Theo một nghiên cứu mới, muỗi truyền sốt xuất huyết và các bệnh khác tại một số khu vực ở châu Á đã phát triển khả năng kháng thuốc diệt côn trùng nên rất cần biện pháp mới để kiểm soát chúng.

Phát hiện muỗi kháng thuốc diệt côn trùng ở châu Á

Cẩm Bình | 12/01/2023, 13:12

Theo một nghiên cứu mới, muỗi truyền sốt xuất huyết và các bệnh khác tại một số khu vực ở châu Á đã phát triển khả năng kháng thuốc diệt côn trùng nên rất cần biện pháp mới để kiểm soát chúng.

Giới chức y tế nhiều nơi thường diệt muỗi bằng cách phun thuốc. Tình trạng kháng thuốc đã là mối lo ngại từ lâu, nhưng mức độ và quy mô vẫn chưa được hiểu rõ.

Để hiểu rõ tình trạng kháng thuốc diệt côn trùng, nhà khoa học Shinji Kasai (Viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản) cùng nhóm nghiên cứu của mình tiến hành kiểm tra muỗi tại một số quốc gia châu Á và Ghana. Họ ghi nhận không ít đột biến khiến một số loài muỗi hầu như không hề hấn gì trước hóa chất gốc pyrethroid chẳng hạn như permethrin.

phamosquito.jpg
Muỗi kháng thuốc là mối lo ngại từ lâu - Ảnh: Straits Times

“Tại Campuchia, hơn 90% muỗi Aedes aegypti có sự kết hợp giữa các đột biến dẫn đến mức độ kháng thuốc cực cao”, nhà khoa học Kasai nói với hãng tin AFP. Ông phát hiện vài loài muỗi kháng thuốc gấp 1.000 lần thay vì 100 lần như trước đây.

Như vậy lượng thuốc từng có thể tiêu diệt 100% muỗi giờ đây chỉ tiêu diệt được khoảng 7%. Thậm chí tăng liều lượng lên gấp 10 lần cũng chỉ tiêu diệt được 30% số muỗi siêu kháng thuốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, muỗi Aedes aegypti mỗi năm có thể truyền sốt xuất huyết cho khoảng 100 - 400 triệu người, mặc dù 80% trường hợp là ca bệnh nhẹ hoặc ca không triệu chứng. Vài loại vắc xin sốt xuất huyết đã được phát triển và giới nghiên cứu cũng dùng đến vi khuẩn xử lý vi rút trong muỗi, nhưng cả hai cách đều chẳng thể nào loại bỏ hoàn toàn sốt xuất huyết. Ngoài ra, muỗi Aedes aegypti còn mang nhiều mầm bệnh khác như Zika hay vi rút sốt vàng da.

Aedes albopictus cũng phát triển khả năng kháng thuốc mặc dù ở mức độ thấp hơn, có thể do loài muỗi này chủ yếu hút máu động vật, ít tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng như Aedes aegypti hút máu người.

Mức độ kháng thuốc của muỗi ở nơi khác nhau rất khác nhau. Muỗi tại Ghana và muỗi tại Indonesia, Đài Loan vẫn rất nhạy cảm với thuốc diệt côn trùng hiện có (phải dùng liều lượng cao hơn).

Phó giáo sư Cameron Webb (Đại học Sydney) nhận định, nghiên cứu trên cho thấy các biện pháp diệt muỗi thường được sử dụng có thể không còn hiệu quả nữa. Ông cho rằng bên cạnh tạo ra thuốc diệt côn trùng mới, giới chức trách cùng giới nghiên cứu cũng cần nghĩ ra nhiều cách khác để bảo vệ cộng đồng – chẳng hạn như vắc xin.

Nhà khoa học Kasai đề xuất xoay vòng sử dụng thuốc diệt côn trùng, tuy nhiên hiện tại không có nhiều lựa chọn thuốc. Một biện pháp khả thi khác là tăng cường nỗ lực loại bỏ môi trường muỗi sinh sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện muỗi kháng thuốc diệt côn trùng ở châu Á