Đối với người Việt, Tết là mùa của đoàn viên – mùa của yêu thương. Thế nhưng, suốt 60 năm qua Tết là thời điểm mà NSND Bạch Tuyết thấy lòng mình lắng đọng trong nỗi nhớ người mẹ thân yêu. Tết Ất Mùi cũng thế, dù show diễn dày đặc dù vui được gặp khán giả yêu thương, nhưng bao giờ NS cũng dành cho mình một khoảng lặng trong ngày giỗ mẹ.
Trong một dịp tinh cờ NSND TS. Bạch Tuyết được gặp gỡ hòa thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ ở Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng - Đà Lạt. Những quyển sách, những lời dạy khuyên dựa trên căn bản của giáo lý nhà Phật đã giác ngộ được Bạch Tuyết.Từ đó, NS bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về đạo Phật. NS Bạch Tuyết cảm niệm đời là cõi tạm, sắc sắc không không. Đến là sẽ đi, có rồi sẽ mất.Trong cõi ta bà này, từ người đến vạn vật tất cả đều vận hành trên qui luật của muôn đời “Thành, Trụ, Hoại, Không”, “Pháp luân thường chuyển”, không loại trừ cha mẹ, con cái, bạn bè còn duyên thì hợp, khi hết duyên thì tan, biến.
NS.Bạch Tuyết an cư ở quận 9 đã gần ba năm. Ngôi nhà thật tĩnh lặng, xung quanh là cây cối xanh mượt in bóng xuống dòng sông Đồng Nai. NS Bạch Tuyết cho biết: “Tôi về đây thời gian ngắn thôi nhưng đã được học bao nhiêu bài học quí báu của ông bà mình. Hiểu tại sao cứ 15, rằm và ba mươi là con nước “rong” tràn ngập bãi bờ, biết tại sao mỗi ngày đều có nước lớn nước ròng mà không có con nước nào giống con nước nào. Thử bắt con sâu cây này bỏ qua cây khác nó chạy như chết. Từ đó cảm nhận lời Phật dạy, sự sống và cái chết vốn có sẵn từ nơi mỗi sinh vật, môi trường tác động thế nào cũng bắt nguồn do thói quen hành xử của mỗi người mỗi vật mà thôi. Với bà con chòm xóm, một nải chuối, một trái dưa leo, trái cà, một quày dừa xiêm ngon ngọt, mớ rau thơm, húng quế, me đất, mấy trái khổ qua... bà con cũng mang cho, đám giỗ, ma chay, cưới hỏi rộn ràng hàng xóm, cư xử với nhau chân thật, nghĩa tình, tự trọng, khẳng khái. Đào cái ao, đắp một mảng bờ, con cá con tôm mỗi khi tát “đìa”, đóng một cây đinh trên tường, đâu đó cho thấy sự nương cậy, tương thân tương ái, chia sẻ rất cảm động và trân quí.
NS Bạch Tuyết cho biết: "Nơi này có nhiều điều thú vị với tôi. Sài Gòn trước đây chưa có quận 9, khiến tôi đoạt giải Thanh Tâm nhờ vai Lê Thị Trường An trong vở “Ông cò quận 9”, còn có tên “Tuyệt tình ca”(Người đối diện lương tâm) của tác giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp. Giờ thì tôi sinh sống ở quận 9. Thầy Bổn Sư của tôi là hòa thượng Thích Thanh Từ thì ngay sân vườn trước nhà có con rạch bao quanh tên là Rạch ông Từ. Quê tôi ở An Giang-Châu Đốc, có Chùa Bà, thì đối diện bên kia cù lao giữa sông Đồng Nai có ngôi chùa nổi tiếng, bá tánh khắp nơi gọi là Chùa Bà Châu Đốc 3. Trong thiêng liêng trời đất, trong bao la tình mẹ, quê hương, nơi chôn nhau cắt rún... có lẽ xót thương đứa con gái mồ côi bé bỏng ngày xưa, nên đã ban thưởng cho tôi mảnh đất, ngôi nhà bình dị này, vừa nên thơ, gần gũi vừa đầy ắp yêu thương như mọi ngôi nhà của bà con VN mình, đặc biệt là được ở cận kề một trong những dòng sông có vai trò lịch sử thuở cha ông đi khai hoang mở cõi: “Nhà bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về!”.
Ngôi nhà màu trắng xinh xắn của NS Bạch Tuyết có hồ nước vây quanh, có phong lan cho hoa suốt bốn mùa. Bên trong nhà, chỗ trang trọng nhất vẫn là nơi thờ Phật. Chỗ quan trọng thứ hai là nơi thờ thân mẫu và thân phụ của NS Bạch Tuyết. Hiện nay, bên cạnh việc đi hát, NS vẫn nhận lời giảng dạy, tham dự các buổi nói chuyện chuyên đề. Phần lớn thời gian dành tìm hiểu nghiên cứu văn hóa - giáo dục một số các quốc gia châu Âu và nước Mỹ. Trên bàn làm việc của NS, chúng tôi thấy vài cuốn sách đang mở: “The United States Office of Education”, “The Teacher and School Organization”, “William Shakespear - The Complete Works”, và ‘Treasury of American Poetry” v.v... NS Bạch Tuyết còn dành thời gian cùng các “fan” thuộc nhiều thế hệ, lớn có, vừa có, thật trẻ, còn ngồi ghế nhà trường..., gặp gỡ trao đổi các vấn đề văn hóa, nghệ thuật cải lương, kinh kệ, hành thiền. Được biết cho đến nay NS Bạch Tuyết đã cùng với NSND Lệ Thủy, đạo diễn Phượng Hoàng thực hiện: 1/ Trường ca Ca Kinh Pháp Cú; 2/ Với Đại học Bình Dương: Trường Ca Phật giáo với Dân tộc; 3/ Cùng với các bạn đạo: Trường ca Kinh Kim Cương (Tình ca Quán Âm); và 4/Trường ca Phật hoàng Trần Nhân Tông. Cả bốn Trường ca này được nhóm thực hiện, phát hành để trao tặng bà con Phật tử cùng khán giả yêu cải lương trong và ngoài nước.
Buổi trò chuyện ngẫu hứng với NS Bạch Tuyết có thể nói thật phong phú và thú vị, rõ ràng chưa thấy có nét mệt mỏi âu lo, phiền muộn nào hiện lên nét mặt cũng như vóc dáng NS Bạch Tuyết, có lẽ nhờ sự an định trong tâm hồn, an bình trong cách sống mà lúc nào trông NS cũng sinh động, trẻ hơn nhiều so với cái tuổi “thất thập cổ lai hy!”.
Bỗng dưng NS Bạch Tuyết hỏi tôi:
“Sao nhìn tôi chăm chăm vậy anh bạn trẻ?”
Tôi chưa kịp trả lời bà nói luôn: “Có gì lạ đâu, tôi học và vẫn đang học ở Má Bảy, NSND Phùng Há không chỉ để hát cải lương phục vụ khán giả, mà còn học nhiều hơn cách sống, cách nghĩ, nhận ra tấm lòng yêu thương vô bờ bến bà dành cho nghề, cho đồng nghiệp, cho con người, cho cuộc sống. Tôi chưa nghe bà trách phiền ai, cũng chưa thấy bà nổi giận với ai, kể cả người “tệ bạc”nhất! Với tôi bà là một vị Tổ, một Thánh nữ giữa đời thường, là tấm gương lớn mãi soi sáng đời tôi”.Tôi hỏi NS có lời nhắn nhủ thế hệ trẻ của SK Cải lương?
- “Tôi vui lắm, tin cậy, yêu thương, chăm chút, theo dõi từng bước sự tận tâm, cố gắng phấn đấu của các tài năng trẻ cải lương. Đa số các bạn đã dần dần khẳng định vị trí trong lòng khán giả.
Được biết, Tết năm nay vẫn như mọi cái Tết hàng năm của NS Bạch Tuyết, đi hát “lai rai”, thắp hương Tổ nghiệp, chào bà con khán giả yêu thương cải lương và thực hiện lời Phật dạy: “Cúng dường, Bố thí, Trì giới”, để rồi toàn tâm toàn ý dành cho buổi chiều mồng 6 và trưa mồng 7, giỗ mẹ...
Từ giã bao lần mấy lượt mới có thể rời ngôi nhà xôn xao tiếng chim hót, tràn ngập màu xanh hoa cỏ của TS NSND Bạch Tuyết, bất giác nhớ đến hai câu thơ viết bằng thư pháp của Đại thi hào Nguyễn Du, được chủ nhân trang trọng treo ngay giữa phòng khách:
“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
Nguyễn Huy / Sân khấu TP.HCM