Mặc dù bạn có thể đã quen thuộc với bệnh tiểu đường type 1 và type 2, nhưng có lẽ bạn đã nghe ít hơn về bệnh tiểu đường type 1,5.
Bệnh tiểu đường type 1,5 có các đặc điểm của cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2 còn được gọi là bệnh tiểu đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn (LADA).
Thế nào là tiểu đường type 1,5?
Nhiều người biết đến tiểu đường type 1,5 hơn sau khi Lance Bass, thành viên trong ban nhạc pop biểu tượng của Mỹ NSYNC, gần đây tiết lộ rằng bản thân mắc bệnh này. Vậy, bệnh tiểu đường type 1,5 là gì? Và nó được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Trước hết, ta cần biết có một số bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường là một nhóm các tình trạng phát sinh khi lượng glucose (đường) trong máu của chúng ta cao hơn bình thường. Trên thực tế, có hơn 10 loại bệnh tiểu đường, nhưng phổ biến nhất là type 1 và type 2.
Bệnh tiểu đường type 1 là một tình trạng tự miễn dịch mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể lại tấn công và phá hủy các tế bào trong tuyến tụy tạo ra hormone insulin. Điều này dẫn đến việc sản xuất rất ít hoặc không sản xuất insulin.
Insulin rất quan trọng trong việc đưa glucose từ máu vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng. Đó là lý do tại sao những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần dùng thuốc insulin hằng ngày. Bệnh tiểu đường type 1 thường xuất hiện ở trẻ em hoặc người trẻ tuổi.
Bệnh tiểu đường type 2 không phải là tình trạng tự miễn dịch. Thay vào đó, nó xảy ra khi các tế bào của cơ thể trở nên kháng insulin theo thời gian và tuyến tụy không còn có thể sản xuất đủ insulin để vượt qua tình trạng kháng này. Không giống như bệnh tiểu đường type 1, những người mắc bệnh tiểu đường type 2 vẫn sản xuất một số insulin.
Bệnh tiểu đường type 2 phổ biến hơn ở người lớn nhưng ngày càng xuất hiện nhiều ở trẻ em và người trẻ tuổi. Việc kiểm soát có thể được thực hiện bằng thay đổi về trong thói quen ăn uống và hoạt động thể chất, cũng như thuốc uống và liệu pháp insulin.
Bệnh tiểu đường type 1,5 khác với type 1 và type 2 như thế nào?
Giống như bệnh tiểu đường type 1, bệnh tiểu đường type 1,5 xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin. Nhưng những người mắc bệnh tiểu đường type 1,5 thường không cần insulin ngay lập tức vì tình trạng của họ phát triển chậm hơn.
Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường type 1,5 kể từ khi phát hiện chưa cần dùng insulin ngay mà có thêm thời gian trong vòng 5 không phụ thuộc thuốc. Trong khi đó, những người mắc bệnh tiểu đường type 1 thường cần sử dụng insulin ngay từ khi phát hiện.
Bệnh tiểu đường type 1,5 thường được chẩn đoán ở những người trên 30 tuổi, có thể là do tình trạng bệnh tiến triển chậm. Độ tuổi này lớn hơn độ tuổi trung bình của bệnh tiểu đường type 1 nhưng trẻ hơn độ tuổi trung bình của bệnh tiểu đường type 2.
Bệnh tiểu đường type 1,5 có chung các yếu tố nguy cơ di truyền và tự miễn với bệnh tiểu đường type 1, chẳng hạn do các biến thể gien cụ thể. Tuy nhiên, một số bằng chứng cũng cho thấy bệnh tiểu đường type 1,5 có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố lối sống như béo phì và ít vận động, vốn thường liên quan đến bệnh tiểu đường type 2.
Các triệu chứng là gì và cách điều trị như thế nào?
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1,5 rất khác nhau giữa những người mắc bệnh. Một số người không có triệu chứng nào cả. Nhưng nhìn chung, mọi người có thể gặp phải các triệu chứng sau: khát nước nhiều hơn; đi tiểu thường xuyên; mệt mỏi; nhìn mờ; giảm cân không chủ ý.
Thông thường, bệnh tiểu đường type 1,5 ban đầu được điều trị bằng thuốc uống để giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Tùy thuộc vào khả năng kiểm soát glucose và loại thuốc đang dùng, những người mắc bệnh tiểu đường type 1,5 có thể cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên trong ngày.
Khi lượng đường trong máu tăng vượt quá phạm vi bình thường ngay cả khi dùng thuốc uống, quá trình điều trị sẽ buộc bệnh nhân phải dùng insulin. Tuy nhiên đến nay, không có liệu pháp điều trị nào cho bệnh tiểu đường type 1,5 được chấp nhận rộng rãi.
Bệnh tiểu đường type 1,5 thường bị chẩn đoán nhầm
Lance Bass cho biết ban đầu ông được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2, nhưng sau đó mới biết mình thực sự mắc bệnh tiểu đường type 1,5. Điều này không hoàn toàn bất thường. Theo ước tính, bệnh tiểu đường type 1,5 bị chẩn đoán nhầm thành bệnh tiểu đường type 2 trong 5–10% trường hợp. Có một số lý do có thể dẫn đến việc chẩn đoán nhầm.
Đầu tiên, để chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường type 1,5 và phân biệt với các type bệnh tiểu đường khác, cần phải có các xét nghiệm kháng thể đặc biệt (một loại xét nghiệm máu) để phát hiện các dấu hiệu tự miễn dịch. Không phải tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đều yêu cầu các xét nghiệm này thường xuyên, do lo ngại về chi phí hoặc vì có thể họ không nghĩ tới trường hợp hiếm.
Thứ hai, bệnh tiểu đường type 1,5 thường gặp ở người lớn. Vì vậy bác sĩ có thể nhầm tưởng một người đã mắc bệnh tiểu đường type 2, type bệnh phổ biến hơn ở nhóm tuổi này (trong khi bệnh tiểu đường type 1 thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên).
Thứ ba, những người mắc bệnh tiểu đường type 1,5 ban đầu thường tạo ra đủ insulin trong cơ thể để kiểm soát lượng đường trong máu mà không cần phải dùng insulin ngoài. Điều này có thể khiến tình trạng của họ giống như bệnh tiểu đường type 2, mà cơ thể bệnh nhân vẫn sản xuất một lượng insulin.
Cuối cùng, vì bệnh tiểu đường type 1,5 có các triệu chứng tương tự như bệnh tiểu đường type 2, nên ban đầu việc điều trị như bệnh tiểu đường type 2 vẫn đem lại hiệu quả.
Chúng ta vẫn đang tìm hiểu về type 1,5
So với bệnh tiểu đường type 1 và type 2, có rất ít nghiên cứu về mức độ phổ biến của bệnh tiểu đường type 1,5, đặc biệt là ở ngoài châu Âu. Vào năm 2023, ước tính bệnh nhân tiểu đường type 1,5 chiếm 8,9% trong tổng số các ca tiểu đường, tương đương như type 1. Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để có được số liệu chính xác.
Nhìn chung, nhận thức về bệnh tiểu đường type 1,5 còn hạn chế và tiêu chuẩn chẩn đoán không rõ ràng đã làm chậm quá trình hiểu biết của chúng ta về tình trạng này.
Chẩn đoán sai có thể gây căng thẳng và bối rối trong điều trị. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1,5, việc bị chẩn đoán nhầm là bệnh tiểu đường type 2 có thể khiến họ không nhận được lượng insulin cần thiết kịp thời. Điều này có thể dẫn đến tình trạng sức khỏe xấu đi và khả năng xảy ra biến chứng cao hơn trong tương lai.
Việc chẩn đoán đúng giúp mọi người nhận được phương pháp điều trị phù hợp nhất, tiết kiệm tiền và giảm bớt sự đau khổ do bệnh tiểu đường gây ra. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng mà bạn nghĩ có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường hoặc cảm thấy không chắc chắn về chẩn đoán mà bạn đã nhận được, hãy theo dõi các triệu chứng và trao đổi với bác sĩ.