Chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm nóng lại chuyện 17 người Nhật bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc hồi 40 năm trước.

Ông Trump đi Nhật: Lại nóng chuyện người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc

04/11/2017, 18:55

Chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm nóng lại chuyện 17 người Nhật bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc hồi 40 năm trước.

Ảnh một nạn nhân Nhật bị bắt cóc-Ảnh New York Times

Theo báo New York Times (NYT) ngày 3.11, chuyến thăm của ông Trump thực sự bắt đầu bằng cuộc chơi golf ngày mai 5.11 với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người mê môn này và tổ chức cuộc tranh tài giữa ông với ông Trump và với tay golf nhà nghề Hideki Matsuyama.

Trăn trở 40 năm, không rõ người thân bỏ trốn được đã bị giết

Sau đó, ông Abe sẽ giới thiệu Tổng thống Mỹ với gia đình của những nạn nhân bị Triều Tiên bắt cóc. Theo chính phủ Nhật, cách đây 40 năm, ít nhất 17 công dân Nhật mất tích, gia đình họ không nhận được thông tin gì.

Bình Nhưỡng chỉ thú nhận điệp viên của họ bắt cóc 13 người Nhật trong những năm 1970-1980, đến năm 2002 thì 5 người được hồi hương và Triều Tiên nói số người còn lại đã qua đời từ lâu.

Nhưng chính phủ Nhật khẳng định những người bị bắt cóc vẫn còn sống, và Thủ tướng Abe luôn yêu cầu Bình Nhưỡng trả những người này về Nhật.

Theo NYT, ông Trump cũng sẽ làm nóng chuyện này, khi ông gặp gia đình của những người bị Triều Tiên bắt cóc.

Tờ báo Mỹ nói những vụ mất tích này gây cảm xúc đau thương nơi dân Nhật, hơn cả nỗi sợ Triều Tiên tấn công bằng tên lửa đạn đạo, vì các nạn nhân là những người vô tội, bị bắt cóc để đào tạo thành điệp viên cho Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, các gia đình trăn trở suốt nhiều năm: có phải nạn nhân đã cố gắng bỏ trốn hay đã bị giết. Ngày nay, khi người trong nhà càng thêm tuổi, họ tuyệt vọng chờ đợi sự trở về của những nạn nhân. Cụ Masaru Honma, 73 tuổi, nói: “Đây là chuyện tử sinh mà tôi không còn nhiều thời gian”.

Cách đây 39 năm, bà Yaeko Taguchi bị Triều Tiên bắt cóc hồi 39 năm trước. Bà từng là một tiếp viên quán bar và đã ly dị chồng, nuôi một đứa con trai.

Ngày nay, cụ Honma cùng 2 người em tin rằng em gái Taguchi vẫn còn sống ở Triều Tiên, ở tuổi 62.

Gia đình bà Taguchi chỉ báo cảnh sát biết chuyện bà bị bắt cóc, vào năm 2002, khi Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đến Bình Nhưỡng dự một hội nghị thượng đỉnh.

Khi đó, chính phủ Triều Tiên trao trả 5 người bị bắt cóc. Họ cũng cấp giấy chứng tử của 8 người Nhật mà Triều Tiên từng thú nhận đã bắt cóc hồi những năm 1970 và 1980 người thân của họ vẫn còn sống”.

Triều Tiên cũng trao trả hài cốt của hai người bị bắt cóc. Nhưng các gia đình nói giấy chứng tử là giấy giả, và các xét nghiệm DNA cho thấy xương không phải của người thân của hai gia đình được trả hài cốt.

Năm 2014, Triều Tiên đồng ý điều tra số phận của những người bị bắt cóc, dù trước đó họ tuyên bố nhiều người đã chết.

Nhưng Triều Tiên ngưng cuộc điều tra hồi năm 2016, sau khi Nhật trừng phạt Bình Nhưỡng vừa thử hạt nhân.

Cụ Honma sợ không còn nhiều thời gian để hy vọng em gái sẽ trở về nước

Trông cậy vào thông tin của cựu điệp viên Triều Tiên

Cụ Honma thi thoảng tìm thông tin từ những người trốn khỏi Triều Tiên, nhưng niềm tin bà Taguchi còn sống của cụ và gia đình dựa hẳn vào cựu điệp viên Triều Tiên Kim Hyon-hui (bà Kim).

Bà Kim từng thực hiện vụ cài bom lên chuyến bay dân sự Korean Air Lines (Hàn Quốc) hồi năm 1987 khiến 115 người bị giết vì bom nổ giữa trời.

Sau đó, bà Kim bị bắt, bị buộc tội khủng bố nhưng được Tổng thống Hàn Quốc ân xá, để Hàn Quốc sử dụng bà làm công cụ tuyên tuyền và cung cấp thông tin về Triều Tiên. Hiện sống bí mật ở Seoul (Hàn Quốc). Bà Kim luôn có 5 mật vụ bảo vệ.

Sau khi bà Kim bị bắt vì vụ đánh bom máy bay năm 1987, cảnh sát Nhật có cho bà xem ảnh nhiều phụ nữ nghi bị Triều Tiên bắt cóc. Bà nói có nhận ra bà Taguchi.

Bà Kim bị áp giải sau khi thực hiện vụ đánh bom máy bay Hàn Quốc năm 1987

Năm 2009, con trai bà Taguchi là Koichiro Iizuka (lúc đó 32 tuổi) cùng người chú Shigeru Iizuka gặp bà Kim lần đầu tiên.

Năm 2010, bà Kim đến Nhật và gặp cụ Honma và con trai của bà Taguchi. Bà Kim cho biết bà Taguchi từng dậy tiếng Nhật và văn hóa Nhật cho bà, nên bà đã có thể giả làm người Nhật khi ra nước ngoài hoạt động tình báo cho Triều Tiên.

Bà Kim kể cho họ biết bà sống với Taguchi ở vùng Tongbuk-ri (nam Bình Nhưỡng) từ tháng 7.1981 đến tháng 3.1983. Bà Kim cũng cho họ biết rằng bà tin Taguchi sẽ có thể tìm về nhà.

Triều Tiên nói Taguchi đã chết trong một tai nạn xe hơi năm 1986. Nhưng bà Kim kể bà đã nói chuyện với tài xế, và người này nói một năm vụ tai nạn, ông vẫn còn trông thấy bà Taguchi còn sống.

Bà Kim nói với NYT: “Tôi vẫn tin Taguchi và những người Nhật khác bị bắt cóc vẫn còn sống. Những người biết vâng lời chính quyền thì được cấp nhu yếu phẩm, được đối xử như người nước ngoài sống ở Triều Tiên”.

Ảnh Taguchi lúc nhỏ, ảnh bà với 4 đứa con và ảnh lưu niệm cụ Honma với bà Kim, con trai Taguchi và em trai của bà

Niềm tin vô vọng người thân vẫn còn sống ở Triều Tiên

NYT cho biết ông Trump sẽ gặp gia đình của Megumi Yokota, một bé gái 13 tuổi khi bị Triều Tiên bắt cóc năm 1977.

Takuya Yokota, 49 tuổi, là em trai của Yokota, nói: “Tôi không nghĩ Triều Tiên lại giết một lá bài ngoại giao quí giá như chị tôi hoặc bà Taguchi”.

Ông kể khi chị ông mất tích ở vùng biển Niigata, ông và người em trai sinh đôi mới được 9 tuổi. Ông nhớ rất rõ hôm ấy chị đi tập cầu lông rồi không về nhà, và hai anh em cùng người mẹ tìm Yokota mãi đến tối mịt.

Bà Kim kể bà cũng đã gặp Yokota, và cô gái này cũng dạy tiếng Nhật cho một điệp viên Triều Tiên khác.

Gia đình Yokota đã gặp bà Kim năm 2010. Ông Yokota nói: “Bà ấy không nói gì nhiều, vì cảnh sát và tình báo Hàn Quốc vây quanh bà. Bà ấy trấn an mẹ tôi rằng chị tôi vẫn ổn, gia đình đừng có lo”.

Triều Tiên vẫn khẳng định Yokota đã tự sát hồi năm 1994. Bà Kim cho rằng có lẽ Yokota và bà Taguchi khi làm việc với các điệp viên đã nắm được những thông tin bí mật, nên Bình Nhưỡng tuyên bố họ đã chết.

Nhưng bà Kim không tin họ đã chết, vì Bình Nhưỡng giải thích cái chết của họ không hợp lý.

Giáo sư Satoru Miyamoto của khoa Chính trị Đại học Seigakuin (Nhật) và là chuyên gia về Triều Tiên, nói: “Gia đình các nạn nhân vẫn nuôi hy vọng, và họ muốn tin rằng những người thân của họ vẫn còn sống”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump đi Nhật: Lại nóng chuyện người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc