Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng quy định của Thông tư 22/2023/TT-NHNN không ảnh hưởng đến quan hệ vay vốn để mua nhà ở hình thành trong tương lai như một số ý kiến lo ngại.
Hạ tầng và bất động sản

‘Quy định tại Thông tư 22/2023 không ảnh hưởng việc vay vốn mua nhà hình thành trong tương lai’

Lam Thanh 22:21 30/01/2024

Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng quy định của Thông tư 22/2023/TT-NHNN không ảnh hưởng đến quan hệ vay vốn để mua nhà ở hình thành trong tương lai như một số ý kiến lo ngại.

Thông tư 22/2023 (sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN) có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2024.

Trong văn bản mới nhất, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết Thông tư 22 có nhiều điểm tích cực nổi bật. Tuy nhiên, hiệp hội rất quan ngại về quy định tại tiết điểm a Khoản 11 Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 22/2023/TT-NHNN).

Cụ thể, khoản này quy định: “Khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản đối với cá nhân để mua nhà” bao gồm nhà ở thương mại thì ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cho cá nhân vay để mua nhà “đã được hoàn thành để bàn giao”, tức là “nhà ở có sẵn”, trong đó có trường hợp cá nhân vay tín dụng để mua nhà ở thương mại “bảo đảm bằng bất động sản” là nhà ở thương mại đó thì tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đối với trường hợp “nhà ở thương mại đã được hoàn thành để bàn giao”, tức là “nhà ở thương mại có sẵn” mà thôi.

"Như vậy, Thông tư số 22/2023/TT-NHNN không cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho cá nhân vay để mua “nhà ở thương mại chưa được hoàn thành để bàn giao (tức là nhà ở thương mại hình thành trong tương lai”) được bảo đảm (thế chấp) bằng chính căn nhà đó, nên cá nhân muốn được vay tín dụng để mua nhà ở thương mại “hình thành trong tương lai” thì phải thực hiện các biện pháp bảo đảm khác hoặc bảo đảm bằng tài sản khác.

nha.png
Băn khoăn quy định tại Thông tư 22 về vay vốn mua nhà ở hình thành trong tương lai

Theo ông Châu, nếu không sửa đổi ngay tiết điểm a khoản 11 Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN trước khi Thông tư số 22/2023/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2024 thì có thể dẫn đến hệ quả xấu; gây khó khăn, cản trở hoạt động bình thường của thị trường bất động sản; tác động tiêu cực đến tiến trình phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản cả trước mắt và về lâu dài.

“Việc không cho phép tổ chức tín dụng cho cá nhân vay tín dụng để mua “nhà ở thương mại hình thành trong tương lai” được bảo đảm (thế chấp) bằng chính căn nhà đó là không phù hợp, không đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan", ông Châu nói.

Như vậy, ông Châu kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 22/2023/TT-NHNN) theo hướng bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng cho cá nhân vay tín dụng để mua "nhà ở thương mại hình thành trong tương lai" được bảo đảm (thế chấp) bằng chính căn nhà đó để hoàn thiện lại khoản 11 Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Ngoài ra, đề nghị bỏ điểm b khoản 11 Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 22/2023/TT-NHNN) để bảo đảm tính đồng bộ vì điểm b không còn cần thiết quy định này.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng Thông tư 22/2023/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được ban hành để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Như vậy, bản thân Thông tư số 41/2016/TT-NHNN cũng như nội dung sửa đổi của Thông tư 22/2023/TT-NHNN chỉ hướng đến việc quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các tổ chức tín dụng.

Theo ông Đỉnh, nội dung Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi khoản 11 Điều 2 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN chỉ là để phân định thế nào là khoản cho vay thế chấp nhà (với tài sản đã hình thành); không quy định với việc cho vay mua nhà ở hình thành trong tương lai. Việc cho vay để mua nhà ở hình thành trong tương lai vẫn thực hiện ổn định theo Thông tư số 26/2015/TT-NHNN ngày 9.12.2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

dinh.jpeg
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh

Vị chuyên gia nêu rõ: Thông tư 26/2015 đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục thế chấp và giải chấp tại tổ chức tín dụng đối với các tài sản gồm: Dự án nhà ở; nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư; nhà ở hình thành trong tương lai của khách hàng mua của chủ đầu tư; nhà ở hình thành trong tương lai được người dân tự xây dựng. Cho đến nay, Thông tư 26/2015 vẫn có hiệu lực và đang được áp dụng.

Mặt khác, Thông tư 22/2023 sửa đổi khoản 11 Điều 2 Thông tư 41/2016 (quy định về Khoản cho vay thế chấp nhà), không sửa khoản 10 Điều 2: “10. Khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản là khoản cho vay đối với cá nhân, pháp nhân để mua bất động sản, thực hiện dự án bất động sản và được bảo đảm bằng chính bất động sản, dự án bất động sản hình thành từ khoản cho vay theo các quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo.” Như vậy nếu thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để vay mua nhà thì thực hiện theo quy định về khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản; không thực hiện theo quy định về khoản cho vay thế chấp nhà.

“Như vậy quy định của Thông tư 22/2023/TT-NHNN không ảnh hưởng đến quan hệ vay vốn để mua nhà ở hình thành trong tương lai như một số ý kiến lo ngại”, ông Đỉnh nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Quy định tại Thông tư 22/2023 không ảnh hưởng việc vay vốn mua nhà hình thành trong tương lai’