có thể chi trả được cho những nhu cầu của cuộc sống hiện tại. Chính vì vậy anh em sân khấu phải làm thêm, phải đi đóng phim...Bản thân tôi cũng vậy. Từng này tuổi rồi, rồi cũng đến lúc phải nhường sân khấu cho các em trẻ nên cũng phải lo cho bản thân sau này để có chút gì đó dưỡng già. Chính vì vậy, tôi ủng hộ diễn viên đi làm thêm nhưng phải biết sắp xếp khoa học để vẫn có thời gian dành cho kịch. Phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho vở kịch mình nhận chứ không phải cứ đi làm ở bên ngoài đến mệt nhoài rồi đem nguyên cái thân mỏi mệt đó lên sân khấu kịch thì không được. Tôi không chấp nhận điều đó. Đã diễn là phải diễn cho đàng hoàng, không diễn vội, diễn cho có.
Vậy giữa diễn phim và diễn sân khấu kịch, cái nào có sức thu hút với anh lớn hơn?
- Tôi là diễn viên sân khấu, suốt đời là diễn viên sân khấu. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận vai trò của các vai diễn phim bởi điện ảnh và truyền hình đem lại thêm thu nhập cá nhân. Có thêm thu nhập, mình sẽ không phải đặt gánh nặng về kinh tế trong mỗi vai diễn trên sân khấu nên sẽ trọn vẹn hơn.
Nghệ sĩ là phải có lòng tự trọng, phải biết từ chối
NSƯT Hữu Châu cho rằng, người nghệ sĩ phải có lòng tự trọng và phải biết cách từ chối. |
- Trước sự phát triển như vũ bão của truyền thông, các chương trình truyền hình mọc nên như nấm sau mưa. Để thu hút khán giả, họ phải mời những nghệ sĩ nổi tiếng tham gia với tư cách là người chơi hoặc ban giám khảo, khách mời. Tuy nhiên, vì quá nhiều show truyền hình mà người nổi tiếng được công chúng mến mộ thì không nhiều, bởi vậy, một vài nghệ sĩ xuất hiện liên tục trên các chương trình truyền hình thực tế khiến khán giả cũng…ngán. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Mấy game show trên ti vi tôi rất ít coi, không phải vì ghét mà vì không thấy phù hợp với mình nên không coi. Ngay cả phim do mình đóng có khi tôi cũng không coi. Nhưng trên ti vi bây giờ có những game show tào lao quá, nói thì sợ mất lòng, nói thì vì mình không coi trọn vẹn, đôi lúc có những người có tên tuổi, vị trí rồi mà xuất hiện ở đó, tôi không hiểu để làm gì? Nếu để thêm tên tuổi thì đâu có gì đâu mà có khi còn bị “phản tác dụng” như bạn nói.
Còn mấy em nhỏ, nói đi nói lại cũng phải thông cảm, giờ diễn viên nhiều quá, ai cũng làm được, nên bằng mọi cách, các em phải xuất hiện trên các game show, giới thiệu gương mặt của mình để làm nổi tên tuổi mình. Tuy nhiên, không phải cái gì cũng nhận lời, nghệ sĩ là phải biết từ chối. Có cái nên nhận, có cái không nên và nếu đã nhận thì phải đảm bảo làm cho đàng hoàng, tử tế.
Có chương trình cũng từng mời tôi làm giám khảo nhưng tôi tự nhận thức được rằng mình không có kiến thức về lĩnh vực được mời nên phải từ chối dù cát sê của những chương trình đó rất cao. Ông Tổ chỉ cho mình biết diễn, ngoài ra không thể làm gì khác thì tốt nhất là không nên làm. Hơn nữa, lên đó xuất hiện phải đẹp phải kia, ăn mặc phải đẹp, mình thì muôn đời áo thun quần jean, mặc thoải mái quen rồi. Mặc đẹp là…không chịu được!
Có lần được mời đi trao giải trên truyền hình phải mặc veston lịch sự, tôi phải hỏi chính xác giờ trao giải, đến đúng lúc đó, trao giải xong tôi ra xe thay đồ về luôn vì không chịu được mấy bộ đồ veston. Bởi vậy, tôi gần như không bao giờ đi sự kiện. Phim nào được mời đóng phải trúng cái vai hay mặc vest là tôi phải từ chối vội! Người nổi tiếng ăn mặc đẹp là chuyện bình thường, chỉ có mình là hơi lệch, mình dân dã, mộc mạc quen rồi.
- Anh có cho rằng chính môi trường kịch nói làm cho mình giản dị hơn, không cầu kì, diêm dúa như showbiz ngoài kia ?
Tôi cho đó là một ý kiến đúng. Ngành giải trí bây giờ cạnh tranh nhiều quá, để được nổi tiếng, các em nhỏ bây giờ phải chứng tỏ bản thân. Phải ăn mặc đẹp, phải xuất hiện trên ống kính thường xuyên để được nổi tiếng. Có những người dù không được mời nhưng vẫn ăn mặc đẹp, đến tạo dáng chụp ảnh quay phim trước ống kính của phóng viên xong…đi về. Giống như là “ăn trực” vậy đó. Tôi khó lòng mà thông cảm được với những nhân vật này vì nghệ sĩ là phải có lòng tự trọng.
- Là một người tâm huyết đã gắn bó mấy chục năm với sân khấu, coi sân khấu như cuộc sống của mình, hẳn anh cũng có những dự định "để dành" cho các thế hệ diễn viên sân khấu sau này?
Tài sản lớn nhất của tôi sau mấy chục năm đi diễn là kinh nghiệm. Tôi vẫn dạy dỗ các em, các học trò của mình, truyền lại kinh nghiệm mà mình chắt chiu được từ người này người kia trong suốt thời gian dài đi diễn, truyền cho các em sự nhiệt huyết và cái tâm của người diễn viên sân khấu. May mắn sao, học trò của tôi ai cũng từ tốn, không chộp giật và làm việc rất có trách nhiệm với nơi đào tạo ra mình.
- Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện đầy thú vị!
Y.N