Mới đây, một phát hiện mới của hai nhà thiên văn học tại Harvard đã lý giải về nguồn gốc khủng long tuyệt chủng.
Dựa trên các phát hiện khảo cổ, con người tin rằng khủng long từng là loài thống trị trên Trái đất. Tuy nhiên, loài động vật này đã bị tiêu diệt một cách bí ẩn cách nay hàng chục triệu năm.
Khoảng 66 triệu năm trước, một thiên thể khổng lồ rơi xuống khu vực giờ đây là duyên hải Mexico, gây nên "mùa đông đại địa chấn" thảm họa và quét sạch gần 3/4 sự sống trên Trái đất. Khủng long đã tuyệt chủng trong thảm họa này. Nguồn gốc của thiên thạch "đại địa chấn Chicxulub" vẫn luôn là bí ẩn lớn đối với các nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, sau đó các nhà khoa học đã phát hiện ra một hố thiên thạch khác ở Ukraine với niên đại sớm hơn hố Chicxulub hàng ngàn năm. Phát hiện này buộc các nhà khoa học đặt ra một giả thiết mới về sự tuyệt chủng của loài khủng long: Chúng có thể không phải bị tiêu diệt bởi một lần va chạm mà là bởi một loạt vụ va chạm giữa các thiên thạch và Trái đất.
Mới đây hai nhà thiên văn học của ĐH Harvard tuyên bố họ đã tìm ra lời giải bí ẩn này. Họ cho rằng thủ phạm tuyệt diệt loài khủng long đến từ một vành đai của thái dương hệ, trong khu vực có nhiều thiên thạch băng giá và vốn là mảnh vỡ của một sao chổi.
Theo các phân tích của nhóm, sao Mộc chính là nguyên nhân khiến một phần sao chổi đâm vào Trái đất. Ngoài ra, hiện tượng này cũng có rủi ro xảy ra khoảng 250 - 750 triệu năm/lần.
Nghiên cứu của nhóm đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports vào tuần này. Họ bác bỏ một giả thuyết đã tồn tại từ lâu rằng "đại địa chấn Chicxulub" được gây nên bởi mảnh vỡ của một thiên thạch lớn hơn, đến từ vành đai chính của thái dương hệ.
Thay vào đó, họ cho rằng Trái đất là nạn nhân của sao chổi. Những sao chổi lang thang vào thái dương hệ được sao Mộc tiếp sức bằng lực hấp dẫn lao nhanh về phía Mặt trời. Hệ quả là khi đến gần Mặt trời, sao chổi - cấu tạo chủ yếu là băng đá - xuất hiện lực thủy triều do trọng lực khổng lồ của Mặt trời tạo ra. Lực này lớn đến mức ngay cả sao chổi lớn nhất cũng rạn nứt và sinh ra hàng nghìn mảnh vỡ.
"Mỗi mảnh vỡ này đủ lớn để tạo ra thiên thể cùng kích cỡ va chạm ở Chicxulub - chính là sự kiện tuyệt diệt khủng long trên Trái đất", Siraj lập luận.
Các nhà khoa học cho biết kết quả tính toán này nhất quán với tuổi đời của hố va chạm Chicxulub và như vậy cách giải thích về nguồn gốc và các tác động của hiện tượng này là hoàn toàn hợp lý.
Nhà thiên văn học Avi Loeb cho biết nghiên cứu này đưa ra cách giải thích cơ bản về sự xuất hiện của sự kiện tuyệt chủng khủng long cách đây 66 triệu năm.
Theo ông, trên thực tế, nếu một vật thể bị vỡ ra khi nó đang đến gần Mặt trời thì khả năng xảy ra những sự kiện thiên văn như trên là rất cao và cũng phù hợp với dạng tác động đã quét sạch các loài khủng long trên Trái đất vào thời điểm đó.