Giám đốc điều hành Pfizer cho biết biến thể Omicron có thể làm tăng khả năng chúng ta sẽ cần đến mũi vắc xin COVID-19 thứ tư sớm hơn dự kiến.

Pfizer: Có thể cần tiêm mũi vắc xin thứ 4 sớm hơn vì biến thể Omicron

Sơn Vân | 09/12/2021, 17:18

Giám đốc điều hành Pfizer cho biết biến thể Omicron có thể làm tăng khả năng chúng ta sẽ cần đến mũi vắc xin COVID-19 thứ tư sớm hơn dự kiến.

Pfizer cho biết mũi vắc xin tăng cường có khả năng giúp kiểm soát Omicron. Hãng dược phẩm khổng lồ Mỹ nói các thử nghiệm ban đầu trong phòng thí nghiệm cho thấy chế độ hai liều vắc xin tiêu chuẩn vẫn cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại bệnh nặng từ biến thể này.

Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer, từng dự đoán rằng có thể cần đến liều vắc xin thứ tư trong vòng 12 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba. Thế nhưng mới đây, ông nói trên đài CNBC rằng khoảng thời gian tiêm mũi vắc xin thứ tư có thể cần rút ngắn lại.

Một trong những nhà khoa học hàng đầu của Pfizer gần đây cho biết lần tiêm thứ tư - có khả năng là loại vắc xin được thiết kế nhắm mục tiêu vào Omicron - có thể là cần thiết.

Trước đó, Pfizer thông báo có thể tung ra vắc xin chống lại Omicron vào tháng 3.2022.

Ngày 8.12, Pfizer - BioNTech cho biết ba mũi vắc xin COVID-19 của họ có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron trong một thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.

Trong tuyên bố chính thức đầu tiên từ nhà sản xuất vắc xin về khả năng chống lại Omicron, BioNTech (công ty công nghệ sinh học Đức) và Pfizer nói rằng mũi vắc xin thứ ba của họ làm tăng lượng kháng thể trung hòa lên 25 lần.

Máu thu được từ những người tiêm mũi vắc xin Pfizer - BioNTech thứ 3 cách đây 1 tháng đã vô hiệu hóa biến thể Omicron, với hiệu quả tương đương máu thu từ người nhận 2 liều vắc xin này chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu (được tìm thấy ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc).

Những phát hiện trên phù hợp với nghiên cứu sơ bộ được công bố bởi các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi ở Nam Phi hôm 7.12, nói rằng Omicron có thể tránh được một phần sự bảo vệ của hai liều vắc xin Pfizer - BioNTech, đồng thời cho thấy mũi vắc xin thứ ba có thể hữu ích để ngăn ngừa nhiễm biến thể mới.

Ông Alex Sigal, Giáo sư Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi, cho biết có "sự sụt giảm rất lớn" trong việc trung hòa Omicron so với biến thể SARS-CoV-2 trước đó.

Phòng thí nghiệm của ông xét nghiệm máu từ 12 người đã được tiêm vắc xin Pfizer - BioNTech. Máu 5 trong số 6 người được tiêm vắc xin Pfizer - BioNTech cũng như từng khỏi bệnh COVID-19 trước đó vẫn phần nào vô hiệu hóa được biến thể Omicron. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu quan sát thấy sự sụt giảm 41 lần mức độ kháng thể trung hòa chống lại Omicron so với chủng SARS-CoV-2 gốc.

Các nhà nghiên cứu Đức đã ủng hộ kết quả nghiên cứu ở Nam Phi, cho thấy lượng kháng thể chống lại Omicron giảm 37 lần so với biến thể Delta. Nhà vi rút học Sandra Ciesek thông báo điều này trong kết quả nghiên cứu được đăng vào đầu ngày 8.12.

Một nghiên cứu riêng biệt từ Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển) lạc quan hơn, cho thấy sự suy giảm kháng thể chống lại Omicron chỉ tồi tệ hơn một chút so với Delta - biến thể đang gây ra hầu hết ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới.

Thời gian qua, một số người vẫn nhiễm biến thể Omicron dù tiêm mũi vắc xin Pfizer  - BioNTech thứ ba từ 2 tháng trước trở lên.

Theo Bộ Y tế Israel, một trong số những người đầu tiên nhiễm Omicron ở nước này đã tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ ba cách đây 2 tháng.

Hôm 30.11, người phát ngôn của Trung tâm Y tế Sheba gần thành phố Tel Aviv (Israel) xác nhận rằng biến thể Omicron đã được phát hiện ở hai bác sĩ nước này. Điều đáng nói là cả hai đều đã tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ ba và có các triệu chứng COVID-19 nhẹ.

WHO đã ghi nhận bằng chứng ban đầu từ BioNTech - Pfizer về hiệu quả của vắc xin chống lại Omicron.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học gia của WHO, cho biết còn quá sớm để nói liệu việc giảm kháng thể trung hòa có nghĩa là vắc xin kém hiệu quả không, cảnh báo về việc không đưa ra kết luận từ cuộc thử nghiệm.

Bà Soumya Swaminathan nói: “Còn quá sớm để kết luận rằng việc giảm hoạt động trung hòa này sẽ dẫn đến giảm đáng kể hiệu quả của vắc xin. Chúng ta không biết điều đó, vì như bạn đã biết, hệ thống miễn dịch phức tạp hơn nhiều. Do đó, những gì chúng ta cần bây giờ là nỗ lực nghiên cứu phối hợp và không đi đến kết luận nghiên cứu theo từng cuộc thử nghiệm".

Ana Maria Henao-Restrepo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của WHO, hé lộ cuộc họp kín của các chuyên gia đã xem xét sự khác biệt trong kết quả dữ liệu ban đầu về hiệu quả vắc xin chống lại Omicron.

Bà nói: “Các kháng thể trung hòa là một thông tin quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nhiễm trùng, nhưng chúng chỉ là một phần trong việc bảo vệ chống lại bệnh nặng”.

Đóng vai trò quan trọng của đáp ứng miễn dịch cùng kháng thể trung hòa, tế bào T (tế bào miễn dịch) ngừa bệnh nặng bằng nhận biết và tấn công các tế bào nhiễm vi rút, đồng thời huấn luyện các tế bào B sản xuất kháng thể trước nguy cơ mà chúng phải đối mặt.

pfizer-co-the-can-tiem-mui-vac-xin-thu-4-som-hon-vi-bien-the-omicon.jpg
Pfizer cho rằng có thể cần tiêm mũi vắc xin thứ 4 sớm hơn dự kiến để kiểm soát biến thể Omicron

Hơn 40 người ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron, Tiến sĩ Rochelle P. Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nói với hãng tin AP hôm 8.12. Bà cho biết gần như tất cả đều có các triệu chứng nhẹ.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nói rằng bằng chứng sơ bộ chỉ ra rằng biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn nhưng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn. Ông cho biết Mỹ đang thực hiện các thử nghiệm của riêng mình để xác định khả năng bảo vệ của các vắc xin hiện tại chống lại Omicron và hy vọng sẽ có kết quả vào tuần tới.

Hôm 7.12, Albert Bourla nói rằng một biến thể lây lan nhanh nhưng gây ra các triệu chứng nhẹ hơn không hẳn là tin tốt. Ông nói với tờ The Wall Street Journal: “Tôi không nghĩ là tin tốt khi có thứ gì đó lan truyền nhanh. Sự lây lan nhanh có nghĩa là nó nhiễm cho hàng tỉ người và một đột biến khác có thể xảy ra. Bạn không muốn điều đó".

Đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện ở 58 nước, mới nhất là Cuba. Cuba đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở một người đến từ Mozambique.

Ca nhiễm Omicron là nhân viên y tế sống ở tỉnh Pinar del Rio của Cuba. Người này đã trở lại Cuba hôm 27.11 và có kết quả dương tính với COVID-19 vào 28.11, theo Cơ quan truyền thông nhà nước Cuba (ACN).

Các quan chức y tế Cuba xác định được 18 người mà du khách có thể đã tiếp xúc kể từ khi đến Cuba, nhưng tất cả đều không có triệu chứng và xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Bài liên quan
Nghiên cứu đầu tiên về khả năng bảo vệ của vắc xin Pfizer trước Omicron: Đáng lo ngại!
Biến thể Omicron có thể né tránh một phần sự bảo vệ chúng ta của vắc xin Pfizer - BioNTech, trưởng phòng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi ở Nam Phi cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pfizer: Có thể cần tiêm mũi vắc xin thứ 4 sớm hơn vì biến thể Omicron