Được mùa, lại vào thời điểm thu hoạch chính vụ, trái vải thiều và sầu riêng Việt Nam đang được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng, vải thiều 'rộng đường' sang Trung Quốc

Tuyết Nhung | 17/06/2023, 07:56

Được mùa, lại vào thời điểm thu hoạch chính vụ, trái vải thiều và sầu riêng Việt Nam đang được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Chuyến tàu lửa đầu tiên chở vải thiều Lục Ngạn gồm 3 toa hàng với 56 tấn vải thiều tươi được khởi hành vận chuyển đi xuất khẩu ngay tại ga liên vận Kép, tỉnh Bắc Giang.

vai-thieu.jpg

Việc vận chuyển vải thiều huyện Lục Ngạn xuất khẩu bằng đường sắt tại ga Kép mở ra một kênh vận tải mới, một hướng đi mới thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân và người sản xuất vải thiều Lục Ngạn nói riêng trong hoạt động vận chuyển tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều ở cả trong và ngoài nước.

Năm 2023 diện tích vùng trồng vải của tỉnh Bắc Giang khoảng 29.700ha, sản lượng vải thiều dự kiến đạt 180.000 đến 200.000 tấn.

Để tạo điều kiện cho thông quan các lô hàng vải thiều Việt Nam, hải quan Trung Quốc đã mở luồng xanh đối với nông sản tươi sống nhập khẩu, áp dụng biện pháp tiện lợi hóa như: kiểm tra nhanh tại phòng thí nghiệm nhằm nâng cao hiệu suất thông quan, bảo đảm vải thiều nhập khẩu sớm đến tay người tiêu dùng.

Thống kê của phía Trung Quốc cho thấy, tính đến hết ngày 24.5 vừa qua, đã có 26 xe, với gần 546 tấn vải thiều Việt Nam được xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan.

sau-rieng.png

Trong năm 2023, tỉnh Đồng Nai dự kiến xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. 20 container chở 360 tấn sầu riêng giống Dona và Ri6 cũng vừa được đưa sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ qua các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Móng Cái.

Cây sầu riêng là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai. Hiện tại diện tích trồng sầu riêng ở Đồng Nai là 11.345ha (đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ 4 cả nước về diện tích). Năm 2023, diện tích thu hoạch sầu riêng của Đồng Nai là 6.574ha và sản lượng khoảng 69.000 tấn.

Theo số liệu từ đầu năm 2023 đến ngày 30.5, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn. Trong đó, chỉ riêng tháng 5, lượng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã đạt hơn 17.500 tấn.

Hiện nay, tại các tỉnh phía nam, sầu riêng đang vào chính vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế. Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chiếm hơn 50% tổng số lượng xe.

Theo ước tính, lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu qua Cửa khẩu Hữu Nghị trong tháng 6 có thể đạt hơn 20.000 tấn. Lực lượng chức năng của Trung Quốc quan tâm đặc biệt đến chất lượng sầu riêng của Việt Nam. Theo đó, tất cả các lô hàng sầu riêng khi nhập khẩu vào Trung Quốc được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ...

Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng trái cây tươi, nên cân nhắc, chủ động tính toán trước khi đưa xe chở hàng lên khu vực Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để tránh phát sinh thêm chi phí lưu kho bãi, tránh trường hợp hàng hóa phải nằm chờ lâu, ảnh hưởng đến chất lượng trái cây xuất khẩu.

Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam đang có 7 loại trái cây xuất khẩu chính gồm: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít. Có 5 loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang.

Về việc thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết bộ đang hoàn thiện chuẩn hóa các nghị định thư cho trái cây Việt Nam. Các địa phương cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả... "Trước những yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao từ phía Trung Quốc, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm yêu cầu kỹ thuật, kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu và phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc", Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Bài liên quan
Ồ ạt trồng sầu riêng kiếm lời: Nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất
Gần đây, nhiều hộ dân bỏ lúa, phá hồ tiêu, cà phê để đổ xô trồng sầu riêng. Việc phát triển "nóng" loại cây này đang dẫn tới những mối lo ngại ảnh hưởng tới chất lượng, giá thành sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sầu riêng, vải thiều 'rộng đường' sang Trung Quốc