Tôi đọc bài phóng sự "Bảo mẫu Thiên Lý: vấp ngã tuổi 19, trưởng thành tuổi 23" (Tuổi Trẻ Online, ngày 22.3.2017) với niềm vui nhẹ nhàng và cảm động.
Cảm nhận đầu tiên và bao quát là sự chân thành được thể hiện qua từng câu nói. Nói về khi bị bắt, bị ra tòa, khi đối mặt với đám đông, với dư luận; nói về nguyên nhân gây ra hành vi đánh trẻ, về cảm nhận của mình trước phản hồi của xã hội; nói về khi trở lại xã hội bên ngoài, về thách thức của cuộc sống, về suy nghĩ và phương pháp vượt qua giai đoạn khó khăn; nói về cuộc sống hiện tại cùng các dự định và ước mơ cho tương lai.
Nói chung, tôi cảm nhận rằng tất cả những điều Thiên Lý nói ra là hợp lý, hợp tình, hợp với suy nghĩ thông thường. Hơn nữa, chúng được kết nối với nhau bởi một sợi dây xuyên suốt: tâm tình và cá tính của một con người đồng nhất và ổn định. Phải chăng điều đó khiến tôi cảm động vì sự chân thành của Thiên Lý?
Cảm nhận thứ hai là mến phục về tri thức. Thiên Lý còn trẻ, vậy mà cô biết:
1) Lý giải nguyên nhân đưa tới hành động đánh trẻ: “Trẻ con lúc ngoan thì quá thương, lúc bướng, nghịch, không nghe lời thì quá bực mình. Áp lực đã khiến tôi không kiềm chế được, xử sự sai lầm, không đúng với bản chất con người mình” (Trích). Trong lời giãi bày này, tôi chỉ thấy nguyên nhân của sự việc chứ không thấy sự trốn tránh trách nhiệm của đương sự nấp đằng sau các nguyên cớ.
2) Hối hận về hành vi sai lầm đã qua: “Tôi nghĩ họ xem cái clip đó và giận dữ, căm ghét tôi là đúng, nếu tôi là cha mẹ đứa trẻ, có khi tôi cũng thế. Tôi tự an ủi rằng họ đều là những người biết cách yêu trẻ hơn mình” (Trích). Tôi không hề có cảm nhận “đầu môi chót lưỡi” trước lòng hối hận được giãi bày như vậy, trái lại là một sự cảm thông kèm với lòng mến phục và yêu quí. Chẳng phải đã có nhiều thí dụ cho thấy số người làm được việc đó là tương đối ít trong xã hội chúng ta đang sống hay sao?
3) Chọn hướng đi tích cực về tương lai. Trong khó khăn, “20 tháng mất tự do”, Thiên Lý biết “học được cách suy nghĩ cho mỗi hành động của mình, cách kiềm chế cảm xúc để trưởng thành hơn”. Trong suy nghĩ của cô có tinh thần cộng đồng, cô mong trường hợp của cô được dùng làm bài học cho người khác: “Xin hãy lên án hành vi tôi đã làm, sai lầm tôi đã phạm để những người khác không lặp lại”. Và khi nghe cô đề nghị, năn nỉ: “Xin đừng chà đạp con người tôi để tôi còn được tiếp tục làm một người tốt”, tôi có cảm tưởng cô không chỉ đề nghị cho riêng cô, mà cho tất cả những trường hợp tương tự!
4) Ngoài ra, Thiên Lý cũng chứng tỏ mình biết nhận định thời cơ, biết tiến biết thoái: “Biết rằng vụ của mình được xử làm án điểm và áp lực dư luận rất lớn nên dù tự nhận thấy mức án bị tuyên là quá nặng so với hành vi, tôi đã không kháng cáo” (Trích).
Nếu hiểu tri thức như là cách biết nhận xét và phân tích sự việc chung quanh, biết chọn giải pháp lành mạnh, khả thi và hữu hiệu nhất cho hiện tại và tương lai, biết cách sống hướng về hòa hợp với cộng đồng… thì tri thức sống của cô gái 23 tuổi này đáng quí! Tri thức đó cùng sự chân thành đó cho chúng ta hy vọng rằng sai lầm đã qua của cô chỉ là nhất thời, và như cô nói, từ nay về sau cô “tìm lại được mình và làm lại cuộc đời mình”.
Cảm nhận thứ ba là quí trọng nghị lực. Có sự chân thành, có tri thức, cũng cần phải có nghị lực mới thành công. Những kết cục cho tới ngày hôm nay cho thấy Thiên Lý có nghị lực.
Thiên Lý ơi, những dòng cuối của bài báo này xin dành cho cô. Tôi cảm động, tôi yêu mến và tôi hy vọng Thiên Lý cùng ông xã sẽ vững vàng trên con đường tới tương lai hạnh phúc, thành công, bền vững.
Đời còn rất dài, nếu giữ lòng chân thành, say mê học hỏi, hòa nhập với cộng đồng trong tinh thần tương trợ, mỗi ngày sống là một ngày mới mẻ và thú vị. Được vậy Thiên Lý sẽ có một cuộc đời tốt, sẽ là một con người tốt mà không ai “chà đạp con người” Thiên Lý được.
Chúc Thiên Lý mọi điều tốt đẹp.
Lê Học Lãnh Vân