Tối 24.8, chương trình nghệ thuật mùa Vu lan 2023 mang tên "Ơn nghĩa sinh thành" đã được diễn ra tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
Với quy mô tổ chức và dàn dựng công phu, cùng sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng, “Ơn nghĩa sinh thành" năm 2023 do báo Tuổi trẻ Thủ đô và Oscar Medida tổ chức tạo nên một chương trình nghệ thuật sâu lắng, giàu xúc cảm, ngợi ca công ơn của cha mẹ. Chương trình mong muốn góp phần gìn giữ những giá trị nhân bản trong truyền thống của người Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”; Nhắc nhở bổn phận người làm con phải làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà.
Không đi sâu vào việc chia sẻ giáo điều, chương trình "Ơn nghĩa sinh thành" năm 2023 đã viết nên một câu chuyện về tính nhân văn thông qua các ca khúc mở màn là lời ru của mẹ, tiếng chuông chùa vang vọng nhắc cho chúng ta về nguồn cội của từng con người.
"Chim trời ai dễ đếm lông, nuôi con ai nỡ tính công tháng ngày. Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con"...
Cả không gian như chìm đắm trong tiếng nhạc với ca khúc "Bông hồng cài áo" do chính nam ca sĩ Quang Dũng thể hiện.
Có lẽ với con người Việt Nam, mùa Vu lan không ai là không biết đến bông hoa hồng đỏ biểu trưng cho những ai đang còn cha, còn mẹ. Những bông hoa hồng trắng là dành niềm tiếc thương cho những ai đã không còn cha, còn mẹ của mình. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ cha, dù người đã khuất. Người được hoa hồng đỏ sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, còn cha và sẽ cố gắng để làm vui lòng cha mẹ, kẻo một mai người khuất núi thì có khóc thương cũng không còn kịp nữa.
Đáng chú ý nhất có lẽ là tiểu phẩm "Báo hiếu" của các diễn viên thuộc nhà hát Tuổi trẻ. "Báo hiếu" chính là câu chuyện rất đời đề cập đến vấn đề con cái khi lớn lên, dành thời gian cho các công việc khác ngoài xã hội mà quên mất bổn phận làm con. Đó là việc đùn đẩy chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ về già, coi đó là "gánh nặng" của chính gia đình mình. Một đề tài cũ nhưng không bao giờ lạc hậu ở chính các gia đình hiện đại và càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết khi con người cứ mải mê kiếm lợi danh mà quên đi trách nhiệm làm còn và quên công ơn dưỡng dục của cha mẹ mình. Thông qua tiểu phẩm này, những người thực hiện chương trình muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo nghĩa, tình cảm gia đình để mỗi người xem sẽ rút ra những bài học cho riêng mình.
Có lẽ, câu chuyện không của riêng ai - không của riêng gia đình nào nhưng mỗi người xem đều cảm nhận theo cách riêng của chính mình. Để rồi khi kết thúc tiểu phẩm, câu nói ám ảnh người nghe nhất chính là câu của người cháu: "Nhớ nhé, nhớ nhé.... Sau này ông sẽ cho ra đường tất"!
Câu nói tưởng chừng như "rất hỗn" nhưng lại là lời cảnh tỉnh sâu sắc nhất tới từng bậc làm cha, làm mẹ. Hôm nay là cha mẹ, ngày mai sẽ là ông bà. Hôm nay là con cái, ngày mai sẽ là cha mẹ. Cuộc sống xoay vòng, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, nếu con người mang lòng báo hiếu hay sự bất hiếu thì điều này sẽ được dịch chuyển từ ông bà sang cha mẹ và đến con cháu. Bông hồng báo hiếu sẽ nở rực rỡ cho thế hệ mai sau, chính là lời nhắc nhở xuyên suốt của chương trình dành cho tất cả chúng ta.
Mỗi câu chuyện âm nhạc là một tiếng lòng chạm đến trái tim của mỗi người. Đây là giây phút để những người thân yêu được ngồi lại với nhau, lắng nghe lời ca tiếng nhạc để cảm nhận không khí gia đình hay những người con ở bốn phương được gửi gắm nỗi nhớ mong của mình với cha mẹ già nơi quê nhà yêu dấu.
Với tấm lòng biết ơn vô hạn dành cho ông bà, cha mẹ, đêm nhạc "Ơn nghĩa sinh thành" một lần nữa đã thắp sáng một niềm tin vào tình yêu của mỗi người đối với các bậc sinh thành của mình. Đây cũng chính là món quà vô giá mà BTC muốn dành tặng cho tất cả các khán giả tham dự chương trình cũng như khán giả cả nước như một lời tri ân sâu sắc tới "những vị Phật sống trong mỗi gia đình chúng ta".