Đại sứ các nước châu Phi ở Trung Quốc đã gửi thư tới Ngoại trưởng Vương Nghị để phản đối "sự phân biệt đối xử" đối với người châu Phi tại nước này, đặc biệt là ở thành phố Quảng Châu.

Quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi xấu đi vì COVID-19

13/04/2020, 05:59

Đại sứ các nước châu Phi ở Trung Quốc đã gửi thư tới Ngoại trưởng Vương Nghị để phản đối "sự phân biệt đối xử" đối với người châu Phi tại nước này, đặc biệt là ở thành phố Quảng Châu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các nhà lãnh đạo châu Phi trong một cuộc họp tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, sau khi kiểm soát được ổ dịch ban đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hiện đang lo ngại về các ca nhiễm ngoại nhập và đẩy mạnh kiểm tra người nước ngoài vào nước này cũng như thắt chặt kiểm soát biên giới. Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận, rằng không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trong khi tăng cường các biện pháp xử lý người nước ngoài không tuân thủ kiểm dịch.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, nhiều người châu Phi tại Quảng Châu đã báo cáo về việc bị chủ nhà đuổi ra khỏi các căn hộ đang thuê, bị xét nghiệm COVID-19 nhiều lần mà không được đưa kết quả và bị mọi người xa lánh và phân biệt đối xử. Những khiếu nại này đã được đưa lên các phương tiện truyền thông xã hội.

Bức thư của các đại sứ của các nước châu Phi ở Trung Quốc nói rằng "sự kỳ thị và phân biệt đối xử" đã tạo ra ấn tượng sai lầm rằng coronavirus đang được lan truyền bởi người châu Phi. Bức thư cũng nêu ra một số vụ việc, bao gồm người châu Phi đã bị đẩy ra khỏi khách sạn vào giữa đêm, thu giữ hộ chiếu và đe dọa thu hồi thị thực, bắt giữ hoặc trục xuất.

“Nhóm các đại sứ châu Phi tại Bắc Kinh ngay lập tức yêu cầu chấm dứt việc xét nghiệm ép buộc nhiều lần, kiểm dịch và các biện pháp đối xử vô nhân đạo khác nhằm vào người châu Phi”, Reuters trích dẫn nội dung bức thư và cho biết nó đang được chuyển tới Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, và bản sao của nó cũng được gửi tới Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và tất cả các ngoại trưởng châu Phi.

Một số người châu Phi đang chịu cảnh không có nơi ở tại Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: BBC

Đáng chú ý, Chủ tịch Liên minh Moussa Faki, nói rằng ông đã triệu tập Đại sứ Lưu Dự Tích, người đứng đầu phái bộ Trung Quốc tại Liên minh châu Phi, để bày tỏ “sự quan ngại nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, nhiều nước châu Phi đã bày tỏ mối quan ngại với Trung Quốc. Nigeria, Ghana, Sierra Leone, Senegal... đã lần lượt ra tuyên bố hoặc triệu tập các đại sứ Trung Quốc về vụ việc, bày tỏ quan tâm đến quyền và lợi ích của người châu Phi tại Quảng Châu và lên án mạnh mẽ việc người châu Phi bị phân biệt đối xử.

Ngoại trưởng Ghana Shirley Ayorkor Botchwey ngày 11.4 cho biết bà đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự thất vọng và yêu cầu ngừng các hành vi như vậy. Bộ Ngoại giao Kenya cũng "chính thức bày tỏ quan ngại" và tiết lộ chính phủ đang phối hợp với chính quyền Trung Quốc để giải quyết các vấn đề.

Trong khi đó, nghị sĩ Nigeria Akinola Alabi đã đăng tải lên mạng xã hội Twitter một đoạn video về cuộc gặp giữa lãnh đạo hạ viện Nigeria Femi Gbajabiamila và đại sứ Trung Quốc Zhou Pingjian, trong đó ông Gbajabiamila yêu cầu nhà ngoại giao Trung Quốc giải thích về các lời phàn nàn về tình trạng phân biệt đối xử đối với người Nigeria tại Trung Quốc.

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 12.4, quan chức đối ngoại Liu Baochun của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Quảng Châu đang thực hiện các biện pháp chống dịch đối với bất kỳ ai vào thành phố từ nước ngoài, bất kể quốc tịch, chủng tộc hay giới tính.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe hôm 11.4 cũng đã đưa ra các bình luận bác bỏ cáo buộc người châu Phi đang bị cố tình nhắm mục tiêu. “Trung Quốc coi tất cả các công dân Zimbabwe, cả Trung Quốc và người nước ngoài, đều bình đẳng”, đại sứ quán này tuyên bố.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 9.4 đã khẳng định “chính phủ Trung Quốc đối xử bình đẳng với tất cả người nước ngoài ở Trung Quốc và phản đối mọi cách làm khác biệt nhắm vào các nhóm người cụ thể và không dung thứ đối với những lời nói và hành vi phân biệt đối xử”.

"Nhiệm vụ cấp bách nhất trong công tác phòng dịch của Trung Quốc lúc này là ngăn chặn các ca nhiễm ngoại nhập lây lan. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết và hợp tác của người nước ngoài ở Trung Quốc. Trong khi các biện pháp được tiến hành, đã xuất hiện một số tình huống hiểu lầm. Tuy nhiên, Trung Quốc rất coi trọng và sẽ thúc giục bên liên quan cải thiện cơ chế và phương pháp làm việc của họ”, ông Triệu giải thích.

Hoàng Vũ (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi xấu đi vì COVID-19