Thời điểm này, tại các chợ truyền thống, chợ cóc ở TP Long Xuyên, đa số các tiểu thương chấp hành tốt việc công khai niêm yết giá khiến người đi chợ dễ dàng mua sắm và yên tâm.

Sau phản ánh của Một Thế Giới, chợ truyền thống An Giang hết cảnh giá cả nhảy múa

Tô Văn | 24/07/2021, 12:56

Thời điểm này, tại các chợ truyền thống, chợ cóc ở TP Long Xuyên, đa số các tiểu thương chấp hành tốt việc công khai niêm yết giá khiến người đi chợ dễ dàng mua sắm và yên tâm.

Khách đến mua chỉ cần nhìn bảng giá, không cần trả giá

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, sáng 24.7, nhiều sạp hàng rau, thịt, cá... tại chợ Xẻo Trôm, P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, các tiểu thương đã treo bảng giá niêm yết. Khách hàng khi đến mua chỉ cần nhìn giá, không phải hỏi và trả giá như trước đây. Ðặc biệt là giá cả các mặt hàng rau, củ quả đều giảm so với 3 ngày trước đến 50%.

1-rau.jpg
Các tiểu thương đều treo bảng niêm yết giá. Khách hàng khi đến mua chỉ cần nhìn giá, không phải hỏi, trả giá như trước đây - Ảnh: Tô Văn

Tiểu thương bán thịt heo (tại chợ Xẻo Trôm, P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) chia sẻ: “Dù ít người mua hơn, nhưng có giá niêm yết rõ ràng nên người đi chợ chỉ cần nhìn bảng giá chứ không cần hỏi, thuận tiện cho người mua lẫn người bán”.

Rảo một vòng các sạp bán rau, củ, khi người viết bài hỏi giá bí đao, bầu, cà rốt, một tiểu thương bán rau, củ quả (tại chợ Xẻo Trôm) cho biết, "giá bí đao 20.000 đồng/kg, bầu 20.000 đồng/kg, cà rốt 20.000 đồng/kg hiện đã giảm phân nửa rồi. Chú không thấy bảng giá niêm yết để sẵn sao mà còn hỏi".

“Bây giờ chính quyền kiểm tra việc để bảng giá niêm yết này lắm, bà con tiểu thương sợ bị phạt và tuân thủ nghiêm chỉnh. Việc tăng giá các tiểu thương như tụi tui đâu muốn do trên vựa đẩy giá cao thì bán giá cao thôi. Trước nay, tui chưa từng để bảng niêm yết giá, chỉ trao đổi giá cả bằng miệng và giá cả tui bán luôn giữ ổn định cho bà con mua, vì tui bán ở đây hơn chục năm nay rồi, ai cũng biết. Nhưng nay được chính quyền yêu cầu phải công khai niêm yết giá, tui thấy hợp lý và thuận tiện, nên đồng tình thực hiện theo”, người này nói.

2-rau.jpg
Giá cả niêm yết rõ ràng, rẻ hơn, người đi chợ thưa thớt, khách hàng đi chợ dễ mua sắm và yên tâm hơn - Ảnh: Tô Văn

Theo quan sát của PV, khách đi chợ đều tỏ ra bất ngờ khi các tiểu thương đều đồng loạt treo bảng niêm yết giá. Họ rất vui, chỉ cần chỉ tay và nhìn bảng giá rồi trả tiền cho mặt hàng mình cần mua.

Ông Dương Văn Sáu (70 tuổi, ngụ P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) chia sẻ: “Hôm nay đi chợ, tôi thấy rất vui vì chợ đã ổn định hơn rất nhiều so với vài ngày trước. Giá cả niêm yết rõ ràng, rẻ hơn, người đi chợ tuy thưa nhưng tôi thấy dễ mua sắm và cảm thấy yên tâm hơn”.

5-rau.jpg
Một tiểu thương tại chợ Mỹ Phước chấp hành tốt việc niêm yết giá - Ảnh: H.Hà

Tương tự, chị Kim Phượng (30 tuổi, ngụ P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) cho biết: “Sáng nay đi chợ chỉ cần nhìn bảng niêm yết giá là biết giá mỗi mặt hàng. Chọn lựa mua cũng dễ dàng hơn. Tôi thấy việc niêm yết giá như thế này nên thực hiện lâu dài, để bà con mình đi chợ không bị “chặt chém” hay phải “trả giá”, nhất là khi phải hạn chế ra đường trong lúc dịch bệnh”.

Chính quyền vào cuộc, kiểm tra thường xuyên việc niêm yết giá

Trao đổi qua điện thoại với PV Một Thế Giới, bà Đoàn Hương Hà- Bí thư, Chủ tịch UBND P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết, sau khi báo chí phản ánh về việc một số tiểu thương không niêm yết bảng giá tại chợ Xẻo Trôm mà tự ra giá các mặt hàng rau, củ quả “loạn cào cào” khiến người dân đi chợ bức xúc.

“Tôi đã chỉ đạo Ban quản lý chợ Xẻo Trôm mỗi ngày đến phát mẫu niêm yết giá cho từng tiểu thương và bắt họ ghi mẫu tại chỗ. Sau 2 ngày triển khai, cơ bản, đa số chấp hành tốt việc niêm yết giá, còn một số chưa niêm yết đầy đủ vì họ cho rằng mưa quá nên khu vực bán, giấy niêm yết bị ướt. Vì vậy, giấy rách nên họ cất vào. Nói chung thời điểm này, việc niêm yết giá tốt, giá rau, củ quả không còn biến động hay tăng cao, người dân đi chợ yên tâm”, bà Hà nói.

3-rau.jpg
Ban quản lý chợ mỗi ngày đến phát mẫu niêm yết giá cho từng tiểu thương và bắt họ ghi mẫu tại chỗ - Ảnh: H.Hà

Bà Hà cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn phường, ngoài chợ Xẻo Trôm còn chợ Mỹ Phước. Hiện chợ Mỹ Phước niêm yết giá rất tốt do được bố trí cố định, còn chợ Xẻo Trôm chưa được chặt chẽ do nâng cấp nên di dời tạm ra ngoài. Khi bố trí tiểu thương vào chợ Xẻo Trôm cố định thì địa phương sẽ bắt buộc họ phải niêm yết giá từng mặt hàng.

“Trong tuần sau, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá. Trong quá trình kiểm tra nếu thấy tiểu thương nào không chấp hành, chúng tôi sẽ lập biên bản nhắc nhỡ hoặc đề nghị Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang xử phạt theo quy định”, bà Hà khẳng định.

4-rau.jpg
Trong tuần sau, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá tại các chợ truyền thống trên địa bàn P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên - Ảnh: H.Hà

Trước đó, vào ngày 22.7, Một Thế Giới có bài: “Cán bộ cải trang đi kiểm tra, xử lý sai phạm tại chợ truyền thống” đã góp phần truyền tải những bức xúc của những người dân đi chợ về việc các tiểu thương không niêm yết mà tự ra giá các mặt hàng rau, củ quả “loạn cào cào” đến lãnh đạo UBND P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên để giải quyết kịp thời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau phản ánh của Một Thế Giới, chợ truyền thống An Giang hết cảnh giá cả nhảy múa