Trung Quốc đã cạn kiệt những vị trí thuận lợi trong việc cung cấp năng lượng cho các tua bin khổng lồ trong khi chi phí cho những nguồn năng lượng khác như năng lượng mặt trời ngày càng tăng.

Sau đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã hết khả năng xây dựng các thủy điện lớn

04/07/2020, 14:47

Trung Quốc đã cạn kiệt những vị trí thuận lợi trong việc cung cấp năng lượng cho các tua bin khổng lồ trong khi chi phí cho những nguồn năng lượng khác như năng lượng mặt trời ngày càng tăng.

Thủy điện Tam Hiệp phải xả lũ để chống nguy cơ vỡ đập - Ảnh: Internet

Thời hoàng kim đã hết

Hồi đầu tuần, Công ty Tam Hiệp đã bật bộ máy phát điện đầu tiên tại nhà máy thủy điện khổng lồ Ô Đông Đức, nằm sâu trong vùng núi của tỉnh Vân Nam. Khoảng 170km (106 dặm) xuôi dòng trên sông Kim Sa là đến đập thủy điện Bạch Hạc Than dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào năm tới.

Khi chạy đầy công suất, hai công trình thủy điện này sẽ sản xuất nhiều điện hơn tất cả nhà máy điện ở Philippines cộng lại. Chúng là hai con đập lớn cuối cùng trong kỷ nguyên Trung Quốc bùng nổ xây dựng đập thủy lợi thủy điện trong suốt hơn nửa thế kỷ. Kỷ nguyên này ngày càng gây tranh cãi về sự đánh đổi giữa lợi ích của sản xuất năng lượng và trả giá môi trường.

Giờ đây, ngành công nghiệp thủy điện của Trung Quốc đang chuyển hướng sang các dự án nhỏ hơn và bơm lưu trữ. Trung Quốc đã cạn kiệt các vị trí thuận lợi trong việc cung cấp năng lượng cho các tua bin khổng lồ trong khi chi phí cho các nguồn năng lượng khác, như năng lượng mặt trời, ngày càng tăng. Còn việc xây dựng các nhà máy thủy điện ở những vị trí hiểm trở thì quá tốn kém và không hiệu quả về mặt kinh tế.

Thời đại xây dựng đập ở Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1950, ngay sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa và đã đạt đến đỉnh cao trong 2 thập niên qua. Sau khi công trình thủy điện Bạch Hà Than hoạt động hết công suất vào cuối năm 2022, Trung Quốc sẽ hoàn thành 5 trong số 10 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới chỉ sau 10 năm. Thủy điện Trung Quốc trong năm 2017 tạo ra nhiều điện năng hơn so với tổng nguồn cung của mọi quốc gia khác trên thế giới (không tính Mỹ và Ấn Độ).

Khai thác dòng chảy các con sông Trung Quốc, chảy từ các đỉnh núi tuyết ở phía tây đến các đồng bằng màu mỡ ở phía đông, luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Người Trung Quốc luôn ca ngợi vua Hạ Vũ trị thủy từ hơn 4.000 năm trước bằng cách sử dụng đê, đập và kênh đào để chống thảm họa lũ lụt. Bất kỳ triều đại nào của Trung Quốc cũng coi trị thủy là thành tựu cần đạt được.

Thời nay cũng vậy. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lấy trận lụt thảm khốc vào năm 1931 để lập luận về thất bại của chính phủ Quốc dân đảng. Khi Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Quốc vào năm 1949, việc xây dựng đập là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng việc xây dựng và kỹ thuật ở Trung Quốc khi ấy bị xem nhẹ, dẫn đến nhiều thảm họa như đập Bản Kiều bị vỡ năm 1975 khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng.

Khi Trung Quốc nổi lên trên toàn cầu vào cuối những năm 1990, ngành công nghiệp xây dựng đập cũng theo vận nước mà dâng theo. Samuel Samuel Law, nhà phân tích của Hiệp hội Thủy điện quốc tế cho biết kể từ đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần công suất thủy điện,chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng thủy điện toàn cầu.

Thời kỳ xây dựng đập lớn hiện đại bắt đầu một cách nghiêm túc với dự án dài hạn để ngăn chặn sông Dương Tử (Trường Giang) ở Tam Hiệp, nơi có dòng chảy hẹp bị kẹp giữa các ngọn núi.

Dự án đã gây tranh cãi bất thường ở Trung Quốc. Những người ủng hộ đã khuếch trương những lợi ích của năng lượng sạch, cải thiện giao thông đường thủy và khả năng chế ngự một trong những con sông dễ gây lũ lụt nhất quốc gia. Còn những người chống đối tập trung vào vấn đề liên quan đến hàng chục triệu người hai bên bờ. Theo đó, hàng triệu người sẽ bị buộc phải tái định cư từ những dải đất hẹp màu mỡ dọc hai bờ sông đến những nơi điều kiện khắc nghiệt hơn, và kèm theo đó là hồ chứa sẽ chôn vùi những di tích, di sản liên quan văn hóa

Đập Tam Hiệp khởi công vào năm 1994 và khi máy phát điện cuối cùng được bật vào năm 2012, nó đã trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, tạo ra 22,5 gigawatt. Hai dự án lớn khác, 6,4 gigawatt Hướng Gia Bá và 13,9 gigawatt Khê Lạc Độ, đã được hoàn thành vào năm 2014 trên sông Kim Sa, chảy vào sông Dương Tử. Cùng với Ô Đông Đức và Bạch Hạc Than, trên đoạn sông chỉ dài 1.200 km đã có tới 5 trong số 10 nhà máy thủy điện lớn nhất trên trái đất.

Đập lớn không đáng để xây

Từ góc độ kỹ thuật, nhà máy thủy điện lớn đòi hỏi nơi dòng nước thay đổi độ cao lớn, và Trung Quốc đã khai thác hầu hết các vị trí dễ dàng tiếp cận kiểu như vậy.

Sau Ô Đông Đức và Bạch Hạc Than, không có thủy điện nào lớn hơn 10 gigawatt còn trong quá trình xây dựng hoặc đang nằm trong kế hoạch, kể cả nâng cấp, theo Pavan Vyakaranam, nhà phân tích điện cao cấp tại GlobalData. Lý do đơn giản là không còn vị trí thuận lợi để xây dựng thủy điện lớn.

Chính vì thế, bổ sung công suất thủy điện hằng năm của Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2013. Câu chuyện tương tự đã xảy ra ở Mỹ, nơi các dự án thủy điện lớn của chính phủ đã giúp đưa đất nước thoát khỏi cuộc đại suy thoái vào cuối những năm 1930, tiêu biểu là đập Hoover, lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Vào cuối Thế chiến 2, công trình thủy điện này đã cung cấp hơn một phần ba nhu cầu năng lượng của Mỹ.

Xây dựng thủy điện lên đến đỉnh điểm vào những năm 1960, sau đó chững lại lại khi vấp phải sự phản đối phát triển từ nông dân, các nhà môi trường và người Mỹ bản địa trong khi năng lượng hạt nhân xuất hiện thay thế. Năm ngoái, thủy điện Mỹ chỉ cung cấp 6,6% nguồn cung cấp năng lượng nước này, theo Cơ quan Thông tin năng lượng.

Trung Quốc đã hoàn toàn cạn kiệt không gian cho thủy điện lớn. Thay vào đó, họ sẽ phải phát triển các nhà máy quy mô nhỏ hơn từ 1 đến 3 gigawatt. Giải pháp khác là các dự án bơm thủy điện có thể giúp lưu trữ năng lượng tái tạo không liên tục (dùng điện mặt trời bơm nước lên bể cao và xả ra phát điện vào ban đêm khi pin mặt trời không hoạt động).

Thực ra, Trung Quốc vẫn có nơi để xây thủy điện lớn. Vấn đề chỉ là vị trí hiểm trở. Tiêu biểu là dự án đập Mạt Thoát trên sông Nhã Lỗ Tạng Bố Giang ở Tây Tạng, nơi có lúc được coi là vị trí tiềm năng xây dựng một nhà máy 38 gigawatt, gần gấp đôi công suất của Tam Hiệp. Chính phủ Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu tính khả thi của khu vực này, nhưng theo giới chuyên gia, sẽ khó triển khai vì nhiều rào cản. Đưa vật liệu và công nhân đến một khu vực hẻo lánh như vậy sẽ rất tốn kém, cũng như chi phát phát sinh khi xây dựng các đường dây điện cần thiết để đưa điện ra thị trường. Ngoài ra, dự án này còn có thể chọc giận Ấn Độ vì nó sẽ bóp dòng chảy vốn đang dẫn nước vào một số con sông lớn của Ấn Độ.

Khi những người xây dựng đập Trung Quốc không thể cựa quậy trong nước, họ đang mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston cho biết nhiều ngân hàng phát triển lớn của Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án thủy điện trị giá gần 44 tỉ USD trên toàn cầu kể từ năm 2000.

Các công ty thủy điện của Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các quốc gia khác ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Anh Tú (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã hết khả năng xây dựng các thủy điện lớn