Hơn cả nỗi lo, việc người dân phải đóng phí đường bộ quá cao khi qua các trạm thu phí đã trở thành “nỗi sợ”.

Phí đường bộ và nỗi lo của Bộ trưởng giao thông

13/05/2016, 12:21

Hơn cả nỗi lo, việc người dân phải đóng phí đường bộ quá cao khi qua các trạm thu phí đã trở thành “nỗi sợ”.

Làm đường tốt hơn trước thì phí đường bộ phải thu cao hơn trước, điều này không người dân nào thắc mắc. Nhưng thu bao nhiêu là vừa, còn thu bao nhiêu là cao, thì cái này người dân phải được biết, chứ không thể đặt mức phí một cách tùy tiện, chỉ tính được cho nhà đầu tư, còn thì mặc kệ người dân phải đóng phí mỗi khi qua trạm, dù nhiều khi người ta chỉ đi có mấy cây số.

Thực tế là ở nhiều con đường, nhiều đoạn đường, số trạm thu phí dày đặc tới mức “ra ngõ là gặp…trạm thu phí”, và tiền đóng phí qua trạm còn nhiều hơn tiền nhiên liệu. Và ai được hưởng lợi từ tiền dân?

Đó không còn là nỗi lo của người dân đóng phí qua trạm, mà cũng đã thành nỗi lo của chính Bộ trưởng giao thông. Đây cũng là lần đầu tiên người dân nghe được một Bộ trưởng giao thông lo về mức phí cao đánh vào người dân:

“Để Quỹ bảo trì đường bộ hoạt động tốt hơn thì phải đặt tính minh bạch trong thu, chi quỹ Đừng để người dân đóng phí mà không biết phí rơi vào đâu, nằm ở chỗ nào” - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết như vậy tại cuộc họp thường kỳ đánh giá công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ quý 2/2016 của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương vào chiều 10.5.2016.

Nỗi lo của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa là có cơ sở, vì ngay trong nội bộ những cổ đông tham gia BOT, thì đã có những cổ đông nghi ngờ về sự thất thoát của tiền thu phí, như cổ đông Cienco 1 tham gia BOT đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ đã nói ra sự nghi ngờ đó của mình. Còn với Bộ trưởng giao thông, khi lo như vậy, ông Nghĩa đã đặt mình vào vị trí người dân phải nộp phí qua trạm, chứ không chỉ đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư, hay vị trí của Chủ tịch Quỹ bảo trì đường bộ.

Vấn đề “thu đúng thu đủ” nói ra thì dễ, nhưng thu bao nhiêu là "đúng” và thu bao nhiêu là “đủ” thì quả thật không dễ tính toán. Thu phí qua trạm là hình thức dễ nhất để “huy động vốn” từ người dân, nhưng tiền dân không phải của kho vô tận, nên phải hết sức công tâm tính toán, để nhà đầu tư được lợi, nhưng dân cũng không bị thiệt. Còn công khai minh bạch trong chuyện thu phí là đương nhiên, nhưng làm sao kiểm tra? Nếu chỉ đơn thuần dựa vào cuống vé để kiểm tra thì không đủ.

Nhưng đó vẫn là việc “nội bộ” của Bộ giao thông và nhà đầu tư, còn với dân, người ta chỉ quan tâm tới giá phí qua trạm, và cự ly giữa hai trạm thu phí. Nếu đặt quá gần nhau là dân có ý kiến.

Đã có cơ hội được đi ô tô 4 chỗ trên nhiều con đường ở Pháp, tôi nhận thấy cự ly giữa hai trạm thu phí ở quốc gia này là khoảng 150 km. Nhưng đó là đường cao tốc 6 làn xe, và trạm thu phí đều tự động. Giá vé mỗi trạm xê dịch từ 5-10 euro. Nhưng đừng quên, thu nhập của người dân Pháp bao nhiêu một năm, còn thu nhập của người Việt Nam bao nhiêu một năm. Chưa kể chất lượng hai con đường là hoàn toàn khác nhau, dù có những đoạn đường ở Việt Nam cũng mang tên “đường cao tốc” nhưng mới làm đã hỏng, mới làm xong đã xuống cấp.

Nỗi lo của Bộ trưởng giao thông Trương Quang Nghĩa, vì vậy, là hoàn toàn có cơ sở, hoàn toàn hiểu được, và lẽ ra phải được đặt ra từ lâu.

Thanh Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phí đường bộ và nỗi lo của Bộ trưởng giao thông