Cái thói nhắm mắt ký bừa, đến khi bể chuyện lại quanh co đổ tại chữ nghĩa, câu từ, tại văn bản à ơi. Cái văn bản mà biết nói năng thì liệu thần hồn với nó.

Ỡm ờ văn bản quy trình, trách nhiệm... quy trình

14/06/2017, 11:20

Cái thói nhắm mắt ký bừa, đến khi bể chuyện lại quanh co đổ tại chữ nghĩa, câu từ, tại văn bản à ơi. Cái văn bản mà biết nói năng thì liệu thần hồn với nó.

Cuối cùng thì chiều 13.6 trước Quốc hội, ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đứng ra nhận lỗi, nhận trách nhiệm cá nhân về những việc gây ồn ào dư luận của ngành mình trong thời gian qua. Trên nghị trường, khi một số đại biểu chất vấn về những vụ tai tiếng nổi cộm xảy ra ở Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch, ông Thiện nói “Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm”.

Nhân chuyện ông Thiện, lại nhớ đến một trong các nguyên nhân dẫn tới những lùm xùm vừa qua. Đó là cái sai về văn bản, liên quan đến văn bản.

Gần đây nhất là chuyện ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phân trần về công văn ngày 2.6 của Tổng cục gửi lên Bộ, kiến nghị phải “xử lý” ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sau những phát ngôn của ông Vinh. Ông Tuấn thừa nhận việc ra văn bản trên có sai sót nhưng lại cố thòng rằng “chúng tôi nhận sai sót trong việc dùng câu từ trong văn bản, sử dụng từ ngữ trong văn bản. Tôi không hiểu nhầm chỉ đạo của Phó thủ tướng mà chỉ là khi viết văn bản không rõ nghĩa…”.

Đến khổ, soạn một văn bản ở cấp tổng cục để trình lên cấp bộ mà cứ như người ta viết thư tay cho nhau, từ ngữ câu chữ nhôm nhoam thế nào cũng được. Nếu đúng như ông Tuấn nói thì quả thật rất nguy hiểm, công văn nhà nước chỉ đạt trình xóm ấp thế còn ra thể thống gì. Cả đội ngũ những chuyên viên, công chức (chắc chắn trình độ, học vấn rất cao) soạn cái công văn cũng chả ra hồn, vậy họ ngồi đó làm gì nhỉ. Là đội ngũ tham mưu, giúp việc cho cấp trên, còn bao nhiêu sự vụ quan trọng khác phải cáng đáng, thế mà soạn công văn, một việc hành chính thuộc loại đơn giản nhất mà không nên thân, cần phải xem lại những con người như vậy.

Nhưng dư luận cũng hồ nghi cách giải thích của ông Tổng cục trưởng Tuấn. Nhiều người lên mạng xã hội chê cười, bảo rằng đó là thói vòng vo, đổ thừa, chạy lỗi. Dư luận phân tích thế ông làm sếp làm gì, chỉ nhắm mắt ký bừa à. Cấp dưới viết gì cũng OK à? Ít nhất cũng phải đọc, phải biết nội dung văn bản ra sao chứ. Với những vụ việc hệ trọng (như vụ liên quan đến quy hoạch bán đảo Sơn Trà đang nóng rẫy) càng phải đọc kỹ, soi kính lúp mà dò từng câu từng chữ, từng cái dấu phẩy. Chứ đâu có cái thói nhắm mắt ký bừa, đến khi bể chuyện lại quanh co đổ tại chữ nghĩa, câu từ, tại văn bản à ơi. Sao không nhớ câu "bút sa gà chết". Cái văn bản mà biết nói năng thì liệu thần hồn với nó.

Hầu như ai cũng hiểu việc soạn văn bản công vụ có yêu cầu cao và chặt chẽ, ban hành văn bản lại càng cao, càng kỹ lưỡng và chặt chẽ hơn. Có hẳn quy trình, người soạn thảo nội dung, người coi lại, người đánh máy, người thẩm định ký nháy, người ký duyệt cuối cùng. Chặt chẽ kín kẽ đến mức sai là điều ít xảy ra. Thậm chí ở những trường hành chính người ta còn dạy học viên rằng soạn văn bản đúng rất dễ, để nó sai mới khó. Văn bản có tính nhà nước lại càng chuẩn, càng chặt. Lý thuyết là vậy, còn thực tế lại hoàn toàn khác. Những sai sót liên quan đến văn bản nhiều năm qua trong bộ máy công quyền đã chứng minh khâu này rất yếu, thậm chí sai sót, vi phạm chết người.

Chỉ có điều, mỗi khi xảy ra chuyện này chuyện nọ, thường cấp trên tìm cách đổ cho người khác, chỉ ra những nguyên nhân khá nực cười. Ít khi họ, tức là người chịu trách nhiệm cao nhất về những văn bản ấy, lại tự nhận lỗi về mình. Đùn đẩy, né tránh đủ kiểu. Có lẽ nhiều người còn nhớ vụ sai sót nghiêm trọng thông tin chủ quyền quốc gia trên báo điện tử của đảng, ông Tổng biên tập sau một hồi phân trần đã cố vớt vát rằng do người đánh máy không hiểu ý, tùy tiện bớt này thêm nọ. Rồi những vụ Công an huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) ra công văn cảnh báo có người lạ bắt hàng chục trẻ em mổ lấy nội tạng khiến xã hội đầy lo lắng bất an; vụ chính quyền Hà Nội trồng cây mỡ nhưng khăng khăng bảo cây vàng tâm… cuối cùng đều quy “tội” do người đánh máy. Dân gian cười bảo tại “thằng đánh máy” là đứa thấp cổ bé họng nhất trong cái quy trình chặt chẽ ấy nên cứ có gì sai là nó chịu, không kêu vào đâu được. Thấp nhất thì phải chịu. Luật xưa nay đã đúc kết rồi, “xẻng cuốc từ dưới lên, đường sữa từ trên xuống”, ráng mà chịu, "oan này còn một kêu trời nhưng xa".

Hồi xưa người ta lưu truyền giai thoại có ông quan to mắt nhắm mắt mở ký toẹt cả văn bản ghi nội dung bán cầu Long Biên (thứ không thể nào bán được), sau ổng phân trần tại cấp dưới nó đùa, nó đưa nên tôi cũng ký đùa. Đổ cho cấp dưới, cho thằng đánh máy mãi cũng chán cũng nhạt, sau này các sếp rút kinh nghiệm, hễ sai thì đổ cho quy trình (tại làm không đúng quy trình), đến lúc không thể chối được nữa thì đổ tại từ ngữ, câu cú. Chả biết mai này người ta còn tìm ra thêm cái hố rác mới nào không để trút cái sai, sự vô trách nhiệm của bản thân vào đó.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ỡm ờ văn bản quy trình, trách nhiệm... quy trình