Mặc dù gánh hàng nghìn tỉ đồng nợ, nhưng dàn lãnh đạo Công ty Mua bán nợ Việt Nam vẫn ghi nhận mức thu nhập "khủng" trong năm hoạt động 2016.
Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) mới đây đã hé lộ nhiều thông tin về tình hình hoạt động, thu nhập năm 2016 của lãnh đạo công ty. Theo đó, năm 2016, công ty đã chi hơn 55 tỉ đồng để chi trả cho 192 nhân sự với mức lươngbình quân là 29 triệu đồng/người/tháng. DATC có 9 lãnh đạo cấp quản lý thì mức lươngbình quân của mỗi sếp trong năm 2016 dao động từ 45-55 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, lãnh đạo có mức thu nhập cao nhất của DATC là ông Lê Hoàng Hải - Chủ tịch HĐTV với663 triệu đồng/năm. Theo đó, mỗi tháng ông Hải nhận khoảng 55,25 triệu đồng.
Đứng thứ hai là Tổng giám đốc Lương Hải Sinh có mức thu nhập622 triệu đồng/năm, như vậy mỗi tháng ông Sinh nhận được 51,83 triệu đồng.
Trong khi đó, các phó tổng giám đốc và kiểm soát viên cùng ghi nhận mức thu nhập591 triệu đồng/năm (tương đương 49,25 triệu/tháng). Kế toán trưởng cũng nhận mức lương khoảng 46 triệu đồng/tháng, tương đương 550,8 triệu đồng/năm.
Về giải pháp nguồn nhân lực, DATC cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức phù hợp với Đề án nâng cấp DATC trở thành Tổng công ty. Xây dựng kế hoạch lao động trên cơ sở định biên lại lao động gắn với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị thuộc công ty. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục đánh giá, phân loại cán bộ qua quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, trên cơ sở đó để có căn cứ quy hoạch và bổ nhiệm...
Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016, DATC cho biết doanh số mua nợ, tài sản đạt 2.244 tỉ đồng, doanh thu đạt 2.006 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 386 tỉ đồng.
Năm 2017, DATC đặt mục tiêu đạt 2.400 tỉ đồng doanh số mua nợ, tài sản, 2.250 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 390 tỉ đồng. Tổng quỹ lương là 71,94 tỉ đồng, trong đó quỹ lương quản lý là 5,67 tỉ đồng, quỹ lương lao động là 66,3 tỉ đồng. Tổng số lao động năm nay ước tính là 235 người.
Trong bối cảnh nhu cầu xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp gia tăng mạnh về giá trị khoản nợ, DATC nhận định tổng doanh số mua nợ của công ty sẽ tăng 30% so với năm 2016. Trong đó, công ty sẽ tập trung khai thác nợ từ các ngân hàng, doanh nghiệp...
Ngoài ra, DATC cũng sẽ mua nợ theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty thông qua việc phát hiện những đơn vị gặp khó khăn về tài chính khi thực hiện cổ phần hóa để đề xuất Chính phủ giao tái cơ cấu thông qua mua bán nợ, xử lý tài chính...
Tháng 5 vừa qua, tại báo cáo công khai tình hình tài chính của DATC 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tài chính cho biết công ty này đang phải gánh khoản nợ phải trả lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Cụ thể, tính đến ngày 30.6.2016, nợ phải trả của DATC là hơn 21.097 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 446 tỉ đồng, nợ dài hạn hơn 20.000 tỉ đồng.
DATC cho rằng, rủi ro đối với việc trả nợ là thấp. Công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ dòng tiền hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn. Hiện, DATC đang phải xử lý tài chính, tái cơ cấu nợ cho việc làm ăn thua lỗ của Vinashin, Vinalines, Công ty CP thực phẩm miền Bắc (thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam), Tổng công ty Haprocimex.
Công ty này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.1.2004, là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt theo Quyết định số 55/2004/QĐ - TTg ngày 6.4.2004 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất.
Ngày 29.4.2014, công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) do Nhà nước làm chủ sở hữu. Khoảng cuối năm 2015, Công ty được tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng.
Tuyết Nhung