Một nhóm các nhà khoa học biển đã phát hiện hàng chục loài động vật không xương sống mới ở vùng nước sâu xung quanh quần đảo Galapagos.
Bộ Môi trường Ecuador ngày 17.8 thông báo, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện 30 loài động vật không xương sống mới ở vùng nước có độ sâu khoảng 3.400m trong Khu bảo tồn biển Galapagos.
Theo đó, các nhà khoa học từ Quỹ Charles Darwin (CDF) đã phối hợp với Công viên quốc gia và Ủy ban Thám hiểm đại dương của Ecuador thực hiện chuyến thám hiểm với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị lặn điều khiển từ xa hiện đại (ROV) như Argus và Hercules, triển khai từ tàu thăm dò Nautilus dài 64m.
Các nhà khoa học cho biết, tổng cộng 10 loài san hô tre, 4 loài san hô tám ngăn sừng cứng, 11 loài bọt biển, 4 loài giáp xác và 1 loài sao biển đuôi rắn mới đã được xác định. Phát hiện này một lần nữa cho thấy quần đảo Galapagos là một phòng thí nghiệm sống với nhiều hệ sinh thái còn chưa được khám phá hết.
Đây cũng là lần đầu tiên các nhà thám hiểm ghé thăm ba ngọn núi ngầm sườn dốc ở ven đảo Darwin và Wolf bên trong Khu bảo tồn biển Galapagos. Khu vực này là nơi có quần thể cá mập lớn nhất trên thế giới và được bảo vệ khỏi các hoạt động của con người.
“Khám phá này cung cấp cái nhìn thoáng qua về các cộng đồng sinh vật ít được biết đến nhất trên quần đảo Galapagos. Dữ liệu và mẫu vật thu được đã hé lộ những phát hiện đáng kinh ngạc, cho thấy tầm quan trọng của thám hiểm biển sâu trong nghiên cứu đại dương”, trưởng nhóm nghiên cứu từ CDF nhấn mạnh.
Quần đảo Galapagos có tổng diện tích 8.010km2, gồm 13 đảo chính, 6 đảo nhỏ và 107 khối đá nằm ở phía Tây ngoài khơi bờ biển Ecuador, thuộc Thái Bình Dương.
Các khu bảo tồn và vườn quốc gia tại đây nổi tiếng với số lượng lớn các loài động vật đặc hữu không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Đây cũng là quần đảo ghi đậm dấu ấn khoa học của Charles Darwin, góp phần quan trọng cho sự ra đời học thuyết tiến hóa của nhà bác học này.
Năm 1978, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận quần đảo này là di sản thế giới vì đời sống động thực vật độc đáo tại đây.
Long Hải (theo Bangkok Post)