Dựa vào tấm bản đồ Việt Nam do tướng CIA Timmes trải sẵn trên đất, Nguyễn Cao Kỳ đưa đầu bút chì vạch một đường cắt ngang phía Bắc vịnh Cam Ranh, rồi hứa hẹn “có điều kiện” với đại sứ Martin: "Nếu chúng tôi có thể cầm chân cộng sản ở đây...". Hai tiếng “Cam Ranh” có sức đánh thức tham vọng của các nhà quân sự nước ngoài khi dòm ngó đến bờ biển Nam VN...

Phụ lục 7: Vịnh Cam Ranh và ảo ảnh 'Bắc vĩ tuyến 13'

Một Thế Giới | 27/01/2015, 04:32

Dựa vào tấm bản đồ Việt Nam do tướng CIA Timmes trải sẵn trên đất, Nguyễn Cao Kỳ đưa đầu bút chì vạch một đường cắt ngang phía Bắc vịnh Cam Ranh, rồi hứa hẹn “có điều kiện” với đại sứ Martin: "Nếu chúng tôi có thể cầm chân cộng sản ở đây...". Hai tiếng “Cam Ranh” có sức đánh thức tham vọng của các nhà quân sự nước ngoài khi dòm ngó đến bờ biển Nam VN...

Phụ lục 6: Tình báo dinh Độc Lập vào cuộc thanh toán nội bộ 
Phụ lục 5: Đại sứ Martin đến sân bay Tân Sơn Nhất vào giờ chót để làm gì?

Theo tài liệu của TS Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter thì “Người Mỹ đã bỏ ra 2 tỉ đô la để xây dựng lên căn cứ không quân và hải quân xung quanh cái cảng thiên nhiên mà các cường quốc phương Tây dòm ngó từ thế kỷ 19. Đây là vị trí hoàn hảo dành cho các tàu trọng tải lớn, các cầu tàu sân bay và các câu lạc bộ”. Từ lợi thế chiến lược hiếm thấy của vùng Đông Nam Á, Cam Ranh được đầu tư mọi thứ, xây “các căn nhà đặc biệt dành cho các chuyến viếng thăm cấp tổng thống” đến cả xưởng “làm nước đá”. Có khoảng 5.000 công trình xây dựng lớn nhỏ nằm trong phức hệ đó.

Theo một số nhà quan sát, Vịnh Cam Ranh  từ lâu là cái “neo chiến lược” giữ chân Mỹ ở lại miền Nam. Giờ đây, Mỹ ngán ngẩm cố rút chân ra, Nguvễn Cao Kỳ lại giơ cái “neo” ấy lên, đồng thời cột thêm điều kiện để “chận đứng đà tiến công của cộng sản” là cần:
  • Có một ban lãnh đạo mới và mạnh.

Kỳ nói toạc ra:

  • Chúng tôi chỉ muốn một điều là Thiệu phải từ chức và thay bằng một chính phủ mạnh, có hiệu lực, để tổ chức chiến đấu...
Xin chú ý các tiếng “mới và mạnh”, “có hiệu lực”, “chiến đấu”... toàn những “khái niệm” mà Martin chán ngán. Trong đầu của đại sứ Mỹ lúc đó có lẽ đang chờn vờn một con bài khác sẽ đưa ra chính trường, dĩ nhiên không phải là Kỳ.
Tuy vậy Martin ngoài mặt vẫn sốt sắng làm như là Kỳ được Tòa đại sứ Mỹ nhắm để thay Thiệu nay mai, vì vậy hỏi Kỳ liệu nên đối xử với Thiệu ra sao nếu lật đổ Thiệu. Kỳ đáp:
  • Tôi căm ghét ông ta (...) nhưng tôi không nuôi ý định trả thù cá nhân Thiệu. Nếu tôi thay Thiệu, tôi sẽ để ông ấy ra đi...
Khi ấy “ủy ban cứu nguy” của Kỳ đã vạch kế hoạch lật đổ sẵn với sự tham gia của các binh chủng không quân, nhảy dù và lực lượng đặc biệt. Chi tiết cuộc đảo chính ra sao Kỳ không trình bày trong cuộc “viếng thăm” của đại sứ Mỹ tại nhà Kỳ hôm đó.

Nhưng Thiệu đã dò ra tin tức về một cuộc binh biến. Trần Văn Đôn cũng vậy, ông cho biết vào đầu tháng 4/1975, khi Huế, Đà Nẵng bị mất, tinh thần binh lính xuống thấp, một số sĩ quan ở Sài Gòn định đảo chính:
“Tôi không biết kế hoạch và dự án đảo chính này. Tôi biết là họ sẽ cho ông Thiệu lưu vong ở Tân Tây Lan rồi trong nước họ sẽ thực hiện theo kế hoạch và đường lối của Mỹ. Trong số sĩ quan được chỉ thị đem quân đảo chính, có đại tá chỉ huy trưởng một trường thiết giáp ở ngoại ô Sài Gòn. Đảo chính muốn thành công phải nhờ vào thiết giáp vì đó là binh chủng có phương tiện hữu hiệu”.

Chính ông đại tá thiết giáp mà ông Đôn nói đến kia đã lộ manh mối cho cháu ông Thiệu là Hoàng Đức Nhã biết. Nhã lập tức thông báo ngay tới Thiệu và Thiệu ra lệnh cho viên trung tướng tư lệnh Quân đoàn III là Nguyễn Văn Toàn đang có mặt ở hướng Đông Sài Gòn báo động quân sự, cấm không được di chuyển chiến thuật, theo dõi động tĩnh trong hàng ngũ các sĩ quan thuộc hạ và sẵn sàng ứng chiến.
Đại sứ Martin thừa biết Kỳ muốn ông ta ủng hộ Kỳ lật Thiệu đồng thời với ảo tưởng... “cầm chân cộng sản ở  vịnh Cam Ranh”. Dầu thâm tâm Martin không ủng hộ Kỳ nhưng trước khi ra về ông ta đã cố tình thòng thêm một câu:
  • Ồng cũng biết, chuyện chẳng phải là dễ. Xin cho tôi vài ngày...
Kỳ kể lại sau hồi ký là sau hai tiếng đồng hồ của cuộc gặp gỡ trên, ông ta nhận định rằng Martin không thực sự hứa hẹn “nhưng có ngụ ý là Thiệu phải từ chức” và  đã “hỏi tôi (Nguyễn Cao Kỳ) sẽ đặt những người như thế nào vào chính phủ mới”.

Một đại sứ Mỹ hỏi một tướng lĩnh nguyên tư lệnh không quân, câu như thế khác nào bật đèn xanh tín nhiệm. Kỳ tin vào ý tứ xa gần trong lời nói đó của Martin mới hân hoan báo tin cho bộ tham mưu thân cận của mình và dặn thêm: “Điều cần làm trước tiên là hủy bỏ vụ đảo chính như đã dự định”. Kỳ viết:

“Như một gáo nước lạnh dội vào đầu tôi, một phụ tá của tôi cảnh cáo: “Không thể tin Martin. Martin có thể chơi trò hai mặt để lừa gạt chúng ta”. Tôi không nghĩ như thế. Nhưng phụ tá của tôi lại thêm rằng Martin đến chẳng qua chỉ là tìm cách để ngăn chặn đảo chính. Nếu đại sứ Mỹ đứng sau lưng chúng ta thì chúng ta cần gì phải đảo chính nữa”!

Martin không muốn diễn lại các màn đảo chính, nhất là vào thời điểm mà ông ta rối bù vì vấn đề di tản người Mỹ được đặt ra ngay sau khi Thiệu lệnh rút bỏ Tây Nguyên.
Theo Frank Snepp, ngót 6.000 quân nhân và dân thường Mỹ cần được chuyển ra khỏi miền Nam Việt Nam. Cộng thêm vào đó là số người Việt Nam làm việc cho sứ quán Mỹ thuộc nhiều cơ quan là 170.000 người, số làm việc cho Mỹ trước đó nữa gồm 93.000 người Việt Nam và gia đình họ gồm 930.000 người, con số khoảng hơn 1 triệu người cần “tỵ nạn” lảng vảng trước mắt Martin.

Do vậy, mặc sức Kỳ đợi, Martin vẫn im lặng làm công việc định sẵn, trong đó không có chuyện để cho Kỳ thay Thiệu lập chính phủ mới như đã “ngụ ý”. Kỳ thì “cứ tạm cho là Martin thành thật” và “chúng tôi quyết định chờ tòa đại sứ Mỹ...”
Nhưng tướng Timmes và Martin biền biệt không thấy tăm hơi. Họ cùng với cuộc “đảo chánh bằng miệng” và cái “chính phủ mới” mà Martin quan tâm hỏi đến tên các thành viên, nay đã biến mất sau cổng tòa đại sứ Mỹ.

Dĩ nhiên, tấm bản đồ “chiến lược” với vết vạch ngang “tuyến phòng ngự” Cam Ranh và Bắc vĩ tuyến 13 không còn chút ý nghĩa nào nữa: Vì quân giải phóng đã vượt qua đó trong cuộc tiến quân thần tốc.
Thiệu chới với giao Nguyễn Bá Cẩn lập nội các chính phủ mới (chứ không phải Martin “giao” và trình diện ngày 14/4/1975).

Hôm sau 15/4, Trần Văn Đôn với tư cách Phó thủ tướng đặc trách Tổng thanh tra kiêm Tổng trưởng Quốc phòng trong nội các Sài Gòn đã bay ra Phan Rang. Để đề phòng hỏa lực từ dưới đất bắn lên, máy bay bọc ra phía biển trong 2 giờ đồng hồ và đáp xuống phi trường đang bị pháo kích.
Vội vã ra đón có Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh biệt khu đảm trách Phan Rang - Phan Thiết, Trần Vân Nhụt, chuẩn tướng, tư lệnh Sư đoàn 2 cùng các đại tá chỉ huy các đơn vị nhảy dù và biệt động quân đang dàn trận.
Trong cuộc họp chớp nhoáng được mở ra có mặt cả Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III, một câu hỏi “đỏ lửa” được nêu lên:
  • Tại sao liên đoàn biệt động quân không giữ được các điểm nút chiến thuật trên đường dẫn đến Phan Rang?
Câu trả lời liên quan đến tướng Smith. (Còn tiếp)

Mai Nguyễn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
44 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ lục 7: Vịnh Cam Ranh và ảo ảnh 'Bắc vĩ tuyến 13'