Khó có thể tìm ra được một khoảng thời gian nào lại sôi nổi như thời điểm hiện tại trong nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây, khi những nỗ lực cải cách nền kinh tế của chính phủ mới đang tạo ra những cuộc tranh luận sôi động nhất trong khá nhiều lĩnh vực.

Siêu ủy ban 5 triệu tỷ: chỉ nên là bước đệm?

Nhàn Đàm | 19/07/2016, 10:45

Khó có thể tìm ra được một khoảng thời gian nào lại sôi nổi như thời điểm hiện tại trong nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây, khi những nỗ lực cải cách nền kinh tế của chính phủ mới đang tạo ra những cuộc tranh luận sôi động nhất trong khá nhiều lĩnh vực.

Sau những tranh luận về đề xuất có nên huy động vàng trong xã hội hay không và hiện vẫn chưa ngã ngũ, một tâm điểm khác lại xuất hiện khi đề xuất thành lập một siêu ủy ban chuyên quản lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Bộ kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) trình lên thủ tướng, có vai trò thay thế các bộ ngành để quản lý khối tài sản nhà nước có quy mô tổng cộng lên tới 5 triệu tỷ đồng này.

Có thể xem đây là một động thái rõ ràng của chính phủ mới trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế của khu vực quốc doanh trong bối cảnh sức ép tài chính đối với Việt Nam đang lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, điều này dường như lại đang đi ngược lại với mục tiêu cải cách kinh tế mà chính phủ mới đang theo đuổi, trong đó giảm dần quy mô của khu vực DNNN bằng cổ phần hóa và thoái vốn để đặt trọng tâm lên khu vực kinh tế tư nhân.

Vậy, để dung hòa cả hai mục tiêu trên, liệu có nên coi việc thiết lập siêu ủy ban này chỉ là một bước đệm?

Nếu đặt ra câu hỏi, liệu có cần thiết phải thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý các DNNN ở thời điểm hiện tại hay không, thì câu trả lời có lẽ là “cần”. Về nhiều phương diện nó có thể sẽ rất có ích cho nền kinh tế và nỗ lực cải cách nền kinh tế mà chính phủ đang theo đuổi.

Về phương diện tài chính quốc gia, việc thiết lập một cơ quan chuyên trách quản lý theo dự kiến sẽ quản lý hơn 30 tập đoàn và tổng công ty lớn nhất cả nước này sẽ làm gia tăng hiệu quả kinh tế hơn là khi nằm dưới sự chủ quản của các bộ ngành. Vì một thực tế bất cập trong việc các tập đoàn và tổng công ty nằm dưới sự chủ quản của các bộ ngành đã được Dự thảo tờ trình của bộ KH&ĐT nêu rõ: “các bộ ngành hiện đang thực hiện quyền chủ sở hữu tại các DN, nhưng lại không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả đầu tư, kinh doanh của DN”.

Nói cách khác, đây chính là lý do chủ yếu để xảy ra tình trạng thất thoát và lãng phí, sử dụng nguồn vốn thiếu hiệu quả trong nhiều năm qua của các DNNN, điển hình là hàng loạt các dự án ngàn tỷ bị đắp chiếu.

Việc thiết lập một cơ quan chuyên trách quản lý các DNNN tách khỏi sự chủ quản của các bộ ngành, và cơ quan này sẽ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả quản lý kinh tế trước thủ tướng về lý thuyết có thể làm tăng hiệu quả kinh tế của các tập đoàn và tổng công ty lớn nhất cả nước này.

Tình trạng thất thoát, lãng phí và hiệu quả sử dụng nguồn vốn kém cỏi của các DNNN nhiều năm qua có thể sẽ được thay đổi. Hiệu quả sử dụng vốn của các DNNN tăng lên cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, khi kinh tế quốc doanh hiện vẫn đang làmột trong những bộ phận quy mô lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Xét trên khía cạnh cải cách nền kinh tế mà chính phủ mới đang theo đuổi, việc thiết lập cơ quan chuyên trách quản lý các DNNN cũng có ý nghĩa lớn. Việc thiết lập cơ quan chuyên trách này cũng đồng nghĩa với việc tước quyền chủ sở hữu của các bộ ngành với các DNNN, sẽ không còn có chuyện các bộ ngành can thiệp vào nền kinh tế theo hướng đảm bảo lợi ích riêng của những DNNN mà mình quản lý.

Với việc Luật doanh nghiệp quy định các bộ ngành không được phép tự quy định điều kiện kinh doanh, và giờ đây là tước quyền chủ sở hữu với các DNNN, nói cách khác là tước đi mọi mối liên hệ về lợi ích cục bộ của các bộ ngành với nền kinh tế thì cũng đồng nghĩa với việc các bộ ngành sẽ dần quay trở về vai trò đúng nghĩa của mình là điều hành và phục vụ nền kinh tế – một bước tiến dài đến mục tiêu trở thành chính phủ kiến tạo và phục vụ mà thủ tướng đã đề cập.

Một chính phủ kiến tạo và phục vụ là một chính phủ trong đó các bộ ngành không được duy trì lợi ích riêng và ảnh hưởng đến nền kinh tế, việc thiết lập cơ quan chuyên trách quản lý các DNNN và tước quyền chủ sở hữu các DNNN của các bộ ngành là bước đi cần thiết để tiến tới mục tiêu đó.

Tuy nhiên, ý nghĩa của đề xuất thiết lập cơ quan chuyên trách quản lý các DNNN của bộ KH&ĐT cũng dừng lại ở đó. Chưa nói đến việc hiệu quả trên thực tế của cơ quan này ra sao nếu như đề xuất của bộ KH&ĐT được thông qua, khi mà kinh nghiệm các nước lân cận và của cả chính Việt Nam đều chỉ ra rằng điều này là không hề dễ dàng (Trung Quốc cũng từng có mô hình Sasat với chức năng tương tự nhưng đã thất bại, bản thân Việt Nam cũng từng có tổng cục quản lý vốn nhà nước tại DN nhưng đã phải giải thể do không thành công).

Mà bản thân việc đề xuất thiết lập cơ quan chuyên trách quản lý các DNNN này dường như đang đi ngược lại với mục tiêu của quá trình cải cách kinh tế mà Nhà nước và chính phủ đang theo đuổi, khi mà chủ trương cải cách của Việt Nam là giảm dần vai trò của khối kinh tế quốc doanh thông qua cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DNNN, và đặt trọng tâm phát triển lên khu vực kinh tế tư nhân.

Vì thế, cơ quan chuyên trách quản lý các DNNN này có thể sẽ trở nên rất hữu ích nếu như nó trở thành công cụ để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khỏi các DNNN. Vì bản thân dự thảo tờ trình của bộ KH&ĐT về đề xuất thiết lập cơ quan chuyên trách quản lý các DNNN cũng chỉ ra rằng, việc này có thể sẽ thúc đẩy việc cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DNNN không thực sự cần thiết so với khi vẫn còn trong quyền chủ sở hữu của các bộ ngành.

Các bộ ngành có nhiều lý do để trì hoãn cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DN do mình giữ vai trò chủ sở hữu, nhưng khi các DNNN thuộc về cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm trước thủ tướng, thì điều này có thể sẽ thay đổi.

Còn nếu như đề xuất thiết lập cơ quan chuyên trách quản lý các DNNN là để nâng cao hiệu quả kinh tế và vị thế của khối quốc doanh trong nền kinh tế Việt Nam, thì đó rõ ràng là một thất bại. Chưa kể đến việc nó đi ngược lại với mục tiêu cải cách nền kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi, mà bản thân việc có thể tạo nên một cơ chế hiệu quả để tăng khả năng hoạt động của các DNNN đã là một việc gần như bất khả thi.

Tất cả các mô hình quản lý chuyên trách các DNNN để nâng cao sức hoạt động của các DN ở các nước trong khu vực đã thất bại, từ mô hình Sasat của Trung Quốc đến tổng cục quản lý vốn nhà nước tại DN của Việt Nam. Mô hình thành công gần như duy nhất là mô hình Temasek của Singapore, nhưng ở đó nhà nước chỉ đóng vai trò nhà đầu tư như một cổ đông góp vốn, có thể giám sát qua báo cáo tài chính hay báo cáo công khai minh bạch, còn hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện.

Nhìn qua thì có vẻ đơn giản nhưng đó lại là cả một cuộc cách mạng về thay đổi sở hữu, và cũng chỉ áp dụng cho các lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ vốn mà thôi. Khả năng Việt Nam có thể học tập mô hình Temasek của Singapore với việc thiết lập cơ quan chuyên trách quản lý DNNN hiện tại rõ ràng là rất thấp.

Nhàn Đàm (theo CafeF)
Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siêu ủy ban 5 triệu tỷ: chỉ nên là bước đệm?