Một tháng sau ngày Một Thế Giới đăng tải bài viết về bà cụ Lê Thị Quý, 80 tuổi sống neo đơn trong con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM chuyên cưu mang những chú chó mèo bị bỏ rơi, cuộc sống tĩnh lặng của bà bỗng trở nên chộn rộn vui buồn. >>Ngọc Hân đến thăm cụ bà 60 năm cưu mang mèo, chó bị bỏ rơi >>Cụ bà 60 năm cưu mang mèo, chó bị bỏ rơi
Tấm lòng bạn đọc khắp nơi, từ trong và ngoài nước tìm đến sẻ chia đồng cảm. 60 năm cô đơn trong bóng tối, người mẹ già chưa quen, nên như choáng ngợp trước ánh sáng lòng tình người, của lòng trắc ẩn.
Một tháng. Người viết bài nhận được hàng trăm cuộc điện thoại bạn đọc xin hướng dẫn địa chỉ để giúp đỡ bà Quý. Người Nam, người Bắc, có những cuộc giữa đêm vì chủ nhân gọi từ nước ngoài. Tôi tận tình hướng dẫn, khấp khởi vui mừng.
Kẻ xấu trà trộn vào bắt mất 8 con mèo con
Tôi lại đến căn nhà nhỏ ẩm thấp. Lần thứ hai, đã quen với mùi chó mèo sực nức. Quen với hình ảnh bà cụ ngồi giữa nhà cười nhìn lũ mèo quấn quýt xung quanh.
Nhưng lần này là một hình ảnh khác. Cụ ngồi giữa nhà, mắt lim dim ngủ gật. Những đường gân xanh căng phồng trên gương mặt hốc hác.
“Hổm rầy nhiều người đến thăm. Dì vui lắm. Nhưng thiếu ngủ, cũng mệt lắm con à”- bà nói.
Một tháng qua, ngày nào cũng có vài chục người đến hỏi han chia sẻ. Có khi “tiếp khách” từ sáng đến tối, dọn vệ sinh cho lũ chó mèo xong thì đã ba bốn giờ sáng mới đi ngủ được. Bà mệt lừ thiếp đi. Sáng đã có người kêu cửa. Không còn sức lực để đi chợ buôn bán.
“Cả đời gì chưa bao giờ vui như vầy. Nhưng con nhắn bà con đến vào buổi chiều nha con. Cả ngày, gì mệt lắm con à. Có sao gì nói vậy, đừng giận gì”- bà lắp bắp.
Nhà bà Quý đang được sơn sửa lại
Tôi thấy lòng mình thắt lại. Những lần ôm bà. Tôi chỉ ước gì có thể gánh bớt cho bà hơi thở khò khè đè nặng khuôn ngực. Bệnh tim mãn tính cộng với tuổi già khiến bà tiều tụy.
“Chừng nào con về ghé chợ nói với mấy đứa nhỏ bán hành gì vẫn khỏe. Dạo này gì ít ra chợ, chỉ sợ bà con lo mình có chuyện gì...!”- bà nói.
Bà kể tiếp, nhiều cuộc thăm hỏi cả trăm người đến. Có kẻ xấu trà trộn vào bắt mất 8 con mèo con. Kể đến đó, mắt cụ rưng rức. Tôi hiểu, đó không khác gì nỗi đau của người mẹ mất con.
Tôi nhớ những lần bà cho mèo con bú sữa. Tay phải bà quàng vòng ôm lấy thân, bàn tay gầy guộc đỡ lấy những cái đầu nhỏ xíu. Tay trái bà cầm bình sữa có núm vú. Miệng bà chúm chím, lắc lư cổ động những chú mèo, ân cần như mẹ.
Tôi nhớ những lần cụ kể chuyện những chú chó, chú mèo qua đời hoặc lạc mất. Giọng nói đứt quãng, nghẹn lại nơi ngấn cổ. Con nào ra đi, bà đều khóc, đều mơ thấy chúng hiện về khi ngủ.
Viết vậy, để mong đừng ai bắt mèo của bà cụ nữa. Nó khác nào tước đoạt của cụ thêm từng hơi thở... Để bạn đọc có thăm hỏi chia sẻ, thì đến nhà cụ buổi chiều. Của cho không bằng cách cho. Để tôi thôi day dứt cảm giác có khi lòng tốt mù quáng của mình đang làm khổ bà!
"Lũ Mimi khỏe mạnh là dì ngủ ngon..."
Dĩ nhiên. Đưa chuyện không vui lên trước là để chuyện vui đọng lại. Bà kể cho tôi rất nhiều. Từ khi đăng báo. Nhà bà tràn ngập hai thứ: Nụ cười và...gạo. Cơ man nào là gạo. Ai đến thăm cũng cho gạo. Có lúc hoa hậu Ngọc Hân đến nhà loay hoay mãi mới có chỗ ngồi vì xung quanh gạo chất đống.
Tôi nhớ những lần cụ kể chuyện những chú chó, chú mèo qua đời hoặc lạc mất. Giọng nói đứt quảng, nghẹn lại nơi ngấn cổ. Con nào ra đi, bà đều khóc, đều mơ thấy chúng hiện về khi ngủ.
“Người cho tiền, người cho gạo. Thiệt tình gì không biết làm gì cho hết. Con nhắn bà con đừng cho nữa, gì và lũ chúng nó đủ rồi. Để dành cho người khổ hơn con à! ”- Bà vỗ tay tôi dặn dò.
Bà cảm động nhất là nhiều nữ sinh viên thỉnh thoảng ghé phụ dọn nhà giúp bà. Có vị bác sĩ thú y tìm đến khám bệnh cho lũ chó mèo không sót con nào. Khám đến giữa đêm mới chịu về. Có đôi vợ chồng tận bên Mỹ về đến thăm bà hai ba lần trước khi đi. Nhiều lắm những tấm lòng, bà không nhớ hết.
Ngày tôi đến. Có đoàn của doanh nghiệp đến sơn sửa lại nhà. Bà Quý tần ngần giữa nhà nhìn quanh. Căn nhà sơn trắng toát, cửa sổ sơn màu xanh. Cánh cửa cổng sắt hoen gỉ được hàn lại chắc chắn hơn.
“Cản tụi nó hoài không được. Gì còn sống mấy năm nữa đâu”, tôi thấy ánh mắt bà hướng về những cái lồng nhốt mèo mới và hiểu đó mới là thứ bà vui nhất.
Căn nhà tươm tất, sáng sủa dần. Những người thợ mua cả đèn cầy và khóm về khử mùi. Nơi ở mới của lũ Mimi (cách bà gọi lũ mèo) sạch sẽ hơn. Tôi áy náy khi nhìn thấy chiếc ghế bố sờn cũ mọi khi bà vẫn ngủ.
“Mấy chục năm quen vậy rồi. Giờ ngủ giường ngủ nệm gì không quen đâu. Miễn sao lũ mimi khỏe mạnh là dì ngủ ngon mà”-bà khoát tay nói.
Bà Quý cùng phóng viên Kiến Giang báo Một Thế Giới
trước căn nhà mới Nhắc đến mình, bà vẫn thường nghĩ đến thời gian ngắn ngủi trước mắt như hạn định của trời đất. Tôi thấy bà nhìn lũ mèo mãn nguyện. Bà khoe với tôi là “người thừa kế” chúng nó đã sẵn sàng đón nhận bất cứ lúc nào. Thậm chí còn muốn đón sớm để bà yên dưỡng nhưng bà không chịu.
“Khi nào kiệt sức gì sẽ gọi người ta. Còn sống được giờ nào bên chúng gì quý giờ ấy con à”-bà nói nhẹ nhàng.
Chia tay tôi, bà Quý cười rất tươi. Lần đầu tiên tôi thấy bà cười. Một nụ cười mãn nguyện. Nụ cười giúp tôi vơi đi cảm giác day dứt ban đầu khi mình phát hiện ra chuyện này để trăn trở quyết định có nên đưa lên báo hay không? Bởi đôi khi sơ ý sẽ làm phiền người khác! Để hây giờ tôi tin rằng mình đã quyết định đúng. Đưa được những tấm lòng đến với một tấm lòng...
>>Ngọc Hân đến thăm cụ bà 60 năm cưu mang mèo, chó bị bỏ rơi
>>Cụ bà 60 năm cưu mang mèo, chó bị bỏ rơi
Kiến Giang
Kỳ tới: Có một "truyền nhân" nửa đời cưu mang mèo