Josh Rogin là người phụ trách chuyên mục Góc nhìn toàn cầu của The Washington Post. Ông vừa có một bài phân tích việc Tổng thống Ukraine quyết định quay lưng với Trung Quốc, kêu gọi thế giới ủng hộ Đài Loan.

Phân tích việc Tổng thống Ukraine quyết định quay lưng với Trung Quốc, kêu gọi thế giới ủng hộ Đài Loan

Anh Tú | 13/06/2022, 10:31

Josh Rogin là người phụ trách chuyên mục Góc nhìn toàn cầu của The Washington Post. Ông vừa có một bài phân tích việc Tổng thống Ukraine quyết định quay lưng với Trung Quốc, kêu gọi thế giới ủng hộ Đài Loan.

Trong khi kêu gọi các quốc gia châu Á hỗ trợ để chống lại cuộc tấn công của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 11.6 kêu gọi cộng đồng quốc tế nên giúp Đài Loan chống lại sự đe dọa của Trung Quốc vào lúc này.

Các bình luận của Tổng thống Zelesky có nguy cơ làm đảo lộn hành động cân bằng tế nhị của Ukraine với Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng những kẻ xâm lược phải bị đối chọi với bất cứ nơi nào chúng xuất hiện. Ông cho rằng các nước châu Á không được chờ đợi cuộc khủng hoảng đối với Đài Loan, điều này sẽ lặp lại sai lầm mà châu Âu đã mắc phải trước cuộc tấn công của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine.

Nhận xét của Tổng thống Zelensky sau bài phát biểu video mà ông thực hiện tại Đối thoại Shangri-La (một hội nghị thường niên của các quan chức quốc phòng và ngoại giao châu Á và Thái Bình Dương do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London tổ chức). Tổng thống Zelensky nói với các quan chức tập trung tại đó rằng cuộc khủng hoảng Ukraine là một vấn đề cấp bách không chỉ đối với châu Âu mà còn cả châu Á. Ông cảnh báo các nước ngồi bên lề rằng họ sẽ sớm đối mặt với khủng hoảng lương thực, năng lượng và kinh tế trừ khi (ý định của) Putin nhanh chóng thất bại.

Sau những nhận xét được chuẩn bị trước của ông ấy, tôi hỏi Tổng thống Zelensky lời khuyên nào của ông đối với Đài Loan, nơi đang phải đối mặt với một áp lực kinh tế và quân sự tương tự (mặc dù chưa xảy ra bạo lực) từ Trung Quốc. Ông trả lời rằng Ukraine cung cấp một bài học cho cộng đồng quốc tế: đó là cần hỗ trợ các nước đang đối mặt với nguy cơ bị xâm lược trước khi chiến tranh nổ ra.

Tổng thống Zelensky nói: “Không ai được lợi từ chiến tranh, ngoài một số nhà lãnh đạo chính trị có tham vọng không bằng lòng với tình trạng hiện tại. Do đó, họ tiếp tục leo thang sự thèm muốn và tham vọng của mình. Thế giới lúc này đang cho phép các nhà lãnh đạo này đẩy cao thèm muốn của họ, do đó chúng ta cần một giải pháp ngoại giao để hỗ trợ các quốc gia đang cần sự giúp đỡ”.

Theo ông Zelensky, ví dụ về Ukraine cho thấy một khi bạo lực nổ ra, tổn thất nhân mạng sẽ rất lớn, vì vậy nếu có thể, cần phải nỗ lực hết sức để tìm ra giải pháp ngoại giao để tránh xung đột toàn diện. Nhưng đồng thời, ông nói, cộng đồng quốc tế phải can thiệp trước khi căng thẳng bùng phát thành bạo lực để đảm bảo một quốc gia nhỏ hơn có thể chống lại kẻ xâm lược.

Tổng thống Zelensky nói: “Chúng ta không được bỏ ai lại phía sau vì một quốc gia khác mạnh hơn về tài chính, về lãnh thổ và về trang thiết bị. Và do đó, nếu có một lối thoát về mặt ngoại giao, chúng ta cần sử dụng cách thức ngoại giao. Nhưng đó phải là biện pháp phủ đầu chứ không phải là biện pháp sau khi chiến tranh đã bắt đầu”.

Nhận xét của Tổng thống Zelensky tỏ rõ quyết đoán nhất đối với việc bảo vệ Đài Loan và quyền tồn tại của hòn đảo mà ông hoặc bất kỳ thành viên nào trong chính phủ đã từng thể hiện cho đến nay. Kể từ khi cuộc tấn công của Nga bắt đầu, chính phủ Ukraine đã cẩn thận để không làm mất lòng Bắc Kinh, quốc gia mà Ukraine coi là tác nhân có thể mang lợi hoặc gây hại (cho mình). Trung Quốc đã không lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và đổ lỗi cho phương Tây đe dọa an ninh Nga.

Chính quyền Đài Loan đã mong muốn rút ra những điểm tương đồng giữa tình hình của họ với Trung Quốc và nỗi khổ của Ukraine dưới bàn tay của Nga. Nhưng chính phủ Trung Quốc giận dữ bác bỏ bất kỳ sự so sánh nào như vậy, tuyên bố rằng Đài Loan luôn là một phần của Trung Quốc và do đó tỏ thái độ đây một vấn đề nội bộ không chịu sự giám sát của quốc tế.

Sự nhạy cảm của Bắc Kinh đối với vấn đề Đài Loan đã được thể hiện đầy đủ tại hội nghị, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Ngụy Phong Hòa vào 10.6. Theo một quan chức Mỹ, Bộ trưởng Austin đã đối diện với tướng Ngụy về việc Trung Quốc ngày càng đe dọa Đài Loan, điều này có nguy cơ làm đảo lộn một hiện trạng lâu đời nhưng mong manh và bác bỏ quan điểm của Trung Quốc rằng eo biển Đài Loan thuộc sở hữu hoàn toàn của Trung Quốc.

Bộ trưởng Austin đã phát biểu hôm 11.6: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng đều đặn các hoạt động quân sự khiêu khích và gây bất ổn gần Đài Loan. Và điều đó bao gồm các máy bay của PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân) bay gần Đài Loan với số lượng kỷ lục trong những tháng gần đây - và gần như hằng ngày”, đồng thời ông Austin nhấn mạnh: “Duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan không chỉ là lợi ích của Mỹ. Đó là một vấn đề quốc tế quan tâm".

Sau cuộc gặp của Bộ trưởng Austin với tướng Ngụy, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đổ lỗi cho Mỹ và "các lực lượng đòi độc lập Đài Loan" vì đã làm đảo lộn hiện trạng. Bắc Kinh cũng tuyên bố rằng tướng Ngụy đã nói với Bộ trưởng Austin rằng Trung Quốc nếu cần thiết sẽ không ngần ngại bắt đầu một cuộc chiến về vấn đề này và "đập tan mọi âm mưu độc lập của Đài Loan". Các nguồn tin Mỹ thì nói với tôi rằng tướng Ngụy chưa bao giờ nói những điều đó trong cuộc gặp với Bộ trưởng Austin.

Bất chấp những nỗ lực kiên quyết của Trung Quốc phủ nhận rằng tình hình Ukraine và Đài Loan có liên hệ với nhau, một số nhà lãnh đạo châu Á tại hội nghị Singapore cho rằng việc Nga động binh với Ukraine là một lời cảnh tỉnh cho khu vực về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan. Như Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nói trong khi phát biểu tại hội nghị vào tối 10.6, "Ukraine hôm nay có thể là Đông Á vào ngày mai".

Josh Rogin không chỉ là người phụ trách chuyên mục Góc nhìn toàn cầu của The Washington Post mà ông còn chuyên viết về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Rogin cũng là một nhà phân tích chính trị của CNN. Ông là tác giả của cuốn sách Chaos Under Heaven: Trump, Xi, and the Battle for the 21 Century (tạm dịch: Thiên hạ hỗn loạn: Trump, Tập và cuộc chiến thế kỷ 21). 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
12 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phân tích việc Tổng thống Ukraine quyết định quay lưng với Trung Quốc, kêu gọi thế giới ủng hộ Đài Loan