Thông qua việc thực hiện Chương trình KC.10/16-20, các nhà khoa học trong lĩnh vực Y - Dược đã đăng ký 25 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích.

Chương trình KC.10/16-20 mang lại nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích trong lĩnh vực Y - Dược

Thu Anh | 28/10/2021, 12:54

Thông qua việc thực hiện Chương trình KC.10/16-20, các nhà khoa học trong lĩnh vực Y - Dược đã đăng ký 25 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích.

Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 đã tổ chức Hội nghị tổng kết sau 5 năm thực hiện. Đây là Chương trình được Bộ KH-CN phê duyệt thực hiện từ năm 2016 với mục tiêu nhằm ứng dụng và phát triển các kỹ thuật, KH-CN tiên tiến trong lĩnh vực Y - Dược, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng KH-CN cao ngang với các nước đứng đầu ASEAN.

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình KC.10/16-20 triển khai 40 đề tài và 6 dự án, phân bổ đều ở các nội dung nghiên cứu. Trong đó, có 41 công bố quốc tế, đào tạo 79 thạc sĩ, 7 bác sĩ nội trú và 49 tiến sĩ và đào tạo nâng cao trình độ KH-CN cho hơn 1.000 nhà khoa học tham gia nghiên cứu các đề tài.

Cũng thông qua thực hiện Chương trình, các nhà khoa học trong lĩnh vực Y - Dược đã công bố 36 bài báo quốc tế uy tín, 223 bài báo khoa học trong nước, đăng ký 25 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích...

viet-nam-phat-trien-cac-ky-thuat-kh-cn-tien-tien-trong-linh-vuc-y-duoc.jpg
GS.TS Phạm Gia Khánh (Chủ nhiệm chương trình) - Ảnh: BTC

Theo GS.TS Phạm Gia Khánh (nguyên Giám đốc Học viện Quân Y - Chủ nhiệm Chương trình), nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần cứu sống nhiều người bệnh với giá thành rẻ hơn so với đi nước ngoài điều trị như ghép phổi, truyền máu song thai, các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư…

Nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá thành rẻ hơn so với nhập khẩu như kim luồn tĩnh mạch, thủy tinh thể nhân tạo, sản phẩm điều trị Alzheimer, các kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm...

GS.TS Phạm Gia Khánh cũng cho biết hầu hết các nhiệm vụ tạo ra các giải pháp và công nghệ mới có kết quả đều được ứng dụng ngay trong thực tiễn. Điển hình như Quy trình ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống, hoặc người cho chết não đã được ứng dụng tại Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức.

Phương pháp thủy châm chế phẩm chứa nọc ong để chống viêm, giảm đau trên bệnh nhân thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối, viêm quanh khớp vai hiện đang được áp dụng hiệu quả tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương...

Ngoài ra, còn có liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư, như tế bào miễn dịch tự thân gamma delta Tvaf diệt tự nhiên điều trị ung thư phổi, liệu pháp tế bào CAR-T điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp có kết quả tốt trong thực nghiệm, sẽ được ứng dụng trong lâm sàng…

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết (nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đánh giá các nghiên cứu, kỹ thuật phát triển nhanh chóng, bắt kịp trình độ của thế giới. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cũng nhấn mạnh tới việc cần đổi mới phương thức quản lý trong giai đoạn tới, cụ thể giao toàn quyền cho các nhà khoa học lựa chọn người đủ năng lực tham gia nghiên cứu, phía cơ quan quản lý chỉ quản lý bằng sản phẩm, kết quả, sản phẩm đầu ra của đề tài…

Ghi nhận những đóng góp từ Chương trình, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng nhận định: “Chương trình KC.10/16-20 đã đạt được những kết quả rất đánh khích lệ nhưng sẽ trọn vẹn và mang ý nghĩa kinh tế - xã hội hơn nếu kết nối được nhiều hơn nữa với khu vực doanh nghiệp”.

Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng cho biết hiện nay Bộ KH-CN đang triển khai Chương trình Phát triển thị trường KH-CN được Chính phủ phê duyệt và gợi ý để doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng các nhà khoa học.

Giai đoạn tiếp theo, theo Thứ trưởng, Bộ KH-CN đang tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH-CN, trong đó có Chương trình KC.10. Để nâng cao hiệu quả, Bộ đang thay đổi trong công tác quản lý, tập trung xử lý, điều chỉnh các thông tư, hướng dẫn quản lý các chương trình để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học đam mê cống hiến, tập trung cao nhất cho chuyên môn và không bị khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bài liên quan
Thúc đẩy kiến thức kỹ thuật số cho trẻ em ở Việt Nam
Đại sứ quán Thụy Điển cam kết hợp tác với các bạn trẻ và tổ chức Plan International, thúc đẩy kiến thức kỹ thuật số cho trẻ em gái và trẻ em nói chung ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình KC.10/16-20 mang lại nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích trong lĩnh vực Y - Dược