Sau khi Sumit Nagal, tay vợt Ấn Độ đang xếp hạng 157 ATP cho biết chỉ còn gần 1.000 USD trong tài khoản ngân hàng, người ta càng bất ngờ hơn trước thông tin: đội tuyển quần vợt Hàn Quốc tranh tài ở ASIAD 19 bằng tiền quyên góp.
Nagal (26 tuổi) từng kiếm hơn 700 ngàn USD trong sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp (QVCN) nhưng tại sao chỉ còn bấy nhiêu tiền dù anh không kinh doanh thua lỗ hay tiêu xài hoang phí?
Với những gì Nagal chia sẻ, người trong giới banh nỉ hiểu quá rõ nguyên nhân khiến tài khoản ngân hàng của Nagal tiệm cận số 0 vì anh đã trang trải cho những cuộc hành trình thi đấu cũng như là chữa trị chấn thương. Nói đơn giản hơn, thu và chi của Nagal ngang nhau.
Ba năm trước, tay vợt huyền thoại Novak Djokovic cùng nhiều người khác đã thành lập Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp PTPA với tiêu chí bảo vệ quyền lợi cho những tay vợt đang khó khăn trong cuộc sống khi theo đuổi QVCN. Djokovic khẳng định PTPA không có ý định ly khai hay tẩy chay các giải đấu của Hiệp hội quần vợt nhà nghề thế giới (ATP).
Djokovic, Chủ tịch Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp PTPA cho biết anh luôn đứng về phía các tay vợt đang gặp khó khăn tài chính. Djokovic chia sẻ chỉ có khoảng 400 tay vợt sống được với quần vợt và gần như không mấy ai quan tâm đến có bao nhiêu tay vợt có thể theo đuổi QVCN với mức thu nhập như hiện nay.
Nói như Djokovic, đây là sự thất bại của QVCN, một môn thể thao được yêu thích khắp thế giới.
400 tay vợt sống được là nhiều so với thực tế
Con số 400 mà Djokovic đưa ra hơi bị nhiều, bởi theo thống kê của các tạp chí quần vợt thế giới, chỉ ở trong Top 100 ATP thì các tay vợt mới có cuộc sống đủ đầy.
Thống kê này được đưa ra dựa trên thu nhập của các tay vợt qua các giải thưởng. Do đó nếu các tay vợt không có nguồn tài trợ thì dứt khoát họ không thể theo đuổi được QVCN. Chi phí của các tay vợt khi dự ATP Tour rất cao, gồm lương cho HLV, tiền đi lại, trang thiết bị tập luyện, khách sạn, ăn uống...
Tóm lại phải trong Top 150 thế giới, kiếm trung bình 150.000 USD mỗi năm thì các tay vợt mới hòa vốn. Như Nagal từ đầu năm 2023 đến nay kiếm được gần 2 tỉ đồng, trong đó có hơn 500 triệu đồng kiếm được tại US Open dù thua ngay trận đầu tiên ở vòng loại, thế nhưng Nagal cũng đã phải sử dụng hết số tiền để trang trải kinh phí cho những chuyến đi và tập luyện thi đấu.
Thật may cho Nagal, ngay sau khi anh cho biết chỉ còn gần 1.000 USD thì đã có nhà tài trợ 3 năm cho anh.
Nhưng, đâu phải ai cũng may mắn như Nagal!
Liên đoàn Quần vợt Hàn Quốc phá sản
Truyền thông Hàn Quốc cho biết LĐQV Hàn Quốc (KTA) đã rơi vào cảnh phá sản. Cụ thể là KTA đã vay 3 tỉ won (tương đương hơn 50 tỉ đồng) để thực hiện dự án tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất trung tâm huấn luyện vào năm 2015. Nhưng sau đó KTA không thể trả được cả lãi lẫn gốc, mất tính thanh khoản và bị tịch thu tài sản, khóa tài khoản ngân hàng.
Ước tính, KAT còn nợ khoảng 2 tỉ won (hơn 35 tỉ đồng). Thực trạng đã khiến cho đội tuyển quần vợt Hàn Quốc rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để có mặt tranh tài tại ASIAD 19, họ đã phải tự kêu gọi tài trợ hoặc bỏ tiền túi.
Dù khó khăn nhưng quần vợt Hàn Quốc ở ASIAD 19 cho đến lúc này chắc chắn có huy chương khi đã có 2 đại diện vào bán kết nội dung đôi nữ, 1 đại diện vào bán kết nội dung đôi nam nữ và Hong Seong-chan (hạng 197 ATP) vào bán kết nội dung đơn nam. Quần vợt Hàn Quốc có thể hy vọng giành ít nhất 1 huy chương vàng tại ASIAD 19.
Khắc nghiệt quần vợt chuyên nghiệp
Khó có thể khó kiếm sống tốt bằng QVCN nếu xếp hạng ngoài Top 200 thế giới. Các giải đấu nhỏ thì số tiền thưởng nhỏ và nhiều tay vợt có thứ hạng thấp chỉ đủ chuẩn tham gia các giải Men’s Future trong hệ thống ITF rồi sau đó mới lên Challenger ATP, ATP 250, ATP 500, ATP 1000, ATP Finals, Grand Slam…
Cả một chặng đường dài, một con đường khổ ải mà chỉ có 100 người trên toàn thế giới mới sống nổi trên con đường QVCN nếu như họ không có nguồn tài trợ.
Lý Hoàng Nam, tay vợt số 1 Việt Nam và từng xếp hạng 231 ATP mà hôm nay 28.9 đang xếp hạng 377 ATP là ví dụ rõ nhất, gần nhất và dễ thấy nhất.
Nếu không có sự tài trợ vô điều kiện từ ông Thái Trường Giang, Chủ tịch CLB quần vợt Hải Đăng Tây Ninh, thì dứt khoát Nam không thể theo đuổi quần vợt đỉnh cao kể từ nửa cuối năm 2018 đến nay.
Nếu so với bóng đá, chúng ta sẽ thấy nếu nằm trong Top 2.000, các cầu thủ đã có cuộc sống giàu có (chỉ lấy 400 cầu thủ mỗi giải vô địch quốc gia ở Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Pháp). Thật ra con số này còn hơn thế rất nhiều, vì ngay như cầu thủ Việt Nam hiện nay họ dễ dàng đổi đời nếu là cầu thủ giỏi, chứ không cần là số 1 như Lý Hoàng Nam.
***
Khi xem quần vợt ở các giải hàng đầu thế giới, chúng ta bị cuốn hút bởi những tên tuổi lớn như Big 3 hay thế hệ hôm nay là những Alcaraz, Medvedev, Tsitsipas, Rune, Rublev, Sinner, Fritz… Khi đó chúng ta còn bị hút bởi sự tài hoa của những triệu phú, nhưng còn biết bao nhiêu tên tuổi vô danh đã và đang nuôi giấc mơ triệu phú USD mà không bao giờ trở thành hiện thực?
Đó chính là sự khắc nghiệt của QVCN!