Nếu quân đội Syria tấn công vùng Idlib thì có nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngưng bắn Astana, theo lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhắc Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Reuters ngày 15.7 dẫn nguồn tin từ văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết ông Erdogan đã gọi điện thoại cảnh báo Tổng thống Ngahôm 14.7.
Tổng thống Erdogan lo ngại cách đối xử với quân nổi dậy ở Deraa, Idlib
Cuộc điện thoại này tiếp sau việc chính phủ Syria thượng cờ ở vùng Deraa ở phía tây nam Syria hôm 12.7, khẳng định tái chiếm nơi từng bắt đầu cuộc nổi dậy hồi năm 2011, và quân nổi dậy đã kiểm soát vùng này từ đó đến nay.
Từ ngày 19.6, quân đội Syria và máy bay Nga tấn công quân nổi dậy ở các vùng quanh Deraa và tỉnh Quneitra lân cận. Cuộc tấn công ồ ạt này chỉ kết thúc bằng lệnh ngưng bắn ngày 6.7.
Nguồn tin nói Tổng thống Erdogan tỏ ý lo ngại việc đối xử với dân thuờng ở đó, và ông nói nếu chính phủ Syria tấn công vùng Idlib theo cách tương tự, thì nội dung thỏa thuận Astana có thể bị phá hủy hoàn toàn.
Nhờ Nga và Iran giúp sức, quân đội Tổng thống Bashar al-Assad đã tái chiếm hầu như toàn bộ Syria, nhưng quân nổi dậy chống Assad vẫn kiểm soát Idlib ở vùng tây bắc, trong khi quân người Kurd kiểm soát vùng đông bắc và một vùng lớn ở miền đông Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã lập nhiều chốt quan sát ở Idlib, như một phần của thỏa thuận mà Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được ở thủ đô Astana của Kazakhstan hồi năm ngoái, nhằm hạn chế chiến tranh giữa quân chính phủ Syria với quân nổi dậy tại những vùng phi chiến sự.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói điều quan trọng là phải tránh “các diễn biến xấu” ở Idlib, theo hướng khuyến khích các phe nổi dậy chịu dự cuộc họp ở Astana vốn dự kiến diễn ra trong hai ngày 30, 31.7 tới.
Điện Kremlin ra tuyên bố xác nhận ông Putin có cuộc điện thoại với ông Erdogan hôm 14.7, và nói hai nhà lãnh đạo đã bàn các nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria. Ông Putin cũng chúc mừng ông Erdogan vừa tái đắc cử tổng thống.
Nội chiến Syria đã làm chết hơn 350.000 người, làm hàng triệu người mất nhà cửa, kể từ khi bùng phát năm 2011.
Tổng thống Erdogan trong một cuộc gặp Tổng thốngPutin - Ảnh: Reuters
Quân đội Israel bắn rụng UAV của Syria, Iran từ chối rút quân
Trong khi đó, quân đội Israel (IDF) hôm 13.7 đã bắn hạ một máy bay không người lái quân dụng (UAV) của Syria bay vào Cao nguyên Golan ở tây nam Syria, chỉ một ngày sau khi quân đội Syria tuyên bố tái chiếm Deraa.
Đây là chiếc UAV thứ hai bị IDF bắn rơi trong vòng 3 ngày. Ngày 11.7, một chiếc UAV xâm nhập không phận Israel và đã bị tên lửa Patriot bắn rơi ở gần vùng biển Galilee hôm 11.7.
Israel nói chiếc UAV này không có vũ khí, được thiết kế để do thám. Các vụ bắn rơi UAV này tăng bất ổn ở vùng biên giới, đặt quân đội Israel ở trong tình trạng báo động cao, vì quân Syria tấn công quân nổi dậy ở vùng lân cận Cao nguyên Golan (Israel chiếm của Syria năm 1967 và không được quốc tế công nhận).
Israel lo ngại Tổng thống Assad cho phép quân Iran và tổ chức vũ trang Hezbollah củng cố chiến hào gần biên giới Israel, hoặc quân Syria có thể thách đố thỏa thuận phi quân sự hóa Cao nguyên Golan (ký năm 1974 và LHQ giám sát khâu thực thi).
Từ khi Nga can thiệp quân sự, giúp quân đội Syria giành lại ưu thế trong cuộc nội chiến 3 bên, Nga “nhắm mắt làm ngơ” hàng loạtvụ Israel không kích quân Iran và lực lượng vũ trang Hezbollah hoặc các cuộc chuyển vũ khí, đồng thời tuyên bố Nga muốn bảo vệ ông Assad.
Israel cũng phát tín hiệu sẵn sàng lập quan hệ với chế độ Assad, như ngầm công nhận ông Assad đang giành lại quyền lực vì đã gần như đánh bại quân nổi dậy.
Ngày 11.7, một quan chức cấp cao Israel giấu tên nói với Reuters: ở cuộc gặp Tổng thống Nga, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nói với ông Putin, rằng Israel sẽ không tìm cách lật đổ Tổng thống Assad, nhưng Moscow nên khuyến khích quân Iran rút khỏi Syria.
Tuy nhiên, ngày 13.7, cố vấn chính sách đối ngoại Ali Akbar Velayati của Giáo chủ Ali Khamanei nói quân Iran sẽ vẫn ở lại Syria, bất chấp sự phản đối của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Velayati nói: “Chúng tôi đến đó mà không cần giấy phép của Mỹ và chúng tôi sẽ không chấp nhận yêu cầu của họ”.
Một ngày trước đó, ông Velayati đã có cuộc gặp ông Putin. Không rõ ông Putin có yêu cầu quân Iran rút hay không, dù đã có các đàm phán để quân Iran rút khỏi vùng biên giới giáp Israel.
Một quan chức Israel giấu tên nói Nga đang nỗ lực ngăn quân Iran đến Cao nguyên Golan và đề nghị nên giữ họ ở khoảng cách 80 km.
Iran xem sự hiện diện ở Syria là để giành tầm ảnh hưởng khu vực với Israel và các đồng minh Vùng Vịnh của Mỹ. Tehran cũng tính chi hàng tỉ USD để tái thiết Syria sau khi cuộc nội chiến kết thúc.
Ngày mai 16.7 sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai vị Tổng thống Mỹ-Nga ở thủ đô Helsinki của Phần Lan.
Theo báo Washington Times, có thông tin hai ông Putin-Trump có thể chuẩn bị một thỏa thuận về tương lai của Syria, gồm Iran rút quân khỏi Syria.
Bích Ngọc (theo Reuters, Washington Times)