“Ở tuổi lục tuần, nếu vui Tết là vui với con cháu nhưng số tui không có duyên với con cháu, nên Tết thường dành thời gian để tịnh tâm, nghỉ ngơi và nghiền ngẫm cuộc đời...” - Nghệ sĩ Lê Bình trầm ngâm.

'Ông già nam bộ' Lê Bình: ‘Tết kiếm tui chớ tui không tìm Tết’

Một Thế Giới | 21/02/2015, 16:00

“Ở tuổi lục tuần, nếu vui Tết là vui với con cháu nhưng số tui không có duyên với con cháu, nên Tết thường dành thời gian để tịnh tâm, nghỉ ngơi và nghiền ngẫm cuộc đời...” - Nghệ sĩ Lê Bình trầm ngâm.

Trót mang lấy nghiệp vào thân...
Chiều cuối năm, chiều vội vã rơi trên khuôn mặt đầy nỗi lo toan, “Ông già nam bộ” hối hả đến điểm hẹn tại Sài Gòn sau cảnh quay sáng ở tận Lái Thiêu (Bình Dương). Tựa lưng thành ghế, ông bắt đầu với câu chuyện “thân tằm nhả tơ” của đời mình.
Sau khi chia tay người vợ chung sống 37 năm, lưng ông còng xuống bởi phải gánh những món nợ lớn trên vai – những món nợ do chính người thân của mình tạo ra. Mọi thứ dường như thay đổi theo thời gian, chỉ có tình yêu ông dành cho nghiệp diễn là luôn trọn vẹn.
Le Binh
 
Hoàn thành vai ông Lượm trong phim Sức nặng tình thâm của hãng phim Vietcom do nghệ sĩ Nhật Trung làm đạo diễn, nghệ sĩ Lê Bình được mời vào vai ông Năm trong phim Tơ Duyên của hãng phim Quốc Minh, bộ phim đang trong thời gian quay và dự kiến qua Tết sẽ hoàn thành.
Cuối năm 2014 ông còn được mời tham gia phim nhựa, với những vai “nhỏ xíu” như phim Quyên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, phim Ma Dai của đạo diễn Đức Thịnh và Mạnh Duy. Ông cũng vừa trở về từ Tuy Hòa (Phú Yên) sau khi thực hiện xong những cảnh quay của mình trong phim Tôi thấy hoa vàng trên thảm cỏ xanh của đạo diễn Vitor Vũ.
Bên cạnh việc đi quay ở phim trường, nghệ sĩ Lê Bình vẫn dành thời gian để tham gia chương trình Bạn nhà nông của Đài truyền hình Vĩnh Long và chương trình Sức khỏe là vàng của Đài truyền hình Đồng Tháp. Theo ông thì đây là hai chương trình khoa giáo mà ông gắn bó đã lâu và đặc biệt yêu thích, nên dù bận bịu thế nào ông cũng phải dành thời gian cho chương trình. Ngoài ra, ông vẫn diễn kịch đều đặn ở Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, quận 3.
Nhắc đến những dự định cho Tết, nghệ sĩ Lê Bình trải lòng: “Thiệt tình tui chưa một lần được đi du lịch nước ngoài, chẳng hạn như Lào và Campuchia là những nước gần nhất nhưng tui cũng chưa từng đặt chân tới. Sau những biến cố gia đình, tui cũng có ý định Tết nầy đi du lịch nước ngoài cho biết với người ta, thí dụ đi Thái Lan chẳng hạn. Nhưng rồi nghĩ lại, tui đi rồi Tết không ai nấu cơm làm canh thờ cúng ông bà... nên thôi!”.
Le Binh
 
Trên sân khấu hay trong màn ảnh nhỏ, người ta nhìn thấy một Lê Bình láu táu, vui vẻ, hài hước bao nhiêu thì ngoài đời, ông lại tự nhận mình là người nghiêm nghị và khó khăn ngay với chính bản thân mình bấy nhiêu. Thế cho nên, ông thường bị bạn bè, người thân trách móc bởi sự “thiếu ngoại giao”. Nhưng nỗi lòng biết tỏ cùng ai, ông tâm sự: “Quanh năm suốt tháng tất bật với công việc, nên tui cạn năng lượng và cần nạp lại trong mấy ngày Tết, vì vậy tui ít đi chúc Tết, và những lời chê trách ngày càng nhiều hơn... nhưng mấy ai hiểu được?”.
Ở tuổi lục tuần nếu vui Tết là vui với con cháu nhưng ông bảo rằng mình không có duyên với con cháu, nên Tết đến là lúc ông dành thời gian để tịnh tâm, nghỉ ngơi và nghiền ngẫm cuộc đời.
Thôi đừng oán trách trời gần trời xa!
Bao nhiêu đỗ vỡ, bao nhiêu khó khăn đến với mình, để rồi ông chỉ biết tóm gọn bằng một chữ “rất buồn!”. Người ta có thể hiểu được phần nào nỗi buồn ông đang mang, hoặc có chăng người ta sẽ nghĩ nỗi buồn ấy như chiếc lá trên sông, chẳng nhẹ nhàng, cũng chẳng dữ dội mà cứ thế trôi đi... Thế nhưng nếu nghe được câu nói này và nhìn sâu vào đôi mắt bạc màu thời gian kia hẳn sẽ thấy hằn lên những vết thương lòng mà không chỉ diễn tả bằng một chữ “buồn” là có thể hiểu được...
Le Binh
 
Thế mà, những người nghệ sĩ như ông, dù biết khổ thật nhưng vẫn đầy hi vọng bởi ông rõ biết “ai cũng có một số phận”, ông nói chứ cuộc đời nào mà không sóng gió, đã có phim Người giàu cũng khóc mà... cho nên, thay vì trách phận thì mình cứ cố gắng làm sao cho cuộc đời bớt đi sự rắc rối, giảm lại những đắng cay.
Ông tin thời gian sẽ làm mọi thứ trong ông nguôi ngoai và cũng sau những đỗ vỡ này, ông nhận ra “để một gia đình hạnh phúc không thể do một con người mà thành, hơn hết phải do các thành viên trong gia đình cùng chung tay xây dựng thì đó mới là hạnh phúc thật sự”. Ông còn muốn nhắn nhủ nhiều nữa đến mọi người rằng hãy tin người trong nhà trước khi ra ngoài. Những lời ngon tiếng ngọt, những lời nói khích bát, ẩn chứa sự ganh tị của người khác có thể khiến bạn đánh mất hạnh phúc mà mình đang có và không thể sửa chữa được.
Người ta hỏi ông, có bao giờ chạnh lòng, bất mãn và muốn buông bỏ cái nghề quá bạc với nghệ sĩ lúc về già này hay không? Ông bảo Cụ Nguyễn Đình Chiểu dạy rằng: "Trót mang lấy nghiệp vào thân/ Thôi đừng oán trách trời gần trời xa", nhưng riêng ông thì lại nghĩ nghề này chẳng bạc với ai cả, nghề chỉ trách những người không biết giữ gìn mà thôi. Ông cười hề hề với suy nghĩ của mình: “Phải hiểu rằng nhiều nghệ sĩ về già sống nghèo khó nhưng (biết đâu) họ đã có một thời son sắc, trên đỉnh vinh quang và... xài tiền như nước với lý do mình là nghệ sĩ. Tui thấy lớp trẻ bây giờ hiểu biết nên lo xa hơn, họ xài và biết tích lũy phòng thân, chớ không tiêu xài “hào phóng” như nghệ sĩ thế hệ trước và đó là điều tốt”.
Le Binh
 
Thế nhưng, cũng lắm lúc khắc khoải hoang mang, ông kể: “Có lần buồn nẫu ruột khi xích mích với một đạo diễn giỏi sử dụng quyền lực mà dở về đạo lý. Sau đó, tui chạy xe honda “cà tàn” từ Long Thành về trong đêm, những giọt nước mắt pha lẫn nước mưa, vừa buồn, vừa tủi thân và hờn giận. Chạy xe trên đường song song với những chiếc container phóng như điên. Sình đất bay đầy người tui, từ buồn chuyển qua sợ, rũi xảy ra chuyện gì vợ con mình không ai lo. Lúc đó đầu tui có thoáng qua ý nghĩ thôi nghề. Nhưng khi về tới thành phố an toàn rồi nghĩ lại, người ta xử bạc với mình chớ nghề có bạc với mình đâu. Lại nghĩ thôi kệ, có nhân quả mà... và cứ thế tôi lại tiếp tục cho đến ngày nay”.
Niềm vui duy nhất của ông bây giờ là được sống hết mình với nghệ thuật, được hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau để có thể khóc cười với họ... Và ở đó ông còn “thương lắm” vì được nghe những câu nói đại loại như “Tía có ăn gì không, con đi mua? – nghe mà ấm lòng, mát ruột làm sao...”.
Với ông, nụ cười rất quan trọng và ông thích cái kiểu nghèo nhưng vẫn vui, vì “nghèo đã khổ rồi, mà còn không biết cười nữa là thành nghèo mạt luôn...”. Có lẽ vì thế mà khán giả thích những nhân vật ông diễn, thích cái nụ cười không phân biệt giàu nghèo của ông... Ông cũng tranh thủ “khoe” mình vừa nhận một vai nghèo sống nhờ rác, đó là ông Tư Quề trong phim Nhịp đập sinh tử của đạo diễn Lâm Lê Dũng, do hãng phim Ánh sáng xanh thực hiện...
Le Binh
 
Nhân dịp năm mới, Lê Bình kính chúc quí bà con khán giả, độc giả, một năm mới an khang thịnh vượng, an lành, vui vẻ, mạnh khỏe và... trẻ mãi đừng thèm già... hề...hề...
Trầm ngâm một lúc, định nói gì đó nhưng rồi như sợ câu chuyện cuộc đời dài thêm mà chiều thì chẳng đợi, ông ý nhị với người đối diện rằng mình còn nhiều việc phải giải quyết sau chuyến đi dài ở Phú Yên về cách đây 2 ngày. Lời chào vừa dứt, ông bước vội đi...
Nắng ngã màu trên tấm lưng vàng vọt, được một đoạn ông quay nhìn lại với nụ cười hiền - nụ cười ấy, dễ mấy ai quên!
Bài, ảnh : Oanh Thủy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Ông già nam bộ' Lê Bình: ‘Tết kiếm tui chớ tui không tìm Tết’