Bản tin dịch COVID-19 sáng 30.7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 4.992 ca mắc COVID-19, trong đó TP.HCM vẫn nhiều nhất với 2.740 ca, tiếp theo là Bình Dương 1.284 ca.

Sáng 30.7: Thêm 4.992 ca COVID-19, trong đó TP.HCM 2.740, Bình Dương 1.284 ca, sẽ thành lập 12 Trung tâm Hồi sức tích cực trên cả nước

PV (tổng hợp) | 30/07/2021, 05:40

Bản tin dịch COVID-19 sáng 30.7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 4.992 ca mắc COVID-19, trong đó TP.HCM vẫn nhiều nhất với 2.740 ca, tiếp theo là Bình Dương 1.284 ca.

Số còn lại được ghi nhận tại: Tiền Giang (242), Đồng Nai (203), Đồng Tháp (90), Tây Ninh (88), Bến Tre (79), Khánh Hòa (78), Hà Nội (63), Cần Thơ (23), Long An (21), Phú Yên (17), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Vĩnh Long (15), Thái Nguyên (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (1).

Trong số các ca COVD -19 vừa công bố sáng nay, có 987 ca trong cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 30.7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 133.405 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.213 ca nhập cảnh và 131.192 ca mắc trong nước.

Nếu tính riêng số ca mắc mới trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27.4 đến nay là 129.622 ca (TP.HCM 84.500 trường hợp) trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tình hình điều trị

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 31.780 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 346 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 19 ca.

- Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo có 159 ca tử vong do COVID-19 (số 864-1022) từ ngày 27-29.7.2021 tại 8 tỉnh, thành phố sau:

+ Tại TP.HCM từ ngày 27-29/7: 132 ca

+ Tại Long An từ ngày 27-29/7: 09 ca

+ Tại Đồng Tháp từ ngày 27-28/7: 06 ca

+ Tại TP Đà Nẵng từ ngày 27-28/7: 03 ca

+ Tại TP Hà Nội ngày 28/7: 01 ca

+ Tại Khánh Hòa ngày 27/7: 03 ca

+ Tại Đồng Nai từ ngày 27-29/7: 04 ca

+ Tại Vĩnh Long ngày 27/7: 01 ca

Trong ngày 29.7, có  thêm 208.041 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.529.898 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.983.496 liều, tiêm mũi 2 là 546.402 liều.

Thành lập 12 trung tâm Hồi sức tích cực với gần 8000 giường trên cả nước

Ngày 29.7, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng.

Theo nội dung Đề án, sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia trên cả nước đặt tại 12 bệnh viện lớn trên cả nước và các Trung tâm hồi sức tích cực vùng.

Cụ thể, ở các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện lớn được giao chỉ tiêu số bệnh giường hồi sức tích cực như: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (1.000 giường); các bệnh viện: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Trung ương Huế, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, mỗi bệnh viện 500 giường; các bệnh viện: Chợ Rẫy, Phổi Trung ương, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh 300 giường. Riêng các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP Hồ Chí Minh là 3.000 giường.

Với Trung tâm hồi sức tích cực vùng, các bệnh viện được Bộ Y tế phân công thành lập trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 trên cơ sở lựa chọn khoa, phòng, trung tâm hoặc khu vực phù hợp trong bệnh viện, riêng biệt với các khoa/phòng khác. 

Giao chỉ tiêu số giường bệnh hồi sức tích cực cho các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực vùng: mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).

Bộ Y tế phân công: Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phối hợp. Bệnh viện đa khoa trung ương Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp. Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ phối hợp.

Đề án cũng yêu cầu các giường bệnh hồi sức tích cực cần bảo đảm các tiêu chí: Thuận tiện cho công tác vận chuyển, di chuyển giường bệnh từ tiếp nhận đến nhập viện hoặc di chuyển giữa các khoa phòng và di chuyển các trang thiết bị, nhu yếu phẩm và chất thải y tế; có đầy đủ các thiết bị gồm hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén trung tâm, hệ thống hút trung tâm, camera và màn hình theo dõi người bệnh. Đồng thời bảo đảm được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế thiết yếu và phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định; có các thiết bị, vật tư đặc thù phục vụ đối tượng người bệnh thuộc chuyên khoa Nhi.

Đồng thời, bảo đảm biệt lập với các khoa, phòng khác, hạn chế tối đa lây nhiễm. Trong trường hợp cấp bách, bệnh viện chủ động thiết lập trung tâm hoặc khoa hồi sức tích cực và tiếp tục bổ sung khắc phục các yêu cầu nếu chưa đạt ngay (ví dụ lắp đặt thang máy bổ sung).

Các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia và vùng cũng được giao tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... điều trị người bệnh COVID-19 với các nội dung: Cập nhật kiến thức hồi sức cơ bản, nâng cao; sử dụng máy thở; sử dụng máy ECMO, lọc máu liên tục; chăm sóc, dinh dưỡng, tâm lý cho người bệnh COVID-19...

Theo đó, việc triển khai các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 sẽ được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1, các đơn vị lập kế hoạch triển khai ngay các hoạt động cấp bách, hoàn thành trong vòng 2 tháng sau khi Đề án được ký ban hành. Đối với các tỉnh đang bùng phát dịch cần hoàn thành ngay trong vòng 1 tháng, tận dụng tối đa các nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị... sẵn có.

Giai đoạn 2, các đơn vị tiếp tục triển khai các hoạt động chưa hoàn thiện, mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm trang thiết bị.

GĐ BV Bạch Mai khảo sát, chuẩn bị lập Trung tâm Hồi sức tích cực tại quận 7, TP.HCM

Theo chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, chiều 29.7 đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai dẫn đầu đã đi khảo sát Bệnh viện Dã chiến 16 (16 Đào Trí, Quận 7, TP.HCM) để chuẩn bị thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại đây.

Xem chi tiết: Tại đây


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 30.7: Thêm 4.992 ca COVID-19, trong đó TP.HCM 2.740, Bình Dương 1.284 ca, sẽ thành lập 12 Trung tâm Hồi sức tích cực trên cả nước