Chiều 2.2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND nhiệm kỳ 2011-2016.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chính quyền địa phương các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Trong nhiệm kỳ 2011-2016, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát, hướng dẫn, kiểm tra của Quốc hội và Chính phủ, mặc dù còn những hạn chế, bất cập, nhưng chất lượng hoạt động của HĐND và UBND các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, ngày càng chuyên nghiệp hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
HĐND có vị thế ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương. UBND các cấp đã thực hiện tốt chức năng quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn, nghiêm túc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền địa phương đã góp phần hết sức quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng khá cao.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được nâng lên, chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn sắp tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những bất cập, yếu kém trong hoạt động của chính quyền địa phương.
Đó là, tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan còn chồng chéo, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế về phẩm chất và năng lực.
Phó Thủ tướng lưu ý bối cảnh quốc tế và trong nước giai đoạn tới đan xen cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Đại hội lần thứ XII của Đảng và đại hội Đảng bộ các cấp được tổ chức thành công và đã thông qua nghị quyết phát triển đất nước và từng địa phương. Chúng ta lại đang chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cả nước và từng địa phương. Trong bối cảnh đó, cần phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của HĐND và UBND các cấp.
Phó Thủ tướng đề nghị cần chú trọng một số nội dung chủ yếu như: Tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và nghị quyết đại hội Đảng các cấp; tiếp tục hoàn thiện tổ chức, hoạt động xác định rõ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND và UBND các cấp.
Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp chính quyền.
Quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch các quy trình thủ tục. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp. Thực hiện tinh giản biên chế theo đúng tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị.
Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường công khai, minh bạch và phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc xây dựng cơ chế chính sách pháp luật và giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức.
theo Lê Sơn (chinhphu.vn)