Nhiều bệnh viện ở TP.HCM, nhất là các bệnh viện tuyến quận - huyện vốn vắng hoe bệnh nhân, các y bác sĩ ngồi chơi xơi nước, cơ sở hạ tầng xuống cấp, giống như những “bệnh viện chết” bỗng dưng hồi sinh một cách bất ngờ.
Hồi sinh nhờ được cầm tay chỉ việc
Từ lâu, những cái tên Bệnh viện quận 9, Bệnh viện quận 11, Bệnh viện quận 7 hay xa hơn là Bệnh viện huyện Nhà Bè, Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện huyện Cần Giờ... dường như còn quá xa lạ với bệnh nhân, còn người biết đến những bệnh viện này thì chẳng có mấy ai dám đến đây khám, chữa bệnh. Sở dĩ nói đến từ “dám”, vì nhiều người nhìn vào những bệnh viện này chỉ thấy “cái xác không hồn”. Bệnh viện mọc lên, nhưng bác sĩ thì lèotèo, chỉ điều trị các bệnh đau bụng, sổ mũi, cảm ho thông thường, còn lại là chuyển lên tuyến trên.
Một vài chuyên khoa ở những bệnh viện này cũng được lập ra nhưng để cho có, chứ bác sĩ thì yếu chuyên môn, thiếu trang thiết bị. Vì thế thủ thuật mổ xẻ, can thiệp hay xử lý các tình huống bệnh nặng thì không thể nào thực hiện được. Đó thật sự như là những “bệnh viện chết”.
Trước tình hình đó, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo cụ thể cho từng bệnh viện tuyến trênhỗ trợ chuyên môn toàn diện cho các bệnh viện này,trong đó có 1 bệnh viện chịu trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn toàn diện, một số bệnh viện chuyên khoa khác sẽ hỗ trợ ở từng chuyên khoa. Những bệnh viện hỗ trợ chuyên môn toàn diện này phải trực tiếp cử bác sĩ đến tận những bệnh viện trên để cầm tay chỉ việc hướng dẫn, đào tạo cho những bác sĩ ở đây thực hiện được những chuyên môn kỹ thuật cần thiết ở tuyến của mình để phục vụ người bệnh.
Nhớ lại thời điểm năm 2016, khi về tiếp nhận Bệnh viện huyện Củ Chi, bác sĩ Hồ Hải Trường Giang - giám đốc bệnh viện này cho biết, lúc đó cả bệnh viện chỉ có14 bác sĩ, ngày nào nhiều lắm cũng chỉ khám được khoảng 100 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh cảm, ho, sổmũi vàbệnh về đường tiêu hóa, chứ chẳng điều trị được bệnh ngoại khoa nào.
Vậy mà bằng chủ trương đưa bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt được Bệnh viện quận Thủ Đức hỗ trợ toàn diện về chuyên môn, đến nay, Bệnh viện huyện Củ Chi đã gần như tự tay xử lý được hết các bệnh ngoại khoa liên quan đến mổ xẻ. Các bệnh ngoại khoa như: ngoại tổng quát, ngoại niệu,chấn thương chỉnh hình, mổ phaco, mổ bệnh lý tai mũi họng, mổ sản phụ khoa... đều được các bác sĩ ở bệnh viện này thực hiện thuần thục.
Giờ đây bệnh viện đã thu hút được gần 100 bác sĩ, mỗi tháng bệnh viện mổ lên đến hơn 200 ca; còn lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú tăng vọt, mỗi ngày lên đến hơn 1.000 bệnh nhân.
Nhiều bệnh viện như: Bệnh viện quận 7, Bệnh viện quận 9, bệnh viện huyện Nhà Bè, Bệnh viện huyện Cần Giờ... đang được hỗ trợ chuyên môn toàn diện từ các Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện quận 2, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương... cũng đang thực sự khởi sắc. Trong đó, Bệnh viện huyện Nhà Bè đã phẫu thuật được nhiều ca khó trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện quận 7 đã chạy thận nhân tạo, nội soi cắt u buồng trứng, nội soi cắt túi mật...
Riêng tại Bệnh viện quận 9 sau 1 năm được Bệnh viện Nhân dân Gia Định hỗ trợ chuyên môn toàn diện, bệnh viện này không chỉ đẩy được số lượng bệnh nhân tăng vọt mà còn thực hiện được nhiều ca phẫu thuật trước đó chưa làm được như mổ bắt con trên vết mổ cũ, mổ nội soi cắt u buồng trứng, mổ kết hợp xương...
Nếu tự thân đi lên sẽ rất khó khăn
Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cho biết, sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên đã tạo nhiều cơ sở thuận lợi cho bệnh viện. Những bệnh viện có thương hiệu ở tuyến trên về hỗ trợ khiến người dân tin tưởng đến với bệnh viện.
“Lúc đầu nhờ có bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên nên người dân mới tin tưởng đến bệnh viện, nhưng qua sự cầm tay chỉ việc của các bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ ở đây đã mau chóng trưởng thành làm được các chuyên khoa trên .Sau khi đến bệnh viện và trải nghiệm những dịch vụ của bệnh viện, bệnh nhân cảm thấy tốt và dần dần quen với những dịch vụ này nên gắn bó, tin tưởng với đội ngũ của bác sĩ của bệnh viện”, bác sĩ Giang chia sẻ.
Ngoài việc bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn, Bệnh viện huyện Củ Chi còn cử bác sĩ của mình đến các bệnh viện tuyến trên để đào tào, học hỏi chuyên môn. Sau khi đào tạo bài bản thì các bác sĩ sẽ quay về lại bệnh viện để tiếp tục công tác.
“Nếu như không có bệnh viện tuyến trên đến hỗ trợ chuyên môn, cầm tay chỉ việc để tự thân bệnh viện đi bằng chính nằng lực của mình thì còn rất lâu chúng tôi mới có như ngày hôm nay”, bác sĩ Giang khẳng định.
Theo bác sĩ Trần Quốc Hưng - Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trước khi hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện quận 9, lực lượng nhân sự ở đây quá mỏng, không có người để thực hiện các kỹ thuật nên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi có hỗ trợ chuyên môn, bệnh viện này đã tuyển được khá nhiều nhân sự đáp ứng được nhu cầu khám, điều trị tại đây.
“Hiện tại chúng tôi đang cử bác sĩ xuống hỗ trợcác bệnh nội khoa giúp phòng khám ngoại trú tại bệnh viện này thu hút bệnh nhân đông hơn. Các bệnh nội khoa, khi có bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đến khám thì bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đông hơn. Lượng bệnh nhân nội trú tại bệnh viện này đã tăng từ 70 bệnh nhân lên trên 100 bệnh nhân; còn bệnh nhân ngoại trú tăng khoảng 15 đến 20%”, bác sĩ Hưng nói.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hữu Thơ - Giám đốc Bệnh viện huyện Nhà Bè thừa nhận sau hơn 1 tháng nhận hỗ trợ chuyên môn toàn diện từ Bệnh viện quận 2 đã tạo nên một sức bật lớn cho bệnh viện này.
“Việc hỗ trợ toàn diện về công tác chuyên môn, nhất là hỗ trợ nhân lực trong giai đoạn hiện nay mang ý nghĩa rất to lớn cho sự phát triển của đơn vị. Sự quan tâm, nhiệt tình của Ban giám đốc, các bộ, nhân viên y tế Bệnh viện quận 2 đã giúp cho việc hỗ trợ thực hiện đúng tiến độ, đúng yêu cầu đề ra. Các nội dung hỗ trợ bước đầu đã đáp ứng được mong đợi của đơn vị, giúp đơn vị giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân sự hiện nay”, ông Thơ nhấn mạnh.
Hồ Quang