Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc kiểm tra kinh doanh hàng hóa của Công ty CP Con Cưng.

Phó thủ tướng yêu cầu khẩn trương kết luận đúng bản chất vụ Con Cưng

Trí Lâm | 10/08/2018, 12:08

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc kiểm tra kinh doanh hàng hóa của Công ty CP Con Cưng.

          

Theo văn bản Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công Thương, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường khẩn trương kết luận có hay không có vi phạm của Công ty CP Con Cưng trong việc kinh doanh hàng hóa đối với số lượng hàng hóa đã kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cần chủ động cung cấp thông tin chính thức cho cơ quan truyền thông, bảo đảm phản ánh đúng bản chất của vụ việc, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Phó thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1.9.2018.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) gửi Chính phủ, Con Cưng bán hàng hoá nhập khẩu không có hoá đơn chứng từ; hàng hoá sản xuất tại Việt Nam nhưng ngôn ngữ trình bày không phải bằng tiếng Việt; dùng nhãn giấy dán mang nội dung khác đè lên nhãn gốc; túi nilon đựng sữa ghi sử dụng công nghệ Đức nhưng không ghi xuất xứ sản phẩm; mỹ phẩm trên nhãn không thể hiện số công bố lưu hành; nhiều loại hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định và thực hiện nhiều chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được các giấy tờ có liên quan.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới trước đó, luật sư Kiều Anh Vũ - Công ty Luật KAV Lawyers thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng những hành vi của Công ty CP Con Cưng được phản ánh cho thấy có dấu hiệu gian lận thương mại, vi phạm nhiều quy định của pháp luật.

Theo ông Vũ, gian lận thương mại có thể hiểu là hành vi gian dối, lừa dối trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thu lợi bất chính.

Về việc sản phẩm bị lỗi, tem nhãn có dấu hiệu bị cắt và thay thế mà người tiêu dùng phản ánh thì đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Cạnh tranh.

Theo đó, ông Vũ cho rằng người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

“Luật cũng nghiêm cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”, ông Vũ nói.

Luật Cạnh tranh cũng quy định hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công… là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, hàng thay mác tức là hàng giả, không tranh cãi. Người tiêu dùng phải mua hàng giả là không chấp nhận được. Con Cưng chỉ có một giải pháp duy nhất là công khai bản chất các công đoạn hình thành sản phẩm này.

“Nếu công ty cố tình gây ra lỗi, vi phạm pháp luật thì phải khởi tố hình sự. Nếu đây là lỗi của nhà cung cấp thì Con Cưng phải khởi kiện nhà cung cấp tội lừa đảo và cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ vụ này”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, trước mắt, tất cả những sản phẩm này phải được thu hồi và trả lại tiền cho khách hàng. “Tiền rất quý nhưng không thể làm như vậy! Ðây là quan điểm xuyên suốt và không có ngoại lệ”, ông Hưng cho hay.

Như tin đã đưa, ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ tại P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) mua sản phẩm cho em bé ở một siêu thị thuộc hệ thống của Công ty CP Con Cưng tại địa chỉ 788 Âu Cơ (P.14, Q.Tân Bình) và phát hiện một bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái, mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion - NV), ghi xuất xứ từ Thái Lan.

Ông Vĩnh nghi ngờ các sản phẩm này có thể là hàng giả từ phía công ty Thái Lan hoặc do Con Cưng nhập hàng giả về xong tự gắn mác thương hiệu vào. Ông Vĩnh đã đến cửa hàng lập biên bản trả hàng, đồng thời gửi khiếu nại đến Cục Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) về trường hợp của chuỗi cửa hàng này.

Trong thông cáo mới nhất, Con Cưng đã đưa ra giấy chứng nhận phân phối hàng chính hãng cho 22 đối tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, một vài văn bản đều mới ký từ ngày 1.8.2018.

Lam Thanh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng yêu cầu khẩn trương kết luận đúng bản chất vụ Con Cưng