Cái cách mà Bộ Công thương lý giải rằng Thông tư 20 chỉ là thủ tục hành chính chứ không phải điều kiện kinh doanh để có thể giữ lại thông tư này, lại đang mang khá nhiều dấu hiệu của một sự ngụy biện, dựa trên sự chưa rõ ràng của các quy định pháp luật.

Sự ngụy biện của Bộ Công thương?

Nhàn Đàm | 21/08/2016, 05:48

Cái cách mà Bộ Công thương lý giải rằng Thông tư 20 chỉ là thủ tục hành chính chứ không phải điều kiện kinh doanh để có thể giữ lại thông tư này, lại đang mang khá nhiều dấu hiệu của một sự ngụy biện, dựa trên sự chưa rõ ràng của các quy định pháp luật.

Sau một thời gia chờ đợi khá dài, cuối cùng thì Bộ Công thương – đơn vị ban hành Thông tư 20 về các quy định nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi – cũng đã đưa ra quan điểm chính thức về tương lai của thông tư gây rất nhiều tranh cãi trong thời gian qua. “Cần ban hành một thông tư mới có tác dụng tương đương Thông tư 20, sau đó Bộ Công thương sẽ bãi bỏ thông tư này” là câu trả lời trong báo cáo chính thức gửi Thủ tướng về Thông tư 20 của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương). Trong đó cơ quan này lý giải Thông tư 20 không phải là điều kiện kinh doanh, mà chỉ là thủ tục hành chính, vì thế không cần thiết phải gỡ bỏ, hoặc chỉ gỡ bỏ khi ban hành một thông tư mới có tác dụng tương đương. Tuy nhiên, cái cách mà Bộ Công thương lý giảilại mang khá nhiều dấu hiệu của một sự ngụy biện, dựa trên sự chưa rõ ràng của các quy định pháp luật.

Câu trả lời của Bộ Công thương trên thực tế đồng nghĩa với việc đưa cuộc tranh luận xung quanh Thông tư 20 quay trở về xuất phát điểm ban đầu của nó, đó làthông tư này thực chất là một điều kiện kinh doanh hay chỉ là một thủ tục hành chính. Trong khi một số đơn vị như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay Bộ Tư pháp, cũng như khá nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô quy mô nhỏ đều dựa vào những biểu hiện và tác động trên thực tế trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô để chứng minh rằng Thông tư 20 là một điều kiện kinh doanh và cần phải bãi bỏ từ ngày 1.7 theo quy định; thì Bộ Công thương lại đưa ra một cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác. Đó là dựa vào sự định nghĩa về điều kiện kinh doanh trong các văn bản pháp luật để xác định xem Thông tư 20 có phải là một điều kiện kinh doanh hay không.

Cụ thể, lập luận của Bộ Công thương là: dẫn chiếu khoản 5, Điều 3, Luật Đầu tư 2014, Bộ Công thương cho rằng Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh bởi nó không can thiệp vào việc “bỏ vốn đầu tư” để thành lập đơn vị kinh doanh ô tô. Bộ Công thương cho rằng bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền “bỏ vốn đầu tư” thành lập tổ chức kinh tế để kinh doanh ô tô mà không cần phải tuân thủ Thông tư 20.

Vì thế, theo Bộ Công thương, Thông tư 20 chỉ đơn giản là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để đảm bảo một mục tiêu quản lý. Thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này thì sẽ không thể hoàn tất thủ tục cho hàng nhập khẩu tại cửa khẩu hải quan như bất kỳ một loạt hàng hóa nào khác mà thôi. Một ví dụ được Bộ Công thương sử dụng để dẫn chứng là nhập khẩu mặt hàng hoa quả, mọi cá nhân và tổ chức đều có thể bỏ vốn đầu tư kinh doanh mặt hàng này nhưng vẫn phải có một số giấy tờ nhất định để hoàn tất thủ tục thông quan tương tự như quy định trong Thông tư 20, và không ai phản đối việc nhập khẩu hoa quả là một ngành kinh doanh có điều kiện cả.

Về lý thuyết, lập luận của Bộ Công thương có vẻ như khá hợp lý, khi đúng là Thông tư 20 không can thiệp vào việc bỏ vốn đầu tư để thành lập doanh nghiệp như hầu hết các điều kiện kinh doanh khác thường làm. Thông tư 20 cũng không can thiệp vào việc ngăn cản các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đàm phán và thương lượng để có được giấy chứng nhận ủy quyền từ các thương hiệu sản xuất ô tô. Nói cách khác, bất cứ một cá nhân hoặc tổ chức nào cũng đều có thể tự bỏ vốn ra thành lập doanh nghiệp nhập khẩu ô tô và xoay sở để có được giấy ủy quyền chính hãng để có thể hoàn tất thủ tục nhập khẩu xe về Việt Nam mà không bị Thông tư 20 cản trở.

Nhưng nếu đối chiếu với những gì diễn ra trên thực tế, thì lập luận có vẻ rất hợp lý trên của Bộ Công thương là không chính xác. Lý do rất đơn giản, bất cứ một hãng sản xuất ô tô nào bao giờ cũng chỉ luôn luôn giới hạn các doanh nghiệp nhập khẩu có giấy ủy quyền chính hãng trong một con số nhất định, điều đó đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất trong việc can thiệp vào giá cả cũng như số lượng xe nhập khẩu vào một thị trường nhất định. Gần như không bao giờ có chuyện các hãng sản xuất chấp nhận đàm phán để cấp giấy chứng nhận ủy quyền chính hãng một cách ồ ạt, kể cả khi các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước có đủ điều kiện và tiêu chuẩn đi chăng nữa. Tạo ra tình trạng giới hạn trong việc cấp giấy chứng nhận ủy quyền chính hãng đã luôn là một thói quen và nguyên tắc bất di bất dịch của các hãng sản xuất xe ô tô trên thế giới.

Điều này có nghĩa là, bằng việc quy định phải có giấy chứng nhận ủy quyền chính hãng từ nhà sản xuất, Thông tư 20 đã mặc nhiên tạo nên tình trạng nhập khẩu độc quyền ô tô dưới 9 chỗ mà không cần can thiệp vào việc các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước đàm phán và thương lượng để có được giấy ủy quyền chính hãng. Nói cách khác, cách lý giải về Thông tư 20 của Bộ Công thương là một sự lách luật và diễn giải sai luật một cách tinh vi dựa trên một đặc thù mà chỉ ngành sản xuất và nhập khẩu ô tô mới có. Kể cả việc đem ngành nghề nhập khẩu khẩu hoa quả ra để làm dẫn chứng cho Thông tư 20 chỉ là một thủ tục hành chính của Bộ Công thương cũng không chuẩn xác và cũng là một sự ngụy biện khác. Vì đặc thù của lĩnh vực nhập khẩu ô tô và nhập khẩu hoa quả là hoàn toàn khác nhau: chỉ có một số ít các hãng sản xuất xe trên thế giới, đồng nghĩa với việc nguồn cung nhập khẩu cực kỳ hạn chế và dễ tạo ra tình trạng độc quyền nếu đòi hỏi giấy ủy quyền chính hãng;trong khi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hoa quả thì lớn hơn rất nhiều lần, và rất khó để tạo ra tình trạng độc quyền về nguồn cung như xe ô tô.

Bản chất của các điều kiện kinh doanh đa dạng và phức tạp hơn nhiều là việc chỉ đơn giản gói gọn trong việc can thiệp vào quá trình bỏ vốn đầu tư để thành lập đơn vị kinh doanh của cá nhân và tổ chức như khoản 5, Điều 3 Luật Đầu tư đã quy định. Trong trường hợp này giấy chứng nhận ủy quyền chính hãng trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô là một ví dụ điển hình. Khoản 5, Điều 3 của Luật Đầu tư 2014 chưa quy định cụ thể và đầy đủ về các ngành nghề đặc thù như nhập khẩu ô tô. Bộ Công thương đã dựa vào sự chưa đầy đủ đó để đưa ra một cách diễn giải mang tính lách luật một cách tinh vi dựa trên câu chữ, để lờ đi những gì đã diễn ra trên thực tế và không thừa nhận Thông tư 20 là một điều kiện kinh doanh bằng một sự ngụy biện.

Nhàn Đàm (theo CafeF, The Saigon Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự ngụy biện của Bộ Công thương?