Từ sau khi tốt nghiệp khoá một học viện HAGL JMG, ngôi sao tiền vệ người Tuyên Quang đã có từ ba đến bốn năm thi đấu ở môi trường bóng đá đỉnh cao. Tuy nhiên, tài năng của Xuân Trường dường như không hề phát triển.
Chơi bóng ở vị trí tiền vệ trung tâm -nơi buộc các cầu thủ luôn phải va chạm gần như là đối kháng với các tiền vệ đối phương.
Nó đòi hỏi cầu thủ phải có nền tảng thể lực cao, tần suất hoạt động không mệt mỏi và một khả năng tranh chấp bóng tốt lẫn tổ chức phản công nhanh.
Những đòi hỏi và yêu cầu trên hầu như không tồn tại trong tố chất của tiền vệ ngôi sao Lương Xuân Trường. Khi còn chơi bóng ở Việt Nam, vào thời điểm mới ra ràng, tiền vệ 22 tuổi này đã được đánh giá là cầu thủ không thật sự sung mãn về thể lực.
Do nền tảng thể lực không cao nên những pha tranh chấp bóng 5-5 với tiền vệ đối phương, Xuân Trường thường thất bại và cũng không có nhiều sức lực để rượt đuổi và tranh cướp bóng cùng đối thủ nên tiền vệ này thường xoạt bóng để cắt đường tấn công của đối thủ.
Đây là chìa khoá giải thích lý do lối đá hiền lành của Xuân Trường lại hay dính nhiều thẻ phạt. Chiếc thẻ đỏ ở VCK Asian 2016 là một minh chứng.
Khi lứa Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường đang ở độ chín của sự nghiệp thì bầu Đức quyết định “gả con” cho hai nền bóng đá hàng đầu châu lục là Nhật Bản và Hàn Quốc. Với cái tên gọi mỹ miều đi tu nghiệp nhưng thật chất bộ ba này đánh bóng băng ghế dự bị ở ba CLB khác nhau.
Hai năm trường kết bạn với băng ghế dự bị cho hai câu lac bộ bóng đá Hàn Quốc đã lấy đi của Xuân Trường rất nhiều thứ, từ thể lực cho đến cảm giác bóng lẫn khả năng sáng tạo trên sân.
Được triệu tập vào tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng, tiền vệ Lương Xuân Trường được ông thầy ưu ái “ cứu thua” với một hàng tiền vệ 3 người trong sơ đồ 4-3-2-1 quen thuộc của ông thầy xứ Nghệ.
Nhưng rồi, triều đại ấy kết thúc, HLV Park Hang Seo về cầm quân và ông muốn thổi một luồng gió mới vào lối chơi của các đội thuyển Việt Nam với sơ đồ chiến thuật 3-4-3 thì “cơn ác mộng” hiện về vây lấy Xuân Trường và ám ảnh cả người đá cặp.
Trong cả 3 trận đấu của U.23 VN trên đất Thái, HLV Park Hang Seo đều sắp xếp bộ đôi tiền vệ Xuân Trường và Đức Huy đá ở vị trí trung tâm.
Và rồi trong những lần mất bóng ở khu vực giữa sân thì chỉ còn mình tiền vệ đang khoác áo Hà Nội FC chạy vạy khắp nơi để bịt kín lỗ hổng để tranh cướp bóng. Thi thoảng lắm mới thấy Xuân Trường tham gia phòng ngự.
Cách chơi bóng khá từ tốn của Xuân Trường khiến cho người ngoài cuộc thoạt trông cứ tưởng anh giữ chân, ngại va chạm và muốn an toàn về phần mình.
Nhưng thật sự bản chất của vấn đề nằm ở chỗ Trường muốn chạy theo tranh bóng cũng không có sức mà chạy. Bàn thắng đầu tiên của U.23 Uzbekistan xuất phát từ vị trí của tiền vệ này.
Cầu thủ số 22, Sidikov Javokhir của đội bạn cầm bóng đi một mạch đến sát vòng cấm. Phía sau anh là Xuân Trường, người di chuyển một cách lững thững và chẳng hề có ý định can thiệp. Để rồi chỉ mất 5 giây sau, bóng đã nằm gọn trong lưới thủ thành Văn Hoàng.
Sự mềm yếu trong cách chơi của Xuân Trường có lẽ xuất phát từ việc anh rất ít được thi đấu trong 2 năm “du học” tại Hàn Quốc.
Thực tiễn chơi bóng hạn chế khiến Trườngđánh mất cảm giác và thể trạng tốt nhất có thể. Từ đó tạo ra hình ảnh một cầu thủ thu mình trong “vỏ bọc lối chơi” cố định.
Chỉ còn vài tuần nữa sẽ đến VCK U23 châu Á 2018, việc chờ Xuân Trường thay đổi là điều khó xảy ra. Mà nếu có chăng cũng chỉ là sự cải thiện.
Nếu ông Park không muốn đánh cược, ông chỉ có 2 lựa chọn. Hoặc mạnh dạn gạt Trường ra khỏi đội hình, hoặc chấp nhận thay đổi chiến thuật.
Trở lại với sơ đồ 4 hậu vệ quen thuộc có thể sẽ giúp ích cho cả Duy Mạnh và Xuân Trường. Nhưng liệu có kịp nữa không khi mà mọi ý tưởng và tâm sức đã dồn vào 3-4-3 những tháng ngày qua?
Biên Thành, Lê Phạm