Sau một năm hạn hán nghiêm trọng xảy ra trong khu vực, Ủy ban Hợp tác sông Mekong (MRC) đã đưa ra các biện pháp mới để giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhưng các chuyên gia vẫn hoài nghi tính hiệu quả của kế hoạch này.

Sông Mekong không phải là cái vòi nước để thượng nguồn tự ý đóng mở

27/12/2019, 07:44

Sau một năm hạn hán nghiêm trọng xảy ra trong khu vực, Ủy ban Hợp tác sông Mekong (MRC) đã đưa ra các biện pháp mới để giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhưng các chuyên gia vẫn hoài nghi tính hiệu quả của kế hoạch này.

Sinh kế của người dân ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sông Mekong bị các nước khai thác vô tội vạ

Chiến lược quản lý hạn hán giai đoạn 2020-2025 được thông qua tại cuộc họp thường niên của MRC tại Phnom Penh, Campuchia hôm 26.11 và vừa được công bố vào tuần trước. Chiến lược được đưa ra trong bối cảnh khu vực sông Mekong đang trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất, khiến mực nước hạ xuống mức thấp kỷ lục trong ít nhất 60 năm qua. Những nghiên cứu gần đây của MRC cũng cho thấy tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt hạn hán ở hạ lưu sông Mekong đã gia tăng trong vài thập niên trở lại đây.

5 vấn đề ưu tiên trong chiến lược bao gồm giám sát các dấu hiệu hạn hán như mặt đất, độ ẩm đất, cây trồng, dự báo và cảnh báo sớm hạn hán, nâng cao khả năng đánh giá và lập kế hoạch đối phó hạn hán, đưa ra các biện pháp giảm thiểu thiệt hại và phát triển hệ thống chia sẻ thông tin.

Kế hoạch được ghi trong một tài liệu dài 88 trang, nhằm "tăng cường năng lực thích ứng của các quốc gia thành viên trong việc chống lại các mối nguy hạn hán và giảm thiểu tác động của hạn hán thông qua việc sử dụng bền vững tài nguyên nước".

Nhưng Pianyh Deetes, một nhà hoạt động môi trường ở Thái Lan làm việc cho tổ chức Sông ngòi thế giới, nói rằng trong khi kế hoạch thừa nhận một số điểm quan trọng, như hạn hán ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người, thì chiến lược đã tập trung vào các vấn đề chưa đúng trọng tâm.

"Chiến lược họ đang sử dụng đã bỏ lỡ trọng điểm", Pianyh nói. Theo nhà hoạt động này, một trong những vấn đề chính ảnh hưởng đến sự khan hiếm nước là tác động của các dự án thủy điện, lại hầu như không được đề cập trong báo cáo. "Thay vì nhận ra các vấn đề hiện hữu, các chính phủ đang cho phép ngày càng nhiều đập được xây dựng", Pianyh nói.

Hủy hoại môi trường

Ian Baird, một nhà nghiên cứu của Đại học Wisconsin, người chuyên nghiên cứu về sông Mekong, cho biết chiến lược mới này không đủ đáp ứng các kỳ vọng được trông đợi. Trong khi ca ngợi nỗ lực của MRC để thu thập thêm dữ liệu, Baird nói rằng chỉ như thế là không đủ.

"Dữ liệu sẽ chỉ có giá trị như mọi người sẵn sàng sử dụng nó để đưa ra quyết định, và điều đó sẽ phụ thuộc vào các chính phủ", Baird nói. Theo Baird, các con đập được xây dọc sông Mekong đã làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của dòng sông, và điều đó gây hiểm họa cho toàn bộ hệ sinh thái. Một trong những hậu quả của sự gián đoạn dòng chảy là cây cối đang chết ở Campuchia, do lượng nước dư thừa thoát ra từ con đập vào thời điểm cây cần ít nước hơn. Dù gì thì việc cấp thoát nước từ đập do ý chí của con người cũng không thể hài hòa như tự nhiên vốn có bao đời nay.

"Các quốc gia rất chú trọng đến việc duy trì lợi ích quốc gia. Và tôi không nghĩ họ chịu ý thức đủ về lợi ích lâu dài của mọi người", Baird nói thêm. Theo Baird, cách thức cấu trúc MRC, chỉ có đại diện chính phủ và không có ai từ xã hội dân sự, khiến chiến lược của nó chỉ có thể triển khai đến vậy

"Mọi người đều có các dự án mà họ muốn xây dựng, mọi người đều muốn có đập riêng và họ muốn có các dự án phục vụ cho riêng họ. Vì vậy, không có nhiều sự phối hợp".

Mekong không phải là một cái vòi nước

Theo kế hoạch mới, MRC nhấn mạnh sự cần thiết phải cộng tác với "đối tác đối thoại" trong khu vực. "Điều cực kỳ quan trọng đối với MRC là tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Myanmar", tài liệu viết. Trung Quốc và Myanmar là 2 nước đối tác của MRC.

Là một phần trong nỗ lực cải thiện hợp tác với Trung Quốc, MRC đã ký thỏa thuận với Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Lancang - Mekong để quản lý tài nguyên nước. Lancang là tên tiếng Trung của sông Mekong.

Trong một thông cáo báo chí, An Pich Hatda, Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC, cho biết thỏa thuận này nhằm đảm bảo "quản lý lưu vực sông Mekong trên thượng nguồn và hạ nguồn một cách hiệu quả nhằm đảm bảo sự bền vững trong tương lai và lợi ích chung".

Nhưng Pianyh Deetes cho biết các nước trong MRC lại chưa tận dụng đủ ảnh hưởng tập thể của họ với Trung Quốc. Theo Pianyh, chỉ vận động việc xả nước thường xuyên từ thượng nguồn sông Mekong là không đủ.

"Sông Mekong không phải là vòi nước. Nó cũng không phải là nơi xả nước. Không giống như vòi nước mà bạn thích thì mở, thích thì đóng: đó là toàn bộ hệ sinh thái mỏng manh, một hệ thống vô giá mà bạn cần bảo vệ", Pianyh nói và đánh giá thêm rằng các con đập chỉ "làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu".

"Chúng ta đang phá hủy sông Mekong để sản xuất điện mà không ai thực sự sử dụng đến. Tại sao lại như vậy?", Pianport đặt câu hỏi và chỉ ra rằng sản xuất điện của Thái Lan hiện thừa 50% được mang đi xuất khẩu. "Chúng tôi cần khôi phục chức năng của dòng sông để giảm thiểu cuộc khủng hoảng hạn hán ở lưu vực sông Mekong".

Trả lời báo chí, Ban thư ký MRC cho biết: "Điều quan trọng cần lưu ý là các đập trên nhánh phụ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp giảm bớt hạn hán. Khi hạn hán, các đập từ nhánh phụ có thể xả nước vào dòng chính để bổ sung nước và giảm thiểu vấn đề hạn hán".

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Mekong không phải là cái vòi nước để thượng nguồn tự ý đóng mở