Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình ngày 17.1.
Cụ thể, lãnh đạo PVN cho biết trong năm 2018, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ phải đạt được các mốc chính gồm: nhận điện ngược, nhận nước thô, hoàn thành hệ thống khí nén, cấp dầu, tiến hành chạy thử, đốt dầu và đốt than tổ máy 1. Để đạt được các mốc tiến độ quan trọng trên của dự án đòi hỏi cán bộ công nhân viên tổng thầu, các nhà thầu tham gia dự án phải vượt qua nhiều thách thức như: cải thiện tình hình tài chính của tổng thầu Tổng công ty cổ phầnXây lắp Dầu khí (PVC), bù đắp thiếu hụt dòng tiền cho dự án; điều chỉnh các vấn đề về vật tư, mua sắm, nhanh chóng lựa chọn nhà thầu phụ do biến động giá...
Thời gian gần đây, các vụ việc pháp lý liên quan đến một số cán bộ Tập đoàn PVN và các đơn vị thành viên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu suất công việc của cán bộ công nhân viên liên quan ở dự án. Mặt khác, các tổ chức cho vay đang tạm dừng giải ngân; các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước đang quan ngại về tình hình của dự án và tình trạng tài chính của PVC nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thu xếp được phần vốn vay nội tệ trong nước.
Ban Quản lý dự án nhận địnhkhó khăn lớn nhất trong năm 2018 là tình hình tài chính của tổng thầu PVC thiếu hụt và hầu như không thể không thể thu xếp được nguồn vay bổ sung. Theo đó Ban Quản lý dự án kiến nghị tổng thầu cần khẩn trương hoàn thiện thiết kế phần còn lại, đẩy nhanh tiến độ mua sắm, bổ sung nhân lực và làm việc với các nhà thầu nước ngoài để xử lý vương mắc, đặc biệt với các thiết bị sắp hết thời hạn bảo hành. Đồng thời, cần cấp bách thực hiện các biện pháp về tài chính, hoàn thành các chứng từ thanh toán cho nhà thầu phụ…
Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện dầu khí Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng nhấn mạnh: "Các khó khăn thực tại đang xảy ra tại dự án sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, đồng thời có thể phát sinh nhiều chi phí như: lãi vay, phí quản lý, tư vấn PMC, bảo hiểm CAR, nhân công, ca máy, giá vật tư, nguyên, nhiên liệu... Mặt khác, càng kéo dài thời gian thì việc nhà cung cấp thiết bị từ chối hỗ trợ, điều động nhân lực bảo hành, bảo trì cho thiết bị sẽ tăng rủi ro cho tổng thầu PVC và chủ đầu tư trong quá trình chạy thử, vận hành.
Về phía PVC,Tổng giám đốc Nguyễn Đình Thế cho biết tình hình dự án hiện nay đã có nhiềuchuyển biến rõ rệt vì các bên đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực về vốn để triển khai dự án. Tuy nhiên, thiếu nguồn tài chính triển khai khi dự án kéo dài khiến các nhà thầu đang dần cạn kiệt vốn, hết khả năng vay ngân hàng. Mặt khác cũng do thiếu tài chính nên một số thiết bị vẫn bị các đối tác giữ lại, chưa thể đưa về nhà máy để triển khai đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công trong giai đoạn gấp rút là tiền chạy thử nhà máy.
Do còn đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh khẳng định sẽ tổ chức lạitoàn bộ Ban Quản lý dự án, Tổng thầu PVC vì đây sẽ là đội ngũ chủ lực hoàn thành sớm dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bao gồm 2 tổ máy, công suất 1.200MW (2 x 600MW). Nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi than phun trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên; sử dụng than cám 5. Khi vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỉkWh điện mỗi năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đến nay, tiến độ tổng thể đạt 81,29%, trong đó thiết kế đạt 99,51%; ký các hợp đồng mua sắm, chế tạo, vận chuyển đạt 93,23%; thi công đạt 74,24%.
Dự án này được nhắc đến nhiều nhất trong vụ án "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" màông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)và các đồng phạm có liên quan.
Năm 2007, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có chủ trương xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nằm trong quy hoạch điện 6. Chính phủ từng mong muốn khởi công dự án vào tháng 2.2009. Mặc dù vậy, phải tới ngày 1.3.2011 dự án mới được khởi công với mục tiêu phát điện lần đầu vào năm 2014. Tuy nhiên cho đến nay dự án vẫn đang trong quá trình thi công.
Năm 2017, giá trị giải ngân cho dự án ước tính khoảng 1.912 tỉ đồng, nâng tổng số tiền giải ngân lũy kế từ khi khởi công đến hết năm 2017 là 29.452 tỉ đồng. Trong số đó lũy kế giải ngân của hợp đồng EPC (tạm ứng và thanh toán) khoảng hơn 8.000 tỉ đồng và 762,43 triệu USD.
Trong thu xếp vốn, đối với phần vốn vay nước ngoài đến nay đã giải ngân được hơn 432 triệu USD, chiếm 46% hạn mức số tiền vay đã ký (tổng giá trị vốn vay hơn 937 triệu USD). Dự án có tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD.
Với phần vốn vay trong nước, PVN hiện đã làm việc các các ngân hàng Vietcombank và Vietinbank, thống nhất cơ bản về các nội dung hợp đồng vay vốn cho toàn bộ số vốn vay trong nước cần thu xếp là 4.600 tỉ đồng. Hiện PVN với sự hỗ trợ của tư vấn thu xếp vốn PVComBank đang làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thu xếp cho phần vốn vay còn thiếu này.
Tuyết Nhung