Cuối tuần, nhóm bạn rủ nhau đi phượt để “xả xì trét”, nhưng bàn bạc hoài mà chẳng chốt được phương án nào. Mấy địa điểm gần gần thành phố thì đã đi rồi, còn đi xa thì không đủ thời gian. Cuối cùng, tôi đề nghị cả nhóm kéo về quê tôi chơi, vùng quê miệt miền Tây.
Quê tôi chỉ cách trung tâm thành phố chừng 30 cây số, đi về trong ngày cũng được mà muốn ở qua đêm cũng chẳng sao. Các bạn có vẻ tán đồng, nhưng vẫn bảo: ‘Quê mày có cái gì đâu mà chơi?”. Câu này làm tôi chưng hửng. Tôi ngẫm nghĩ một chút rồi đánh bạo nói: “Quê tôi thiếu thốn nhiều thứ nhưng chắc chắn sẽ có những cái mà nơi khác không có. Đi đi, không uổng phí ngày cuối tuần đâu”.
Thế là chúng tôi khăn gói đi, hành trang mang theo đủ để ở 2 ngày 1 đêm. Dù tôi đoán trong đầu nhiều đứa nghĩ, nếu về mà thấy nhạt nhẽo quá thì ngay xế chiều sẽ quay lại thành phố. Chạy được chừng 1 tiếng đồng hồ thì chúng tôi qua đò. Con sông quê mùa này nước đổ, dòng sông chảy mạnh hơn và nước đục ngầu báo hiệu mùa phù sa ăm ắp sắp tưới tắm cánh đồng quê.
Câu cá ở vùng quê thanh bình - Ảnh: H.H
Vài đám lục bình trôi hối hả theo dòng nước chẳng kịp tự tình cùng lữ khách. Trên chuyến đò ngang, những con người tĩnh lặng dõi mắt phía xa. Bên kia sông là quê tôi, là sự đối lập với bên này nhộn nhịp. Tôi đứng trên đò cảm nhận bao nỗi thân quen, như đứa con xa quê lâu ngày nay sắp được sà vào lòng mẹ.
Đò cập bến, cả nhóm bắt đầu chạy vào con đường mòn. Bên trái chúng tôi là đồng lúa xanh mượt, bên phải là con kênh nước trong leo lẻo. Hai bên đường, hàng còng mát rượi che bóng. Vài đứa trong nhóm bắt đầu trầm trồ về quang cảnh nơi đây, có đứa lấy máy ảnh ra chụp lại những góc ảnh đẹp. Có đứa tháo kính, lột khẩu trang ra, vừa chạy vừa hít hà, bảo phải hít cái không khí trong lành này cho đã thèm mới được, cả tuần ở thành phố toàn hít khí thải với khói bụi, riết muốn nám phổi luôn. Tôi cười.
Đậu xe trước sân một căn nhà sàn nhỏ, mái lợp lá, vách cũng dừng bằng lá như bao căn nhà khác ở cái xóm này. Tôi bảo mấy bạn, đây là nhà tôi. Bạn lên nhà, đứa nằm võng, đứa nằm ngay xuống ván tận hưởng cái yên bình và mát mẻ của những cơn gió đồng.
Chú Năm kế bên nhà qua hỏi: “Ê, bữa nay dắt bạn thành phố về chơi hả mậy?”. Tôi nói: “Thành phố gì đâu chú ơi, mấy bạn này cũng như con, bám lấy thành phố để mưu sinh thôi, chứ đều xuất thân từ các miệt đồng quê Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long này nọ thôi. Chân đứa nào cũng còn dính bùn, dính phèn hết kìa chú ơi”. Chú Năm cười ha ha, nói: “Để tao kiếm mồi về cho mày đãi khách”, rồi chú ra sau hè, chống xuồng mất dạng.
Đi đường mệt, cộng thêm gió trời cứ vi vu thổi mát rượi, mấy bạn tôi nằm lim dim. Có bạn đi dạo quanh nhà, lấy điện thoại ra chụp hình lia lịa. Tôi thắp nhang cho ba má tôi trên bàn thờ gia tiên. Ông bà đã quá cố mấy năm rồi mà thi thoảng tôi mới về nhang khói được. Nhờ có anh chị em ở gần chăm lo cúng kiếng, với lại có thằng cháu đích tôn ở hẳn trong nhà nên tôi mới yên tâm công tác xa.
Những cánh đồng lúa xanh mơn mởn ở quê nhà - Ảnh: H.H
Tôi vừa thắp nhang xong thì thấy chú Ba đi đồng về, quảy một chùm ếch đồng chừng hơn 1 ký. Chú Ba có biệt tài móc ếch đồng nổi tiếng xóm tôi. Mùa nước nổi thì ếch sống theo mấy dề trấp, mấy đám lục bình, lau sậy... Mùa khô thì ếch sống theo các bờ kinh rạch, theo ruộng lúa. Chúng thường ở trong hang dọc theo các bờ mẫu, bờ kinh. Ếch không có khả năng tự đào hang, chỉ sống nhờ mấy hang cua bỏ hoang. Người có kinh nghiệm sẽ nhận ra đâu là hang cua hang ếch. Họ dùng cây mây dài chừng 2 thước, đầu có gắn móc sắt nhọn để móc ếch từ trong hang ra.
Hồi nhỏ tôi cũng thường theo chú Ba ra đồng móc ếch. Chú chỉ tôi cách phân biệt dấu chân ếch và dấu chân cua in trước miệng hang. Chân ếch móng tròn, có hình bàn chân rõ rệt còn cua móng dẹt rời rạc chứ không in dạng bàn chân. Ếch chui ra chui vô hang nào thì miệng hang đó sẽ bóng loáng. Mùa khô, trước mỗi hang ếch thường có 1 nhúm bùn nhỏ do trong hang ếch có nước, có bùn. Ếch có thói quen ngồi trước miệng hang quan sát để săn mồi, khi có động tĩnh thì dễ bề chui ngược vô hang. Bởi vậy, cái nhúm bùn nhỏ chính là bằng chứng “chỉ điểm” trong hang có ếch.
Mặc dù chú Ba chỉ dẫn tường tận vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy cái nghề này hết sức khó khăn. Có lúc tôi xách cần móc đi vô đồng cả buổi mà chẳng được cái nhớt nào. Còn chú Ba thì ra đồng một hồi là cả rọng ếch như chơi. Nhưng đó là chuyện trước đây, chứ bây giờ ếch đồng cũng giảm bớt nhiều lắm, chú Ba kiếm được chừng hơn một ký ếch về nhậu là kỳ công rồi.
Chú Ba và chú Năm là anh em ruột, nhà kế bên nhà tôi. Hai chú coi tôi như con cháu. Hễ mỗi lần về quê, có món gì ngon là 2 chú đem ra đãi, tôi rất trân quý tấm lòng các chú. Chú Ba hỏi tôi về chuyến này chơi được bao lâu, tôi cười rồi nói đùa: “Khi nào chú say con sẽ đi”. Chú cười ha hả, nói: “Được lắm được lắm, để tao nướng mấy con ếch này rồi tính”.
Lát sau chú Năm về, có mấy con cá lóc đồng trong thùng. Chú nói nãy giờ đi thăm lọp cá lóc, mấy năm trước mỗi lần thăm lọp được cả chục ký, giờ cá mắm hiếm quá, chỉ được mấy con, thôi nướng rơm nhậu đỡ. Tôi với mấy thằng bạn ôm rơm chất thành 1 đống nhỏ trên bờ kênh, xỏ cá lóc rồi cắm đứng lên, phủ rơm đốt nướng.
Tôi lấy dao cắt mấy tàu lá chuối hột, trải xuống bờ đê đầy cỏ chỉ, sau đó để mấy con cá vừa nướng lên. Tôi không quên bước xuống mé kênh hái thêm mấy đọt rau muống, mấy đọt rau dừa để ăn kèm với cá nướng. Chén đũa vừa dọn xong thì tôi mời chú Ba và chú Năm ra. Chú Ba đem ra mấy con ếch nướng mọi, 1 chén nước mắm trong dầm ớt hiểm đỏ chót, còn chú Năm thì cầm chai rượu nếp trong veo.
Chú Ba lớn nhất nên đón lấy ly rượu đầu tiên, nhưng chú không uống ngay mà khấn đất đai viên trạch, sau đó đổ mấy giọt rượu xuống đất với vẻ mặt hết sức thành kính. Nửa ly còn lại, chú uống cái ực, sau đó vỗ đùi có vẻ khoái chí. Mấy bạn tôi lần lượt chuyền nhau ly rượu. Có bạn cầm ly lên không uống ngay mà gật gù, bảo rượu nếp uống với cá lóc nướng rơm, ếch nướng mọi trong cái không gian đồng quê lồng lộng gió trời thế này, có thể bữa nay “thiên bôi thiểu” (ngàn ly cũng vẫn ít) nghe mấy chú. Mọi người cười vang.
Rượu vào lời ra, chúng tôi nói với nhau biết bao nhiêu là chuyện trên trời dưới đất. Cứ sau mỗi câu chuyện, chúng tôi lại tán thưởng bằng cách nâng ly. Ngà ngà say, chú Năm lấy đũa gõ vô chén, hát: “Tôi với nàng, chách chách bùm chách bum… 2 đứa nguyền yêu nhau, chắc chách bùm chách bum… Tay trắng cùng nhau, chách chách… hai đứa dệt mộng vàng, chách chách…”. Chú Ba cất giọng mùi như Minh Cảnh: “Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…tằng tằng tằng…”. Chúng tôi cũng lấy chén đũa gõ và ê a hát theo 2 chú, vừa uống vừa hát đến xế chiều ai nấy lắc lư say.
Khung cảnh quê thanh bình - Ảnh: H.H
Đêm đó, tôi ngủ rất ngon nhưng chúng tôi không ngủ nướng như khi ở thành phố. Chỉ mới hơn 4 giờ sáng khi gà gáy rộ ở cuối xóm, tôi đã nghe tiếng lục đục trong bếp. Thì ra chú Ba thức dậy nấu nước pha trà. Độ bốn giờ rưỡi chú kêu chúng tôi dậy, rửa mặt và uống trà với chú. Ở quê uống trà nóng vào ban sáng có cái thú vị riêng, ấy vậy mà lâu rồi, nơi thành phố chúng tôi không được thưởng thức.
Trong cái màn sương mờ ảo sớm mai, khói trà quyện lên nghi ngút. Tôi kê ly trà sát mũi, ngửi mùi thơm bốc lên, uống vào một ngụm, cái vị đăng đắng thấm vào đầu lưỡi, rồi cái hậu ngọt mới dần dần lan tỏa đánh thức các giác quan.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, mỗi sáng tôi hay dậy sớm ngồi bên ba tôi, xem ông uống trà với mấy chú hàng xóm. Lúc đó tôi không uống trà, chỉ ngồi trong lòng ba nghe ba với mấy chú nói chuyện đồng ruộng, nói chuyện xóm làng, có khi tôi ngủ quên lúc nào không biết. Biết bao nhiêu câu chuyện ở cái xóm quê này được ba tôi và mấy chú đem ra kể bên chén trà trong sương sớm, dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu.
Uống trà và ăn sáng với món cháo trắng cá kho quẹt xong, chúng tôi vác leng ra đồng đào chuột với chú Năm. Mùa này chuột nhiều, con nào con nấy mập lù. Chuột phá hoại mùa màng nhưng thịt chuột đồng lại là đặc sản quê tôi. Bắt chuột có nhiều cách, mỗi mùa bắt theo một cách khác nhau.
Chuột đồng ngon nhất là vào độ sa mưa. Lúc này lúa chưa thu hoạch, chúng đào hang theo bờ kinh bờ mẫu, đêm len lỏi vô ruộng lúa để kiếm mồi. Mùa này, để bắt chuột người ta phải dùng rập đặt theo các đường mòn chuột hay đi ăn. Mùa thu hoạch lúa, chuột hết chỗ trú ngụ nên thường rút vào hang, chỉ cần đào hang là bắt được chúng.
Cỡ nước mới chụp lên đồng, chuột rút lên mấy gò đất cao đào hang trú ngụ. Người ta dùng cái chài (chài cá) trùm kín một gò đất cao nào đó rồi đổ nước, chuột chạy ra con nào bắt con nấy. Mùa nước nổi thì dùng chĩa nhọn đâm chuột trên các bụi tre bụi cây. Tóm lại, tùy theo mùa mà chuột có cách “định cư” khác nhau, người dân cũng tùy theo đó mà tìm cách “săn” chúng.
Chú Năm vừa giảng giải vừa kiếm hang chuột dọc bờ mẫu lớn. Khi thấy hang, chú kêu tụi tôi ém mấy hang ngách rồi bắt đầu đào. Có chỗ đào vài leng là chuột động ổ, chạy ra tán loạn. Chúng tôi thi nhau rượt bắt. Có chỗ ém ngách tốt, đào tới gần cuối hang mới thấy cả chục cái đuôi chuột chen chút nhau. Chú Năm dùng lưỡi leng chặn lại, sau đó túm từng đuôi chuột lôi ra bắt gọn hơ. Đào mới nửa buổi sáng mà gần đầy rọng chuột. Chú Năm nói để thím Năm làm sẵn, rồi cho chúng tôi đem đi thành phố ăn từ từ.
Xế chiều, chúng tôi quay trở về thành phố để chuẩn bị sáng hôm sau đi làm sớm. Xe đứa nào cũng chở lủ khủ nào chuột, nào ếch, nào cá lóc, nào bầu bí mấy chú mấy thím ở xóm tôi gửi cho. Chú Ba và chú Năm vỗ vỗ vai tôi, nói khi nào rảnh cứ về chơi, rủ thêm mấy bạn về cho vui. Mấy bạn tôi cảm ơn 2 chú rối rít, hứa là sẽ quay lại trong một ngày không xa. Xe nổ máy, căn nhà lá đơn sơ của tôi xa dần…
Trên đường về, tụi bạn chỉ mải miết nhìn ngắm cảnh vật mà không nói chuyện với nhau nhiều như lúc đi. Có lẽ, nơi đây đang gợi lên trong lòng bạn tôi những ký ức về một miền quê nào đó, gắn với quãng đời tuổi thơ cơ cực nhưng thật đẹp. Có thể, bạn tôi đang nghĩ về một chái bếp trong bảng lảng chiều, lui cui bóng dáng một người mẹ già đang lặt rau, kho cá. Và dám hông chừng, thay vì xách xe rong ruổi chân trời góc bể, cuối tuần sau, thế nào cũng có đứa đề nghị, ê tụi bây, về quê tao chơi!
Trương Chí Hùng (nhà văn)