Trong giai đoạn phát triển sau khi mở cửa trở lại, Việt Nam cần định vị phát triển bền vững là định hướng quan trọng trong tất cả các chiến lược phát triển du lịch.
Tại Talk show Nguy cơ với chủ đề “Tiên phong giải các bài toán thúc đẩy doanh nghiệp”, ông Trần Trọng Kiên (Chủ tịch Thiên Minh Group) cho rằng để có thể sớm đưa ngành du lịch Việt Nam trở lại đường đua, Chính phủ cần có một lộ trình mở cửa rõ ràng dựa trên những hiểu biết tốt nhất mà Việt Nam có được, cùng những bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới.
Sở dĩ ông Kiên đưa ra ý kiến trên bởi trong 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 đã để lại cảnh “hoang tàn” chưa từng có trong vòng 50 năm phát triển của ngành du lịch.
Chủ tịch Thiên Minh Group cho biết ngành du lịch thế giới sụt giảm tối thiểu đến 80% trong thời gian vừa qua, hàng trăm triệu người lao động bị mất việc làm. Việc hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỉ người dân toàn cầu.
Theo ông Trần Trọng Kiên, trong nước ước tính đã mất đi ít nhất 80% các công ty du lịch, 50% khách sạn phải đóng cửa, khoảng 2 triệu người mất công ăn việc làm. Trong vòng 18 tháng qua, doanh thu toàn ngành đã sụt giảm trên 60%, số khách giảm trên 40% trong năm ngoái. Trong vòng 3 tháng qua, hầu như Việt Nam không còn hoạt động du lịch.
Vì vậy, bên cạnh các tiềm năng nội tại, ông Kiên nhấn mạnh: “Việt Nam cũng có thể học hỏi từ các khuyến cáo của tổ chức như Liên Hiệp Quốc, các nước Châu Âu, Anh, Mỹ và đặc biệt là Singapore và Thái Lan”.
Cụ thể, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Singapore đã đưa ra nhiều biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là trong ngành du lịch như mở các khoản vay giải cứu từ 1 - 5 triệu SGD, hỗ trợ đến 30% tiền thuê mặt bằng tư nhân, miễn phí thuê mặt bằng do nhà nước sở hữu hoặc quản lý…
Đáng chú ý, ông Trần Trọng Kiên cho biết Tổng cục Du lịch Singapore là một tổ chức rất năng động và là một đối thủ cho ngành du lịch Việt Nam học hỏi. Họ đã tạo ra những khái niệm mới trong việc phân chia đối tượng hành khách trong lĩnh vực du lịch bền vững.
Theo đó, Wander Must là nhóm du khách trẻ đam mê xê dịch, yêu thích công nghệ mới và luôn sẵn sàng khám phá những trải nghiệm du lịch độc đáo. Mindful Explorer - nhóm du khách bền vững, yêu thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời, có xu hướng đưa ra những lựa chọn mang tính bền vững, hướng đến kết nối với thiên nhiên và người dân bản địa.
Trong khi đó, Slow Pacer là nhóm du khách “sống chậm” - chú trọng hoạt động du lịch nghỉ dưỡng giúp thư giãn, chữa lành những mệt mỏi và áp lực cuộc sống.
Theo nhận định từ ông Kiên, Việt Nam luôn là một điểm nhấn hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Trong giai đoạn phát triển sau khi mở cửa trở lại, Việt Nam cần định vị phát triển bền vững là định hướng quan trọng trong tất cả các chiến lược phát triển du lịch.
Được biết, Singapore là một ví dụ trong việc Chính phủ khuyến khích và chế tài rất cao để buộc tất cả các doanh nghiệp tham gia vào ngành du lịch một cách bền vững và hệ thống nhất.
Để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững về du lịch và toàn diện trên cả quốc gia, Chính phủ Singapore đã giới thiệu Kế hoạch Singapore Green Plan 2030. Trong đó, thiết lập các mục tiêu “phủ xanh” 80% tất cả các tòa nhà vào năm 2030 như một phần cam kết trong Chương trình Nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên Hiệp Quốc và Thỏa thuận Paris.
Bộ Môi trường bền vững trực thuộc Chính phủ Singapore tập hợp nỗ lực của các cơ quan khác nhau, nhằm hướng tới một số mục tiêu chính như trồng thêm 1 triệu cây xanh, tăng gấp 4 lần sản lượng năng lượng mặt trời vào năm 2025, giảm 30% chất thải được đưa đến bãi chôn lấp đến năm 2030…
Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần phải học các tấm gương từ thế giới để có kế hoạch dài hơi thu hút du khách.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”