Những tháng mùa khô năm 2024, tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề do sạt lở, sụt lún đất. Hiện nay, dù đã vào mùa mưa nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra với mức độ nghiêm trọng, chưa có hồi kết.
Bảo vệ môi trường

Sạt lở đất ở Cà Mau: Câu chuyện chưa có hồi kết

Trần Khải 15/05/2024 22:20

Những tháng mùa khô năm 2024, tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề do sạt lở, sụt lún đất. Hiện nay, dù đã vào mùa mưa nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra với mức độ nghiêm trọng, chưa có hồi kết.

Ông Kiều Minh Tiếng, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho hay, Trần Văn Thời là huyện nằm ở phía tây bắc của tỉnh Cà Mau, có diện tích đất tự nhiên trên 70.000ha. Địa phương có hệ thống sông ngòi chằng chịt với 264 tuyến sông, kênh rạch, tổng chiều dài trên 963km.

“Thời gian qua, huyện đã dành rất nhiều kinh phí để đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại và giao thương của người dân trong khu vực gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do các tuyến đường giao thông nông thôn phần lớn được xây dựng trên các tuyến đê gần sông, kênh rạch nên tình trạng sạt lở và một số nguyên nhân khác đã tác động trực tiếp đến các công trình giao thông, làm giảm tuổi thọ và không đảm bảo an toàn. Cùng với đó, tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến nạn hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất... làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”, ông Tiếng thông tin.

3..jpg
Vùng ngọt tỉnh Cà Mau chưa hết lo sụt lún đất vào mùa khô...

Theo UBND huyện Trần Văn Thời, tính đến ngày 13.5, có 138 tuyến đường trên địa bàn 9 xã, thị trấn vùng ngọt của địa phương đã xảy ra sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài gần 19km (đường bê tông hơn 14,6km, đường đất đen hơn 4km); tổng thiệt hại hơn 28 tỉ đồng. Đến nay, toàn huyện có 716 vị trí sạt lở, sụt lún đất (phát sinh mới 8 vị trí, với chiều dài 160m).

Trước tình trạng trên, lãnh đạo huyện Trần Văn Thời đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của trung ương, tỉnh về ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra. Đồng thời, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, tự giác tham gia phòng chống sạt lở, sụt lún; trữ nước phục vụ sản xuất, bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng và tuân theo hướng dẫn, quy định của nhà nước, cấp có thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong quá trình sản xuất và đời sống để phát triển một cách bền vững.

UBND huyện Trần Văn Thời cũng đã chỉ đạo các các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế sự cố sạt lở, sụt lún xảy ra như: tăng cường tuần tra, kiểm tra tải trọng xe; cắt tỉa cây ven sông, kênh, rạch làm giảm tải trọng tác động; lắp đặt biển báo, rào chắn, giảm tải phù hợp các tuyến đường do huyện, xã quản lý... nhằm đảm bảo an toàn lưu thông.

sat-lo.jpg
Nhiều nơi lại đối diện với chuyện sạt lở đất vào mùa mưa

Theo ông Kiều Minh Tiếng, tính đến ngày 13.5, trên địa bàn các xã, thị trấn vùng ngọt đã khắc phục kè xịa cây tạm được 105 điểm với tổng chiều dài trên 2km; thực hiện cắt, tỉa cây trên 170 tuyến đường. Đồng thời, tuyên truyền vận động di dời hơn 50 trường hợp có bãi chứa vật liệu xây dựng nặng ven sông, kênh rạch ra khỏi vị trí có nguy cơ sụt lún, sạt lở.

“Đối với nhà ở ven sông, kênh rạch, chính quyền địa phương đã gửi thông báo cảnh báo đến hơn 450 trường hợp để người dân di dời tài sản, vật nặng ra khỏi khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất cao; lắp đặt hơn 280 biển cảnh báo, rào chắn, giăng dây cảnh báo, hạ trọng tải đường để hạn chế giao thông tại các điểm bị sụp lún như: tuyến đường ô tô từ huyện về đến trung tâm các xã, thị trấn vùng ngọt có tải trọng 8 tấn hạ xuống còn 5 tấn; các tuyến đường khác có mặt đường rộng từ 2,5 - 3,5m, tải trọng 2,5 tấn hạ tải xuống còn 1,5 tấn; tuyến đường Vàm Công nghiệp đến Cầu chữ Y có tải trọng 5 tấn hạ xuống còn 2,5 tấn; tuyến bờ Đông Kênh Rạch Lùm tải trọng 2,5 tấn hạ xuống còn 1,5 tấn....”, lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời cho biết thêm.

2..jpg
Một đoạn đường có nguy cơ sụt lún được chính quyền địa phương lắp đặt cảnh báo

Tỉnh Cà Mau đã bước vào mùa mưa, tần suất mưa diễn ra ngày càng nhiều. Người dân ở các huyện ven biển trên địa bàn lo lắng về tình trạng sạt lở đất ven sông. Tại huyện Năm Căn, những ngày qua địa phương này xuất hiện nhiều vị trí sạt lở đất đe dọa đến đời sống, sản xuất của người dân.

Ông Trần Đoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết: “Chuyện sạt lở thì mùa này diễn ra rất phức tạp, khó lường. Ở vùng ven biển, việc sạt lở đã có từ lâu chứ không phải chuyện mới đây. Do đã ý thức được chuyện này nên chính quyền đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân di dời, nên khi xảy ra sạt lở thì thiệt hại không đáng kể. Đường sá thì chúng tôi xây dựng sâu vào đất liền chứ không xây dựng ven sông. Riêng tại các vị trí sạt lở thì những con đường đó đã có từ hơn 2 thập kỷ trước rồi. Đặc thù của địa phương là người dân sinh sống ven các tuyến kênh, rạch nên chỉ cần thay đổi dòng chảy là sạt lở xảy ra liền. Bước vào mùa mưa, trên địa bàn huyện hiện có nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở và sạt lở cao, huyện đã chỉ đạo các địa phương, ngành chuyên môn lắp đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân chủ động phòng tránh”.

sat-lo-1.jpg
Sạt lở, sụt lún đất khiến nhiều đoạn đường giao thông hư hỏng nghiêm trọng

Bên cạnh các huyện như Trần Văn Thời, Năm Căn đang xảy ra tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa thì ở các huyện ven biển khác như Đầm Dơi, Ngọc Hiển... cũng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất do tác động của dòng chảy và nền đất yếu. Do vậy, chính quyền các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân chú ý, chủ động phòng tránh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sạt lở đất ở Cà Mau: Câu chuyện chưa có hồi kết