Hình ảnh Trịnh Công Sơn ôm đàn guitar hát “Huyền thoại mẹ” đã được NSƯT Trần Lực tái hiện gần như trọn vẹn.
Từ poster chính thức của phim Em và Trịnh được công bố vào buổi gặp gỡ đặc biệt của đoàn phim với báo giới TP.HCM hôm 18.5, hình ảnh của Trịnh Công Sơn thời trung niên do NSƯT Trần Lực thủ vai đã chính thức được lộ diện, và phía sau đó là những câu chuyện cảm động do đoàn làm phim kể lại.
Theo chia sẻ của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, vai diễn Trịnh Công Sơn thời trung niên từng khiến đoàn phim Em và Trịnh mất rất nhiều thời gian để lựa chọn trong 8.000 ứng viên và cái tên cuối cùng gắn kết với vai diễn đặc biệt này là NSƯT Trần Lực. Được biết, ngay cả khi chưa đi đến quyết định cuối cùng, nghệ sĩ Trần Lực đã đồng ý dành một tháng để thay đổi ngoại hình, gồm cả việc giảm 12kg và học thiền, để hóa thân vào Trịnh Công Sơn.
Trong buổi gặp gỡ báo chí tại TP.HCM nghệ sĩ Trần Lực cũng hé lộ một phần quá trình trở thành Trịnh Công Sơn. Ông hài hước cho biết tất cả các diễn viên trong phim đều phải “qua tay” nhạc sĩ Đức Trí để chuẩn bị cho phần thể hiện các ca khúc trong phim. Sau nhiều lần tập luyện thì nhạc sĩ Đức Trí phát hiện ra giọng của Trần Lực có chất khàn khàn của người hút thuốc lá giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên sau đó Đức Trí đã rót cho ông một ly rượu và khuyến khích ông hát ngay sau đó.
Sự cộng hưởng của rượu vào chất giọng khàn khàn của Trần Lực lúc đó cuối cùng cũng đã khiến nhạc sĩ Đức Trí thốt lên: “Đây rồi, giọng anh Sơn đây rồi".
Một phân đoạn ngắn trong phim Em và Trịnh được trình chiếu giới thiệu cho báo giới TP.HCM xem đã hé lộ câu chuyện về người nhạc sĩ tài hoa. Một ngày sau năm 1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện trên sân khấu của một chương trình văn nghệ thì thì bỗng nhiên điện cúp, nhưng ông quyết định ôm đàn guitar hát ca khúc Huyền thoại mẹ trong ánh đèn pin làm minh họa của khán giả. Tiếng hát của người nghệ sĩ khiến cho cả khán phòng lắng đọng trong niềm xúc động…
Nói về phân cảnh này, nghệ sĩ Trần Lực chia sẻ: “Tôi nghĩ ai hát về mẹ cũng xúc động vì ai cũng có mẹ. Tôi và anh Sơn đều là niềm tự hào của mẹ và đều rất yêu mẹ. Chỉ khác là anh Sơn là con cả, bố anh mất sớm, mẹ anh một mình nuôi 8 anh em anh. Tái hiện hình ảnh anh, tôi cũng nhớ về mẹ tôi. Tôi là con út, được mẹ chiều lắm. Tôi nhớ mãi trên đường đi sơ tán năm 1972, giữa tiếng còi báo động, mẹ cứ ôm lấy tôi trên chiếc xe tải đưa chúng tôi rời Hà Nội”.
Ở tuổi sắp lục tuần, NSƯT Trần Lực đã đi qua những năm tháng trẻ tuổi sôi nổi lẫn những lúc tạm dừng chân để chiêm nghiệm cuộc đời.
Trần Lực bồi hồi nhớ lại những năm sau 1975, những năm tháng cả một thế hệ say mê nhạc Trịnh. “Hồi đó âm nhạc của ông Sơn là những giai điệu và ca từ đẹp khiến những tâm hồn tươi trẻ của chúng tôi cảm thấy yêu đời, yêu người khi ôm đàn hát. Những năm 1990 lứa chúng tôi chững chạc hơn, tôi cảm nhạc Trịnh sâu sắc hơn, cảm được thế giới trong âm nhạc của ông rộng lớn, khúc chiết, đầy tình yêu thương. Những ca khúc của Trịnh Công Sơn khiến người nghe trăn trở về cuộc đời để sống tốt hơn”.
Có một lần vào TP.HCM đóng phim hồi thập niên 90, Trần Lực được bạn bè rủ đến nhà Trịnh Công Sơn chơi nhưng vì vướng lịch quay nên không đi được, đành tự xem như duyên chưa đến. Còn bây giờ cơ duyên lại dẫn dắt ông đến với vai diễn Trịnh Công Sơn trong Em và Trịnh, đem đến một chàng Trịnh ở tuổi lục tuần vẫn đầy chân thành và mộng mơ.