Bé gái 1 ngày tuổi quê ở tỉnh Quảng Trị vừa được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống khi vừa sinh ra đã không may mắc căn bệnh teo thực quản bẩm sinh.
Theo thông tin từ Ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, đơn vị vừa phẫu thuật thành công để cứu sống bé gái sơ sinh quê ở tỉnh Quảng Trị. Bé gái có tên N.T.A.N sinh ngày 10.5.2021 tại huyện Hướng Hóa, sau khi sinh bé gái có biểu hiện bị ngạt, quá trình hồi sức bé đã khóc được nhưng bú sữa mẹ yếu, hơi thở bị khò khè, tình trạng khó thở tăng dần.
Bé gái lập tức được chuyển xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, tại đây em bé được làm các xét nghiệm và được chẩn đoán mắc chứng teo thực quản có đường rò thực quản - khí quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn sơ sinh. Các bác sĩ Bệnh viện Quảng Trị tiên lượng đây là một bệnh lý ngoại khoa nặng, nằm ngoài khả năng chuyên môn nên đã chuyển bé vào Bệnh viện Trung Ương Huế cơ sở 2 tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế).
Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Phó giám đốc Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn cấp tốc. Tiến sĩ Xuân nhận định, đây là một bệnh lý sơ sinh nặng hiếm gặp, nếu không cứu chữa kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Trưa 11.5, ê kíp gồm khoa Gây mê hồi sức, Nhi sơ sinh và Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân làm phẫu thuật viên chính đã tiến hành mổ cấp cứu cho em bé. Sau hơn 2 giờ tập trung cao độ, ca mổ đã thành công, đã tiến hành đóng được lỗ rò khí quản - thực quản và khâu nối tạo hình lại thực quản
Đến hiện tại, sau 5 ngày phẫu thuật, tình trạng suy hô hấp và viêm phổi của trẻ đã được cải thiện rõ rệt, các dấu hiệu sinh tồn đã ổn định, tính trạng nhiễm trùng cũng đã được khống chế.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân thông tin thêm rằng, bệnh lý teo thực quản có rò khí quản - thực quản của trẻ thuộc tuýp 4, đây là một trong những tuýp rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1% trong các tuýp bệnh lý teo thực quản. Tuýp này thường gây ra tình trạng suy hô hấp nặng sau sinh, nếu không được hồi sức và phẫu thuật cấp cứu kịp thời thì rất khó cứu chữa.
“Bệnh lý này đã được phẫu thuật thành công ở nhiều Bệnh viện lớn trong cả nước, tuy nhiên đây là lần đầu tiên được thực hiện ở Bệnh viện Trung Ương Huế CS2”, Tiến sĩ Xuân nhấn mạnh.
Thời điểm này, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đang gánh vác rất nhiều nhiệm vụ. Bệnh viện này phải tiếp bệnh nhân nặng từ các bệnh viện ngoại tỉnh chuyển tuyến lên, đồng thời cật lực tham gia công tác chống dịch khi tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc COVID-19