Việc phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hay THPT sẽ là một trong những nội dung được nêu ra với người đứng đầu ngành Giáo dục trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Bất hợp lý khi ai cũng cố lên đại học
Hiện nay, chúng ta thấy rất rõ là hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT đều đăng ký thi vào đại học, cao đẳng chứ không thích chọn trường nghề. Ngay cả nhiều phụ huynh cũng khuyên con của họ là đã tốt nghiệp THPT rồi thì thi tiếp hoặc xét tuyển lên đại học, chứ rất ít trường hợp chọn trường nghề phù hợp với năng khiếu, sở thích của con.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng lâu nay tư duy của phụ huynh hay học sinh ởnước ta chỉ đi theo một con đường đó là: học xong tiểu học lên THCS, xong THCS phải học THPT và sau đó thi đại học, cao đẳng. Hệ quả của nó là ta đang trong tình trạng thừa thầy nhưng thiếu thợ lành nghề.
Thực tế có nhiều học sinh lên bậc THPT học không nổi phải bỏ học. Thậm chí, theo thống kê mỗi năm chỉ có 30% học sinh đỗ các trường ĐH, CĐ và 70% còn lại phải chuyển học trung cấp hoặc chờ thi năm sau.
Với chính sách xã hội hoá giáo dục như hiện nay đã mở ra nhiều con đường học tập và nhiều cơ hội cho học sinh lựa chọn, xác định ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân. Tuy nhiên, để điều này thực sự hiệu quả và phù hợp thì rất cần có sự tư vấn, tác động và phân luồng của các thầy, cô giáo.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định, việc phân luồng nghề nghiệp sớm sẽ giúp cho học sinh làm quen dần với từng loại nghề. Trong quá trình học tập, thực hành, tham quan, các em có thể biết được nghề nào phù hợp với mình và có thể phát triển trong tương lai. Còn hơn là để học sinh tốt nghiệp THPT là đua nhau thi vào đại học nhưng khi học lại cảm thấy ngành nghề không phù hợp với bản thân rồi lại phải thi đi thi lại, gây tốn kém cho gia đình và ảnh hưởng lớn tới tâm lý của các em.
Phân luồng là giải pháp tối ưu
Theo thầy Nguyễn Văn Thọ - Nguyên trưởng phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục của Sở GD-ĐT Hà Nội, thìxu hướng của xã hội là chú ý tới năng lực của người học. Việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ sau THCS và nhất là ở các lớp đầu cấp THPT sẽ giúp cho học sinhtự chọn cho mình con đường lập nghiệp phía trước dựa vào khả năng thực sự của chính mình.
Việc đẩy mạnh phân luồng sau THCS phải làm ngay sau khi tốt nghiệp lớp 9. Các trường THCS cần định hướng tốt cho học sinh: nếu cảm thấy lực học không vào được lớp 10 công lập, học sinh nên đăng ký học trung cấp chuyên nghiệp (hệ vừa học vừa làm), khi ra trường các em có cả bằng THPT và bằng nghề, có thể đi làm ngay. Không nên để các em tự bơi trong muôn vàn hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS.
Định hướng và phân luồng cho học sinh THCS có yếu tố quyết định tới sự phát triển đội ngũ công nhân lành nghề tại đất nước
Và cũng theo quan điểm của PSG.TS Đỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học GDVN), thực hiện phân luồng GD sẽ tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực. Trên bình diện quốc gia, phân luồng GD nhằm điều chỉnh sự phân bố nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn phát triển.
Bên cạnh việcgiúp học sinh tự đánh giá khả năng học tập của bản thân, việc xét đến hoàn cảnh gia đình cũng rất cần thiết để chọn hướng đi cho phù hợp.
Việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS là một bài toán cần nhiều lời giải khác nhau. Nếu việc phân luồng học sinh sau THCS được thực hiện với những biện pháp tích cực, phát triển đúng hướng sẽ là người bạn đồng hành không thể thiếu, là biện pháp quan trọng nâng cao hiệu quả xã hội của công tác phổ cập giáo dục trong tình hình hiện nay.
Vấn đề đang đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo là phải đón bắt được xu hướng tâm lý mới này để nâng chất lượng đào tạo của các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, cao đẳng nghề, đại học...
Dạ Thảo