Số lượng 3.000 nhân viên y tế mà TP.HCM xin Bộ Y tế, chỉ hỗ trợ cho TP khoảng 1 đến 2 tháng.

Sở Y tế TP.HCM nói gì về việc xin Bộ Y tế 3.000 nhân viên y tế chống dịch?

Hồ Quang | 16/12/2021, 19:54

Số lượng 3.000 nhân viên y tế mà TP.HCM xin Bộ Y tế, chỉ hỗ trợ cho TP khoảng 1 đến 2 tháng.

Liên quan đến việc TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3.000 nhân viên y tế chống dịch COVID-19, chiều 16.12, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết đây là 1 trong 8 nội dung mà TP triển khai trước biến chủng mới Omicron.

Trong 8 nội dung mà TP.HCM đưa ra để ứng phó với biến thể Omicron, ở nội dung thứ 8 là TP phải thực hiện ngay việc xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.

Bắt đầu từ tháng 10.2021, khi các ngành nghề kinh doanh được mở cửa, số ca F0 ở TP tăng lên. Qua ghi nhận, những người lao động trẻ tuổi đã tiêm đủ 2 mũi khi mắc COVID-19 ít bị ảnh hưởng, phần lớn tự điều trị ở nhà rồi khỏi bệnh, nhưng những người già, hệ thống miễn dịch kém, mắc COVID-19 trở nặng và tử vong tăng lên. Điều này đã đè nặng lên hệ thống y tế, nhất là những bệnh viện điều trị COVID-19 ở tầng trên.

so-y-te-tphcm-noi-gi-ve-viec-xin-bo-y-te-ho-tro-3.000-nhan-vien-y-te-chong-dich-hinh-anh(1).png
Các nhân viên y tế tham gia công tác chống dịch COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: PV 

Bên cạnh đó, hiện nay các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức COVID-19 đang gặp khó khăn về lực lượng khi các nhân viên y tế rút đi. Nếu như trước đây, lúc cao điểm chống dịch các bệnh viện ngưng tiếp nhận bệnh nhân không phải COVID-19, để các nhân viên y tế đi vào các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức COVID-19 thì hiện nay các bệnh viện phải quay trở lại chăm sức khỏe cho người dân. Các nhân viên y tế từ các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức COVID-19 phải quay trở lại bệnh viện nơi mình công tác làm việc nên gây khó khăn về nhân lực y tế tại đây.

Tính toán về số nhân lực y tế hiện nay cần bổ sung cho TP để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 là 3.000 người, nhưng theo bà Mai những nhân viên y tế này chỉ hỗ trợ cho TP khoảng 1 đến 2 tháng, chứ không lâu.

“Qua đánh giá của Sở Y tế thì thời gian các nhân viên y tế hỗ trợ cho TP sẽ không nhiều, chỉ cần 1 đến 2 tháng. Khi chúng ta xây dựng được hệ thống hoặc khống chế số lượng F0, giảm tỷ lệ tử vong thì những nhân viên y tế hỗ trợ này sẽ kết thúc sứ mệnh của mình”, bà Mai nhấn mạnh.

Theo bà Mai, trong thời gian qua, TP cũng có nhiều lực lượng tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19, trong đó có lực lượng y tế tư nhân hỗ trợ cho các trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động, trung tâm y tế quận, huyện; các bác sĩ ở phòng khám tư nhân; hệ thống thầy thuốc đồng hành thường xuyên theo dõi, chăm sóc F0; các sinh viên và giảng viên của Trường Đại học Y dược TP.HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. “Trong thời gian tới, lực lượng sinh viên, giảng viên của 2 trường y trên sẽ bổ sung với khoảng 16.000 người tiếp tục đồng hành với TP trong công tác chống dịch COVID-19”, bà Mai cho biết.

Ngoài ra, TP còn có lực lượng tình nguyện viên trực tiếp đến các cơ sở điều trị COVID-19 tầng 3 để chăm các F0. Đây là lực lượng mà TP vẫn đang tiếp tục duy trì.

Về việc triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết sau 1 tuần triển khai chiến dịch này đến nay TP đã thống kê được 173.500 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó 140.000 người có bệnh lý nền và 33.500 người trên 65 tuổi. “Đây là con số chưa đầy đủ, vì hiện nay các địa phương vẫn còn đang tiếp tục thống kê”, ông Tâm nói.

Đối với việc thực hiện 8 nội dung ứng phó với biến thể Omicron do UBND TP.HCM ban hành, ông Tâm chia sẻ, ngành y tế TP đang thực hiện nghiêm việc kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh. Những người nhập cảnh đều phải cách ly theo đúng thời gian quy định, trong đó tất cả phải lấy mẫu  xét nghiệm. Những người có kết quả dương tính phải thực hiện giải trình tự gien để xác định có phải nhiễm biến thể Omicron hay không.

“Đến nay, TP phát hiện được hiện 45 trường hợp nhập cảnh dương tính được thực hiện giải trình tự gien, trong đó có 28 trường hợp nhiễm biến thể Delta, số còn lại chưa có kết quả. Như vậy, đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron”, ông Tâm cho biết thêm.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 15.12.2021, TP có 491.068 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 490.476 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 592 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 11.574 bệnh nhân, trong đó có 370 trẻ em dưới 16 tuổi, 505 bệnh nhân nặng đang thở máy, 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 15.12 có 1.065 bệnh nhân nhập viện, 1.011 bệnh nhân xuất viện ( nâng tổng số bệnh nhân xuất viện từ đầu năm 2021 đến nay là 295.830 bệnh nhân ), 65 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số bệnh nhân tử vong từ đầu năm 2021 đến nay lên 19.200 bệnh nhân).

Tính đến ngày 15.12, TP đã triển khai tiêm 7.950.886 mũi 1; 6.897.284 mũi 2; 10.025 mũi bổ sung và 23.438 mũi nhắc lại (mũi 3).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở Y tế TP.HCM nói gì về việc xin Bộ Y tế 3.000 nhân viên y tế chống dịch?