Dưới cái tựa chung "Từ góc nhìn quản trị", loạt bài này trình bày các quan sát, nhận xét trên tinh thần xây dựng góp ý về việc quản trị chống dịch COVID-19 tại TP.HCM
Quản trị, theo cách hiểu thông dụng nhất, là sự điều phối và quản lý những trách nhiệm để đạt được mục tiêu. Quản trị bao gồm thiết lập chiến lược cho cơ quan, điều phối các hoạt động và nổ lực của cơ quan nhằm đạt mục tiêu thông qua việc dùng những nguồn lực có sẵn.
Những năm 1995 – 2005, các công ty đa quốc gia lớn của Mỹ thường tổ chức huấn luyện quản trị cho nhân viên cấp quản trị quốc gia, vùng, cả về quản trị chung (general management) lẫn quản trị kinh doanh.
Các khoá huấn luyện thường được tổ chức tại Hong Kong, Singapore, Tokyo, Thượng Hải, Bangkok, Kuala Lampur… Người huấn luyện thường tới từ các viện nghiên cứu, trường đại học tài chánh Mỹ hay châu Âu, và CEO các công ty đa quốc gia rất lớn hay nhà quản trị quốc gia tên tuổi trình bày kinh nghiệm. Mỗi năm có bốn tuần huấn luyện chính thức cùng khoảng mười lăm, hai mươi lần tập họp làm việc ở mức Châu Á – Thái Bình Dương, mỗi lần họp cũng là một lần huấn luyện.
Đối với những người quan tâm tới khoa học xã hội, các khoá này rất hấp dẫn. Quản trị là khoa học, việc quản trị gồm kỹ thuật và nghệ thuật được đúc kết từ những trường đại học danh tiếng, các trường phái tâm lý, triết học trên thế giới, từ kinh nghiệm quản trị thành công đã được thực chứng. Kiến thức về các nền văn minh cũng có ích…
Nhìn về trong nước, nhất là về sau này thường thấy cách quản trị trong nước mâu thuẫn với kiến thức mình có. Thời gian gần đây, cách quản trị việc chống dịch COVID-19 tại TP.HCM cũng bộc lộ những khác biệt đó.
Tôi tin rằng giới chức trách địa phương cũng đang muốn làm tốt nhiệm vụ, các điều chỉnh chính sách chứng minh cho nhận xét trên. Tuy nhiên những thay đổi, điều chỉnh đó chỉ ở mức thực thi, trên từng mảng riêng chứ chưa có một chính sách chống dịch đồng bộ hữu hiệu và thuyết phục được nhiều giới.
Vậy nên dưới cái tựa chung "Từ góc nhìn quản trị", loạt bài này trình bày các quan sát, nhận xét trên tinh thần xây dựng góp ý về việc quản trị chống dịch COVID-19 tại TP.HCM trong thời gian từ 1.5.2021 trở đi, từ góc nhìn quản trị. Từ góc nhìn quản trị nghĩa là quan sát và nhận xét:
Một là cách xác định mục tiêu cho một dự án, chương trình, phong trào… trong phạm vi quản trị chống dịch; cách phân tích cơ hội, thách thức, thuận lợi, nguy cơ… khi thiết lập dự án. Xác định nguồn lực cần thiết.
Hai là cách thiết lập và vận dụng qui trình, phối hợp nguồn lực, vạch và theo dõi kế hoạch hành động… nhằm đạt mục tiêu đã xác định.
Từ góc nhìn này, các quan sát và nhận xét không bàn về các khía cạnh chuyên môn của hiệu quả thuốc, vắc-xin, về hiệu quả và nguy cơ lây lan của các đợt tổ chức tập họp dân chúng… Trên những nguồn lực có sẵn của cộng đồng, quản trị là để điều phối các nguồn lực đó nhằm đạt mục tiêu một cách hữu hiệu nhất cho cộng đồng. Phí phạm các nguồn lực, dù do cách nào đi nữa, bởi động cơ nào đi nữa, cũng là lỗi cần khắc phục của hệ thống quản trị!
Các quan sát và nhận định dựa trên kinh nghiệm thực tế cùng các buổi huấn luyện thảo luận khi đang hoạt động thực tiễn chứ không từ các bài học quản trị chung chung.
Có hai điểm trong triết lý quản trị tôi nghĩ quan trọng cho Việt Nam:
Thứ nhất, bất kỳ quyết định nào ban ra cũng không thể dự trù tất cả các tình huống.
Điểm này yêu cầu khi một quyết định ban ra, sự chuẩn bị cẩn thận đúng kỹ thuật trước và sau khi ban hành là rất cần thiết. Sự tự tin thái quá vào một quyết định khi vừa ban hành mà không kiểm chứng một cách khoa học để điều chỉnh thường dẫn tới thất bại!
Thứ hai, dân chúng phải được thật sự tin cậy vì là thành phần tích cực trong việc cùng giới chức trách thực thi quyết định.
Điểm này yêu cầu càng mời gọi dân chúng cùng tham gia hoạch định kế hoạch càng tốt, ít nhất cũng nên ở mức độ thảo luận công khai và thăm dò ý kiến. Nếu không thì sự sai sót hay rối loạn xảy ra khi thực thi là điều dễ hiểu. Việc công bố muộn các quyết định có thể do địa phương quá tự tin rằng mình đã chuẩn bị kín kẽ, không có bất kỳ sơ hở nào hay tâm lý thiếu tự tin vào sự bình tĩnh người dân chẳng hạn. Cả hai tâm lý này dễ dẫn tới sai lầm!
Muốn mời gọi dân chúng cùng tham gia hoạch định nhà chức trách phải cởi mở thông tin. Nhưng trong thực tế rất nhiều thông tin thay vì phải báo sớm cho người dân lại được chờ đến sát giờ mới công bố! Do đó người dân không thể có các quan sát, nhận xét, phê bình, góp ý một cách thấu đáo để cùng nhà chức trách tổ chức chống dịch. Thật đáng tiếc khi xã hội chưa tận dụng tốt được cái nguồn lực mênh mông trong dân!
Trên những thông tin và số liệu rất ít ỏi được biết, những bài viết này bằng kiến thức khiêm tốn của mình cố gắng quan sát để đưa ra những nhận xét và rút bài học kinh nghiệm. Viết để trao đổi, để học hỏi. Để cho người nào thấy có lý, có ích thì dùng, thấy không có ích thì bỏ đi, thấy có điều cần bổ khuyết hay thảo luận, tranh biện thì người viết rất vui mừng học hỏi và trân trọng cám ơn...
(đón đọc kỳ 2 vào ngày 26.9)